Trung Quốc “phản pháo” Mỹ về nhân quyền

Cập nhật: 15-03-2010 | 00:00:00

  Bắc Kinh hồi cuối tuần qua đã có hành động “phản pháo” những chỉ trích của Mỹ về nhân quyền của Trung Quốc bằng cách công bố bản báo cáo riêng của nước này về tình hình nhân quyền của Mỹ.

 

"Cũng như những năm trước, bản báo cáo nhân quyền của Mỹ đầy những lời lẽ mang tính cáo buộc về tình hình nhân quyền ở hơn 190 nước và khu vực, trong đó có Trung Quốc nhưng lại nhắm mắt làm ngơ hoặc lẩn tránh và thậm chí là che giấu những vi phạm nhân quyền lan tràn trên lãnh thổ nước này", Văn phòng Thông tin thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã nhận xét như vậy trong bản báo cáo của họ về tình hình nhân quyền ở Mỹ.

 

Bản Báo cáo Nhân quyền ở Mỹ năm 2009 là nhằm đáp trả Bản Báo cáo Nhân quyền năm 2009 vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 11-3. Bản báo cáo của Trung Quốc “được chuẩn bị nhằm giúp người dân trên khắp thế giới hiểu rõ tình hình thực tế về nhân quyền ở nước Mỹ".

 

Bản báo cáo của Trung Quốc sẽ đánh giá về tình hình nhân quyền của Mỹ năm 2009 từ 6 khía cạnh: cuộc sống; an ninh cá nhân và tài sản; các quyền chính trị và dân sự; các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội; sự phân biệt chủng tộc; các quyền của phụ nữ và trẻ em cũng như sự vi phạm nhân quyền của Mỹ ở các nước khác.

 

Trong bản báo cáo này, Bắc Kinh đã chỉ trích Washington về việc lấy vấn đề nhân quyền làm “một công cụ chính trị để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, bôi nhọ hình ảnh của các nước khác và tìm kiếm các lợi ích chiến lược của riêng mình."

 

Trung Quốc khuyên chính phủ Mỹ nên rút ra các bài học từ lịch sử, tự đặt mình vào vị trí đúng đắn, phấn đấu cải thiện tình hình nhân quyền của bản thân nước này và chỉnh sửa những hành động của mình trong lĩnh vực nhân quyền.

 

Đây là năm thứ 11 liên tiếp Văn phòng Thông tin thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ra bản báo cáo nhân quyền về Mỹ nhằm đáp trả bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.

 

"Trong thời điểm thế giới đang phải chịu một thảm họa nhân quyền nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ Mỹ gây ra, chính phủ Mỹ vẫn phớt lờ những vấn đề nhân quyền nghiêm trọng trong bản thân nước này và tiếp tục đi chỉ trích các nước khác. Đó thực sự là một điều đáng tiếc," bản báo cáo của Trung Quốc đã viết như vậy.

 

Theo dõi công dân

 

Trong khi cổ xúy cho “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” và “tự do Internet," chính phủ Mỹ đã trắng trợn thực hiện các hoạt động giám sát và hạn chế các quyền tự do của công dân. Sự tự do của công dân Mỹ trong việc tiếp cận và công bố các thông tin bị nằm trong sự giám sát nghiêm ngặt, bán báo cáo của Trung Quốc đã viết như vậy.

 

Theo nhiều nguồn tin báo chí, Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã bắt đầu lắp đặt thiết bị chuyên dụng để nghe trộm các cuộc gọi, ghi lại nội dung các bản fax và email cũng như thu thập thông tin qua các phương tiện liên lạc nội địa từ đầu năm 2001.

 

Chương trình nghe trộm này đầu tiên chỉ nhằm vào những người Mỹ gốc Ả-rập nhưng chẳng bao lâu đã được dùng cho cả những người Mỹ khác.

 

Sau loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9, chính phủ Mỹ, nhân danh chống khủng bố, đã ủy quyền cho các cơ quan tình báo xâm nhập vào hòm thư mail của các công dân, giám sát và xóa bỏ bất kỳ thông tin nào có thể đe dọa đến lợi ích của nước Mỹ trên Internet thông qua các phương tiện kỹ thuật, bản báo cáo của Trung Quốc cho hay.

 

Các con số thông kê cho thấy, từ năm 2002 đến năm 2006, FBI đã nghe trộm được hàng nghìn cú điện thoại của các công dân Mỹ.

 

Vào tháng 9 năm 2009, Mỹ đã thành lập một cơ quan giám sát an ninh Internet. Điều đó càng khiến các công dân Mỹ lo ngại rằng chính phủ của họ có thể dùng vấn đề an ninh mạng làm cái cớ để giám sát và can thiệp vào các hệ thống cá nhân của họ.

