Chỉ vài tuần nữa, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ mãn nhiệm. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của EU hiện nay là việc định hình lại mối quan hệ tương lai của khối này với Trung Quốc, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới mọi hoạt động của các thành viên, đặc biệt là về kinh tế, quan hệ thương mại. Bà Merkel vốn là người ủng hộ nhiệt thành mối quan hệ EU - Trung Quốc trong suốt 16 năm qua.
Tâm lý phản đối Trung Quốc đang lan tràn khắp châu lục khi các chính trị gia, các nhóm nhân quyền và giới truyền thông gây áp lực buộc chính quyền phải có lập trường cứng rắn hơn đối với những điều mà họ cho là cường quốc thứ 2 thế giới này hành xử chưa đúng. Nhưng, quan trọng hơn cả, châu Âu nhận thấy mình đang bị kẹt giữa hai siêu cường và chẳng bao lâu nữa họ sẽ không còn trọng tài dày dạn kinh nghiệm nhất của mình. Khi EU tạm biệt bà Merkel, các nước băn khoăn về việc ai sẽ lấp đầy khoảng trống mà bà để lại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại điện Elysee, tháng 3-2019.
Trung Quốc thì hy vọng đó sẽ là một nhà lãnh đạo duy trì nguyên trạng. Viễn cảnh này có thể có 2 kịch bản nhưng đều đi kèm với những khó khăn. Đầu tiên là với ứng cử viên Armin Laschet của đảng Liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU), người theo đuổi chiến lược đối với Trung Quốc tương tự như chiến lược của bà Merkel, bất chấp sự phản đối trong đảng này. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ dành cho CDU trong các cuộc thăm dò đã giảm xuống còn 26% trong khi đó tỷ lệ dành cho đảng Xanh tăng lên thành 21% sau trận lũ lụt gây hậu quả thảm khốc ở miền Tây nước Đức khiến 164 người thiệt mạng và hơn 100 người mất tích.
Theo một thăm dò của Viện Nghiên cứu Forsa, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Laschet đã giảm xuống còn 17%. Tỷ lệ ủng hộ dành cho Annalena Baerbock của đảng Xanh và Olaf Scholz của đảng Dân chủ xã hội lần lượt là 19% và 18% trong khi 45% người được hỏi cho biết họ không thích bất kỳ ứng cử viên nào.
Có khả năng đảng Xanh - vốn ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc - sẽ đóng vai trò quan trọng trong liên minh tiếp theo do bà Laschet dẫn đầu. Nhưng, ngay cả khi đó, ông Laschet cũng phải mất một thời gian mới có thể nắm chắc quyền lực mà bà Merkel để lại tại EU. Jonathan Hackenbroith, nhà nghiên cứu chính sách về quản lý nhà nước tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho rằng bà Laschet "là một chính trị gia tài giỏi hơn mọi người nghĩ", rằng ông "có khả năng trấn tĩnh lại và cuối cùng giành thắng lợi".
Và hiển nhiên, Trung Quốc cũng muốn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp nhận vai trò quan trọng của bà Merkel trên chính trường châu Âu, sau đó giành chiến thắng trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Pháp năm 2022.
Ông Macron là người ủng hộ khái niệm "tự chủ chiến lược" - một thực tế mà Mỹ luôn hoài nghi. Nhiều phân tích cho rằng, người ta có thể tin tưởng Đức trong việc tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại vững chắc với Trung Quốc bất kể ai kế nhiệm bà Merkel, trong khi tình hình ở Pháp thì khó đoán định hơn nếu các ứng cử viên Marine Le Pen hoặc Xavier Bertrand kế nhiệm ông Macron vào mùa xuân 2022.
Lập luận này được đưa ra sau khi ông Macron công kích quyết định của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi coi Trung Quốc là kẻ thách thức mang tính hệ thống vào tháng 6 vừa qua và làm cho Washington không thoải mái. Trong suốt 2 năm qua, ông Macron đã sát cánh cùng bà Merkel trong một loạt hoạt động giao thiệp với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc khẩu chiến giữa các đại sứ Pháp và Nga tại Bắc Kinh mới đây là một lời nhắc nhở rằng chính quyền Pháp có thể có sự khác biệt hơn so với những người đồng cấp ở Đức. Đặc phái viên Pháp Laurent Bili cho rằng, trong năm qua đã chứng kiến các cuộc tấn công trực tiếp vào quyền tự do ngôn luận của Pháp ngay trên đất Pháp, với một số cuộc tấn công nhằm vào một số nhà báo và điều đó đã làm dấy lên rất nhiều vấn đề trong từng mối quan hệ cụ thể, trong đó có với Trung Quốc.
Theo một số nhà quan sát bên ngoài, sẽ khó có sự thay đổi thực sự nào trong các mối quan hệ nay mai. Alexander Stubb, cựu Thủ tướng Phần Lan cho rằng sự lựa chọn thay thế sẽ phải đến từ Pháp, Đức và Ủy ban châu Âu. Và lại cũng không có ít lời gièm pha về việc ổn định mối quan hệ này.
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo hoàn tất đàm phán hiệp định đầu tư vào tháng 12-2020, nhiều nước châu Âu đã bị sốc. Các quan chức Bỉ, Litva, Ba Lan và Hà Lan tỏ ra thất vọng vì Trung Quốc và EU đã hoàn tất đàm phán hiệp định này mà không tham vấn họ. Việc Nghị viện châu Âu sau đó bỏ mặc thỏa thuận này đánh dấu thất bại lớn thứ hai của bà Merkel trong chính sách đối với Trung Quốc, sau khi chính phủ liên minh của bà tranh cãi về kế hoạch cho phép công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc xây dựng mạng di động 5G cho Đức.
Theo CAND