Vừa qua, Báo Bình Dương có nhận được thông tin phản ánh: “Trung tâm Dạy nghề huyện Bến Cát đã xây dựng nhiều năm nhưng không thấy hoạt động, gây lãng phí tiền của Nhà nước; trong khi nhu cầu học nghề của thanh niên địa phương và công nhân là không nhỏ...”!
Trung tâm Dạy nghề huyện Bến Cát được xây dựng khang trang
Trung tâm Dạy nghề huyện Bến Cát nằm trong KCN Mỹ Phước II; có diện tích khoảng 2 ha rất im ắng, cửa đóng then cài. Vì không sử dụng nên xung quanh cỏ mọc um tùm, màu sơn cũng phai nhạt theo thời gian. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn B, người dân sống gần trung tâm bày tỏ: “Từ cái ngày tôi thấy người ta đưa xe, công nhân đến xây dựng công trình, tôi khấp khởi mừng thầm vì con em của chúng tôi không còn phải lặn lội xuống TX.TDM để học nghề, mà chỉ cần đi bộ vài bước chân là tới. Thuận tiện nhiều, nhưng từ khi hoàn thành trung tâm đến nay đã 3-4 năm rồi mà lúc nào cửa cũng đóng im ỉm. Chúng tôi thực sự không biết đem vấn đề này hỏi ai và nói với ai...”?! Thật vậy, trong xu thế phát triển hiện nay thì mỗi huyện, thị đều phải có trung tâm dạy nghề để đáp ứng nhu cầu người dân, cũng như đào tạo, nâng cao tay nghề cho thanh niên là điều thiết yếu. Chị Nguyễn Thị Thành Lộc, công nhân Công ty Yazaki cũng tâm sự: “Hiện tại, tôi muốn nâng cao kiến thức bằng việc học thêm nhiều ngành nghề khác theo xu thế mới vì mong được chuyển đổi công việc nhẹ nhàng hơn. Sau khi tan ca về tôi và những người bạn cũng không biết làm gì. Nhưng học ở thị xã thì xa, chúng tôi lại chẳng có đủ điều kiện để đi. Vì vậy, mong muốn của chị em công nhân chúng tôi là trung tâm hoạt động càng sớm càng tốt, vì nơi đây rất nhiều người có nhu cầu học thêm!”.
Bến Cát là huyện đang thay đổi và phát triển từng ngày; việc đầu tư xây dựng trung tâm đã làm cho người dân vui mừng nhưng niềm vui đó giờ chưa trọn. Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Văn Chiến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) huyện cho biết: “Trung tâm dạy nghề huyện đã xây dựng xong từ cuối năm 2007, với kinh phí 12 tỷ đồng. Xét thấy việc đào tạo nghề ở địa phương vẫn còn yếu nên trung tâm có hướng liên kết với những cơ sở có nhu cầu, cho thuê cơ sở vật chất, vừa có nguồn thu vừa có thể đào tạo cho lao động có tay nghề cao đúng tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Cụ thể là phía Ấn Độ đã làm việc với huyện để thuê lại trung tâm, mục đích chính là đào tạo nghề. Nhưng sau đó, do khủng hoảng kinh tế nên phía đối tác đã rút lui, trả lại trung tâm giao cho địa phương quản lý. Cũng đã có một số trường đến đây trao đổi và yêu cầu được thuê trung tâm làm chi nhánh. Có trường sau thời gian “nghiên cứu” đã tự nguyện rút lui, có trường thì UBND tỉnh không đồng ý”! Từ những “nhùng nhằng” trên đã dẫn đến tình trạng trung tâm đã bị bỏ trống vắng từ nhiều năm nay, còn người dân thì trông ngóng từng ngày mong trung tâm hoạt động. Vừa qua, UBND tỉnh có công văn yêu cầu UBND huyện Bến Cát có kế hoạch cụ thể để đưa trung tâm đi vào hoạt động, nhanh chóng triển khai thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Theo đó, trung tâm phải trực tiếp hoạt động, không đem cho thuê như trước đây mà phải có phương án, kế hoạch cụ thể để đào tạo nghề cho người lao động. Ông Chiến cho biết thêm: “Hiện tại, Phòng LĐTB-XH đang tham mưu cho huyện để đưa trung tâm đi vào hoạt động hiệu quả. Dự kiến đến cuối tháng 7 sẽ bố trí, tuyển dụng, bổ sung nhân lực cho trung tâm; đồng thời, tính toán mua sắm trang thiết bị phù hợp với nhu cầu hoạt động cho đơn vị, mặt khác liên kết cùng các trường, trung tâm đào tạo và giới thiệu việc làm của tỉnh mở các lớp đào tạo nghề cho thanh niên công nhân, đáp ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp”.
Như vậy, việc Trung tâm Đào tạo nghề huyện Bến Cát đi vào hoạt động đã có hướng ra. Người dân không còn thấy... tiếc vì một cơ sở vật chất khang trang cứ bị bỏ hoang, dần dà xuống cấp! Tất nhiên khi đi vào hoạt động chắc chắn phải mất thêm một khoản tiền lớn để tu sửa, chỉnh trang cũng là điều lãng phí khi mục đích ban đầu tính toán không hiệu quả!.
THỦY TRINH