 

Cái gọi là “tự do báo chí” của Mỹ trên thực thế hoàn toàn là phụ thuộc vào lợi ích quốc gia của Mỹ và bị chính phủ Mỹ thao túng, bán báo cáo của Trung Quốc khẳng định.

 

Vào cuối năm 2009, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt các kênh truyền hình vệ tinh Ả-rập vì đã tuyên truyền những nội dụng thù địch với Mỹ và kích động bạo lực.

Một cảnh tra tấn tù nhân trong nhà tù Mỹ.

 

Tội phạm bạo lực lan tràn

 

Tình trạng tội phạm bạo lực lan tràn ở Mỹ đang đặt ra những mối đe dọa đối với cuộc sống, tài sản và an ninh cá nhân của người dân Mỹ, bán báo cáo của Trung Quốc cho biết.

 

Năm 2008, người dân Mỹ phải đối mặt với 4,9 triệu vụ bạo lực, 16,3 triệu tội phạm liên quan đến tài sản và 137.000 vụ trộm cá nhân. Tỉ lệ tội phạm bạo lực là 19,3 nạn nhân/ 1.000 tuổi từ 12 trở lên.

 

Khoảng 30.000 người chết trong các vụ việc liên quan đến súng mỗi năm. Theo một bản báo cáo cảu FBI, có 14.180 nạn nhân của những vụ giết người năm 2008.

 

Học đường đang trở thành một nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng bạo lực khi các vụ bắn người bừa bãi liên tục xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Tổ chức Heritage Mỹ cho biết, 11,3% học sinh trung học ở Washington D.C. báo cáo rằng họ bị “đe dọa hoặc làm cho bị thương” bằng một khẩu súng trong khi đang ở trường học trong niên học 2007-2008.

 

Lạm dụng quyền lực

 

Tình trạng cảnh sát Mỹ thường xuyên dùng bạo lực đối với người dân và lạm dụng quyền lực diễn ra rất phổ biến trong số các quan chức thi hành luật,

 

Theo bản báo cáo của Trung Quốc, trong vòng 2 năm qua, số cảnh sát New York bị giám sát vì có quá nhiều người dân tố cáo hành vi của họ đã tăng lên 50%.

 

Ở những thành phố lớn, cảnh sát chặn đường, hỏi và lục soát hơn 1 triệu người mỗi năm. Con số này tăng lên rất nhiều so với cách đây vài năm.

 

Các nhà tù của Mỹ thì chật kín người. Khoảng 2,3 triệu người bị giam giữ trong các nhà tù, tương đương với tỉ lệ cứ 198 người dân thì có một người phải vào tù.

 

Từ năm 2000 đến năm 2008, dân số trong các nhà tù Mỹ tăng trung bình là 1,8% mỗi năm.

 

Các quyền cơ bản của tù nhân ở Mỹ không được bảo đảm. Nạn nhân viên trông coi tù hiếp dâm các tù nhân xảy ra khá phổ biến, bản báo cáo về tình hình nhân quyền Mỹ của Trung Quốc cho biết.

 

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, số vụ nhân viên làm việc trong các nhà tù xâm hại tình dục các tù nhân ở 93 nhà tù liên bang Mỹ đã tăng gấp đôi trong vòng 8 năm qua.

 

Trong khi đó, một cuộc điều tra của liên bang đối với 63.000 tù nhân đã cho kết quả, 4,5% tù nhân bị lạm dụng tình dục ít nhất một lần trong vòng 12 tháng đầu tiên ở tù.

 

Nghèo đói dẫn đến số vụ tự tử tăng cao

 

Bán báo cáo của Trung Quốc về tình hình nhân quyền của Mỹ cho hay số người dân Mỹ rơi vào đói nghèo đang ở mức cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây.

 

Theo tờ Washington Post, có tất cả 39,8 triệu người dân Mỹ đang sống trong nghèo đói tình đến cuối năm 2008, tăng 2,6 triệu người so với con số năm 2007. Tỉ lệ đói nghèo của Mỹ năm 2008 là 13,2%, mức cao nhất tình từ năm 1998.

 

Tình trạng đói nghèo đã dẫn đến số vụ tử tự tăng cao ở Mỹ. Có khoảng 32.000 vụ tự tử đã xảy ra ở Mỹ mỗi năm, gấp đôi số vụ giết người.

 

Quyền của công nhân Mỹ không được bảo đảm

 

Các quyền lợi của tầng lớp công nhân đang bị vi phạm nghiêm trọng ở Mỹ. Tờ New York Times đưa tin, khoảng 68% trong số 4.387 người lao động có thu nhập thấp được điều tra cho biết họ đã bị giảm lương và 76% cho biết họ đã phải làm việc quá giờ mà không được trả thêm tiền.

