Trung Quốc đang hành xử bằng cách lấy thịt đè người. Trong ảnh: Tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam bị ghìm chặt trong vòng vây của tàu Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam
Trên một số diễn đàn mạng như Sohu, Sina, weibo.com… của Trung Quốc, nhiều bạn đọc đã thẳng thắn lên tiếng tôn trọng lẽ phải, ủng hộ sự thật. Trên trang mạng Sohu, bạn đọc Fanfanhe ở Bắc Kinh, viết: “Mọi người đều thấy rõ, lần này Trung Quốc chủ động gây chuyện, người Việt Nam tố cáo ra quốc tế. Bây giờ Trung Quốc lại giả bộ bị bắt nạt, nói bị tàu Việt Nam tông húc để mong tìm kiếm sự cân bằng”.
Cũng ở trang mạng này, bạn đọc Kuangyelangren đặt nghi vấn: “Sao tôi xem chương trình “Tin tức 360” thấy tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng và tông húc vào tàu Việt Nam?”. Bạn Xianrenruyuan viết: “Chao ôi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao (Trung Quốc) cố ý làm ra vẻ ta vô tội. Thực ra, tàu Việt Nam bị húc đến thảm. Phía ta (Trung Quốc) toàn là tàu chiến hoán cải thành hải giám, sao có thể bó tay chịu húc? Vậy mà toàn thấy đưa tin “bị khiêu khích, bị bắt nạt”. Người Trung Quốc bình thường chỉ cần có chút đầu óc khẳng định đều không thể thấy lọt tai”. Bạn đọc Jiubannongju ở Tứ Xuyên viết: “Chúng ta đang giống như cướp biển. Xấu hổ vì là người Trung Quốc”.
Trong một diễn biến khác, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng chỉ trích hành vi đối đầu với các nước láng giềng ở biển Đông của Trung Quốc là hung hăng, ngạo mạn, sô-vanh và chủ nghĩa vị chủng. Bắc Kinh không chỉ để lộ ra những chiếc răng nanh bành trướng đối với Việt Nam và Philippines, mà giờ đây điều đó còn tiếp tục diễn ra trong việc làm thay đổi lập trường của Indonesia.
Tờ South China Morning Post (tờ báo uy tín nhất Hong Kong) dẫn lời phó giáo sư Vi Dân, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Đại học Bắc Kinh: “Nếu không giải quyết sớm, thì bất kể lời giải thích nào mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Uy tín và lòng tin với Chính phủ Trung Quốc sẽ bị suy giảm mạnh mẽ, làm tồi tệ hơn nữa tình hình bất ổn tại biển Đông”.
Ông Lý Lệnh Hoa, chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về luật biển của Trung Quốc thẳng thắn: “Trung Quốc là nước đã ký Công ước biển Liên hiệp quốc (UNCLOS 1982), cần phải hành xử theo các điều 74, 83 của công ước, phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước láng giềng”. Ông này cũng đã từng khẳng định: “Đường lưỡi bò là một đường hư ảo, đường này không có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng không có căn cứ pháp luật. Trung Quốc nên chủ trương giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hòa bình theo tinh thần của Công ước Luật Biển Liên hiệp quốc năm 1982, không được sử dụng vũ lực”.
Trung Quốc lại bịa đặt trắng trợn, lừa dối dư luận
Trong buổi họp báo vừa tổ chức, khi có phóng viên nêu câu hỏi về việc ngày 23-6, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin cho biết một số tàu Trung Quốc đã tập trung tấn công, đâm húc làm hư hỏng tàu chấp pháp của Việt Nam tại khu vực xung quanh giàn khoan Hải Dương-981, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đã đưa ra nhưng thông tin sai trái, đổ lỗi cho tàu chấp pháp Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đưa ra thông tin hoàn toàn sai lệch nhằm vu cáo cho tàu chấp pháp của Việt Nam, bà Hoa Xuân Doanh cho rằng, ngày 23-6, tàu của Việt Nam có mặt tại hiện trường đã tổ chức tiến vào khu vực cảnh giới cho hoạt động tác nghiệp bình thường của phía Trung Quốc, một tàu kéo của Việt Nam đã chủ động đâm vào tàu Trung Quốc, làm hư hỏng tàu Trung Quốc. Không chỉ thông tin sai lệch tình hình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn thúc giục phía Việt Nam chấm dứt các hành động quấy nhiễu đối với hoạt đông tác nghiệp bình thường của phía Trung Quốc, lập tức rút toàn bộ tàu thuyền và nhân viên ra khỏi khu vực, nhanh chóng khôi phục tình hình ổn định trên biển. Đây có thể nói là những bịa đặt hết sức trắng trợn nhằm đổi trắng thay đen, đánh lừa dư luận Trung Quốc và thế giới...
(Theo VOV)
Cũng theo nguồn trên, nhà báo Chu Phương, biên tập viên của Tân Hoa Xã đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cực lực phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở biển Đông, đòi xóa bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Người này viết: “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra “thành phố Tam Sa” là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế. Thiết lập “thành phố Tam Sa” là trò cười quốc tế, mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ ngay!”.
Còn nhớ, tại diễn đàn mang tên “Tranh chấp biển Đông: Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và Báo điện tử Sina.com tổ chức, nhiều học giả Trung Quốc đã thẳng thắn bác bỏ những lập luận của chính quyền Bắc Kinh về yêu sách “Đường lưỡi bò”. Theo đó, giáo sư Triết học Hà Quang Hộ (Đại học Nhân dân Trung Quốc) cho rằng, nhìn vào bản đồ, “Đường lưỡi bò” là không thể chấp nhận. Cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp là tôn trọng các điều khoản liên quan trong Luật Quốc tế. Giáo sư Thượng Hội Bằng (Học viện Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh) thì khẳng định: “Đường lưỡi bò” không phải đã là lãnh thổ của chúng ta, mà đó là vấn đề chưa được giải quyết trong lịch sử và trong quá trình giải quyết cần tôn trọng các quy tắc quốc tế. Đồng quan điểm, Giáo sư Trương Kỳ Phàm (Học viện Pháp luật Đại học Bắc Kinh) nói, khi xử lý vấn đề quốc tế, đặc biệt những vấn đề liên quan đến lãnh thổ, Trung Quốc cần tôn trọng pháp luật.
T.S (tổng hợp)