Phía bắc Alberta của Canada là vựa dầu khổng lồ đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai cho Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc trong cơn khát dầu mỏ ngày càng mãnh liệt cũng sẵn sàng móc hầu bao để có phần tại đây.
Alberta có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới – hơn 170 tỷ thùng. Sản lượng cát chứa dầu 1,5 triệu thùng một ngày được dự báo sẽ tăng gần gấp 3 lần lên 3,7 triệu thùng vào năm 2025. Về tổng thể, Alberta có lượng dầu còn lớn hơn cả Nga và Iran, chỉ đứng sau Ảrập Xêút và Venezuela.
Lượng cát chứa dầu ở đây lớn đến mức có thể đáp ứng đủ nhu cầu của cả hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới khi sản lượng được gia tăng trong vài năm tới. Nhưng điều đó cũng có nghĩa sẽ phải xây dựng hai đường ống dẫn dầu: một về phía nam tới bờ biển vịnh Texas cho Mỹ, một về phía tây hướng ra Thái Bình Dương cho Trung Quốc.
Trung Quốc đang tham gia vào các dự án xây dựng đường ống dẫn dầutại Canada.
Đa số đều tin rằng cả hai đường ống trên đều sẽ được xây dựng. Nhưng nếu Mỹ không khẩn trương xúc tiến thì Canada có thể sẽ quay sang Trung Quốc, vì họ cho rằng Mỹ không muốn dính dáng đến thứ mà các nhà môi trường gọi là “dầu bẩn” do nó làm gia tăng phát thải khí nhà kính.
Thị trường xuất khẩu dầu lớn duy nhất của Canada là Mỹ. Song, sản phẩm cát chứa dầu và đường ống vận chuyển liên tục bị các nhà hoạt động môi trường phản đối, thêm vào đó là nhu cầu ngày càng lớn đến từ châu Á mà Trung Quốc là một điển hình, Canada đang muốn đa dạng hóa thị trường của mình.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Dầu mỏ Canada, Alberta nằm trong số những nơi hiếm hoi trên thế giới mà các công ty dầu mỏ có thể đầu tư, bởi đa số trữ lượng dầu trên thế giới đều bị các chính phủ quản lý. Chỉ 22% tổng trữ lượng trên toàn cầu được dành cho đầu tư tư nhân, và 52% trong số đó nằm tại Alberta.
Hãng dầu nhà nước của Trung Quốc là Sinopec đã tham gia vào dự án trị giá 5,5 tỷ USD của công ty dầu mỏ Enbridge tại Alberta, xây dựng hệ thống đường ống Northern Gateway Pipeline từ Alberta đến tỉnh British Columbia ven Thái Bình Dương. Tháng trước, Lloyd Snelgrove – người đứng đầu cơ quan tài chính của Alberta đã tiếp xúc với Sinopec và CNOOC – một công ty kinh doanh dầu mỏ lớn khác của Trung Quốc và những ngân hàng lớn nhất nước này.
“Họ nói rằng nếu các bạn cần tiền thì chúng tôi có tiền, các bạn cần kiến thức chuyên môn chúng tôi cũng có, các bạn cần thứ gì chúng tôi đều có thứ đó”, ông Snelgrove nói.
Ngoài việc có phần trong dự án đường ống Northern Gateway, Sinopec còn chi 4,6 tỷ USD để sở hữu 9% trong dự án cát dầu Syncrude lớn nhất Canada. Năm 2009, PetroChina – hãng dầu khí hàng đầu châu Á đã mua lại 1,7 tỷ USD của tập đoàn Athabasca Oil Sands Corp.
Zhang Junsai, đại sứ Trung Quốc tại Canada, nói nước ông sẵn sàng đầu tư mạnh tay vào Canada. Ông cho hãng tin AP biết việc tập đoàn China Investment Corp. chọn Toronto để đặt trụ sở đầu tiên tại nước ngoài là một tín hiệu tốt. Họ đã đầu tư 800 triệu USD vào tập đoàn Penn West Energy có trụ sở tại Calgary trong năm ngoái và 1,5 tỷ USD vào công ty khai mỏ Teck Resouces của Canada năm 2009.
Khoảng một nửa lượng dầu tiêu thụ của Mỹ là nhập khẩu. Canada là nhà cung cấp lớn nhất – chiếm 23,3%, sau đó là Venezuela 10,7%. Tại Trung Đông, Ảrập Xêút xuất khẩu dầu nhiều nhất cho Mỹ với 10,4%.
Ông David Goldwyn – cựu quan chức về năng lượng tại Bộ Ngoại giao Mỹ tin rằng đường ống dẫn dầu tới Texas sẽ được triển khai, nhất là trong bối cảnh bất ổn tại Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung. Ngoài ra, không có mối đe dọa nào từ việc Trung Quốc tiến tới Canada vì có thừa dầu cho tất cả những nước quan tâm.
Ông Glodwyn nhận định bằng cách đầu tư để tăng sản lượng dầu của Canada, Trung Quốc đang “nuôi chiếc bánh” để đáp ứng nhu cầu của mình. Điều đó có lợi hơn việc “nhặt nhạnh” nguồn cung từ “chiếc bánh” hiện tại và tạo ra cuộc cạnh tranh về dầu mỏ tại đây.
Trái lại, gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ phản ứng tiêu cực nếu bị từ chối. Người đứng đầu cơ quan năng lượng của Alberta ông Ron Liepert lo ngại đầu tư từ phía Trung Quốc sẽ không còn nếu Canada không ủng hộ đường ống dẫn dầu tới bờ biển phía tây.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen cho rằng bất kỳ sự hợp tác nào về dầu mỏ giữa Trung Quốc và Canada đều phải được tiến hành trên tinh thần ngoại giao và cẩn trọng, không làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ. Ông nói Canada có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, nhưng Canada cũng hiểu họ có mối liên hệ chặt chẽ và mang tính sống còn với Mỹ.
Eddie Goldenberg, chánh văn phòng cựu Thủ tướng Canada Jean Chretien thì khẳng định nước này không cần quan tâm đến việc liệu một số quan chức Mỹ có ngờ vực chuyện Canada có bán dầu cho Trung Quốc hay không.
“Chúng ta không phải là bang thứ 51 của Mỹ. Mỹ không có quyền quyết định Canada sẽ bán dầu cho ai”, ông nói.
Theo VNE