 

Số công nhân không có bảo hiểm y tế tiếp tục tăng trong 8 năm liên tiếp. Theo các con số do Cục Điều tra Dân số Mỹ công bố, 46,3 triệu người không có bảo hiểm y tế năm 2008, chiếm 15,4% tổng dân số, so với 45,7 triệu người không có bảo hiểm y tế năm 2007. Đây là năm thứ 8 liên tiếp số công nhân không có bảo hiểm y tế tiếp tục tăng.

 

Phụ nữ, trẻ em là nạn nhân thường xuyên của tình trạng bạo lực

 

Phụ nữ là nạn nhân thường xuyên của bạo lực và lạm dụng tình dục ở Mỹ trong khi trẻ em cũng phải đối mặt với tình trạng bạo lực và phải sống trong sợ hãi, bán cáo cáo của Trung Quốc cho biết.

 

Theo nhiều nguồn tin, Mỹ có tỉ lệ hãm hiếp thuộc loại cao nhất trong các nước, cao hơn 13 lần so với Anh và 20 lần so với Nhật Bản.

 

Hãng tin Reuters đưa tin, dự vào các cuộc phỏng vấn sâu đối với 40 nữ quân nhân, 10 người cho biết họ đã bị hãm hiếp, 5 người bị tấn công tình dục và 13 người bị quấy rối tình dục.

 

Ngoài ra, tờ USA Today cho biết có 1.494 trẻ em dưới tuổi 18 bị giết hại năm 2008.

 

Theo một cuộc điều tra do Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành đối với 4.549 trẻ em và thanh thiếu niên ở tuổi 17 và nhỏ hơn diễn ra từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2008, hơn 60% trong số những em này cho biết họ đã phải đối mặt với tình trạng bạo lực hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp trong năm qua.

 

Chà đạp lên chủ quyền và nhân quyền của các nước khác

 

Bán báo cáo của Trung Quốc cáo buộc Mỹ với sức mạnh quân sự hùng mạnh đã theo đuổi quyền bá chủ trên thế giới, chà đạp lên chủ quyền của các nước khác và xâm phạm nhân quyền ở những nước này.

 

Với tư cách là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, các hợp đồng bán vũ khí của nước này đang gây ra tình trạng bất ổn định trên khắp thế giới. Mỹ cũng tăng chi tiêu quân sự, mặc dù đã lớn nhất thế giới, lên 10% năm 2008 lên tới 607 tỉ USD, chiếm 42% tổng chi tiêu quân sự toàn thế giới.

 

Vào đầu năm 2010, chính phủ Mỹ thông báo bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Điều đó đã gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích an ninh quốc gia Trung Quốc và làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân Trung Quốc.

 

Cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đang đặt gánh nặng lên người dân Mỹ và gây ra tình trạng thương vong lớn cũng như sự mất mất về của cải của người dân Iraq và Afghanistan.

 

Tình trạng tra tấn tù nhân là một trong những vụ scandal nhân quyền lớn nhất của Mỹ. Theo một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, 2.000 chiến binh Taliban đầu hàng đã bị làm cho nghẹt thở đến chết bởi các lực lượng vũ trang Afghanistan do quân đội Mỹ dẫn đầu.

 

Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự trên khắp thế giới và các vụ vi phạm nhân quyền đối với người dân địa phương thường xuyên xảy ra. Mỹ hiện đang có 900 căn cứ quân sự trên khắp thế giới với hơn 190.000 quân nhân và 115.000 các nhân viên có liên quan đóng tại đó.

 

Những căn cứ này đang gây tổn thất nghiêm trọng và phá hoại môi trường địa phương. Những chất độc gây ra do các vụ nổ bom đang để lại hậu quả đối với trẻ em địa phương.

 

 

Mỹ nhận xét không khách quan về nhân quyền Việt Nam

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người.

 

Ngày 12-3, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với những nhận xét về tình hình nhân quyền ở Việt Nam nêu trong Báo cáo nhân quyền năm 2009 được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 11-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nêu rõ: Một lần nữa Báo cáo Nhân quyền năm 2009 của Bộ Ngoại giao Mỹ lại đưa ra những nhận xét không khách quan dựa trên những thông tin sai sự thật về tình hình thực tế ở Việt Nam.

 

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền con người trong tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính người dân Việt Nam là người thụ hưởng và hiểu rõ nhất điều này. Cộng đồng quốc tế đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác và đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ để tăng cường hiểu biết lẫn nhau về những khác biệt, kể cả vấn đề quyền con người (Theo TTXVN)

 

(Theo VnMedia)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=383
Quay lên trên