Trong nhiều năm qua, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết hàng ngàn hồ sơ trực tuyến. Các hồ sơ cơ bản được giải quyết đúng và trước hạn chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay, trung tâm sẽ quyết tâm với hàng loạt giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động.
Thực hiện tốt công tác tham mưu
Trong hơn 8 năm qua, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về cải cách hành chính, như hoạt động tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với hoạt động cơ quan hành chính; chế độ, chính sách cho công chức, viên chức một cửa; kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh…
Trung tâm trực tiếp quản lý, vận hành, điều phối hoạt động giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng CNTT, quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị tại khu vực “một cửa” Trung tâm Hành chính tỉnh. Ngoài ra, từ năm 2022 đến nay, trung tâm còn được lãnh đạo UBND tỉnh giao tham mưu một số nội dung về công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác cải cách TTHC, chuyển đổi số (CĐS), thực hiện Bộ chỉ số 766…
Theo đánh giá chung, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua trung tâm đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn; góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết TTHC gắn với thực hiện ứng dụng CNTT, CĐS trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) ngày càng tốt hơn.
Ông Trương Công Huy, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh, cho biết tại trung tâm, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn luôn được duy trì ở mức thấp từ năm 2021 đến nay với mức dưới 1,5%. “Việc tổ chức mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh là đầu mối kết nối, bảo đảm các điều kiện vật chất, hạ tầng, kỹ thuật, nhất là CNTT phục vụ cho các cơ quan chuyên môn thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ TTHC, bảo đảm sự kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC”, ông Trương Công Huy cho biết thêm.
Tình nguyện viên tại Trung tâm Hành chính công tỉnh hỗ trợ người dân thực hiện quy trình hồ sơ trực tuyến
Nhiều giải pháp “nâng chất”
Việc tổ chức, bố trí sắp xếp khu vực giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh được thực hiện từ năm 2014. Trong thời gian tổ chức hoạt động, mặc dù đã thường xuyên được cải tạo, nâng cấp các quầy, khu vực giải quyết TTHC, nhưng việc bố trí các quầy có vách kính không bảo đảm tính thân thiện, trang thiết bị và việc bố trí, sắp xếp chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu về thực hiện dịch vụ công trực tuyến, CĐS trong giai đoạn hiện nay. Song song đó, tại trung tâm vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, CĐS chưa thực sự gắn kết, thống nhất đầu mối thực hiện; hệ thống phần mềm, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giải quyết TTHC và cung ứng các dịch vụ tiện ích chưa đáp ứng tốt nhu cầu của công chức, viên chức, người dân và DN…
“Việc tổ chức mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh là đầu mối kết nối, bảo đảm các điều kiện vật chất, hạ tầng, kỹ thuật, nhất là CNTT phục vụ cho các cơ quan chuyên môn thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ TTHC, bảo đảm sự kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC…”. (Ông Trương Công Huy, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh) |
Trước những tồn tại hạn chế này, trung tâm đã đề ra nhiều giải pháp trong thời gian tới, như: Tiếp tục hoàn thiện mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh theo hướng là trung tâm cải cách TTHC gắn với CĐS, là đầu mối tổng hợp, tham mưu các công tác liên quan đến chỉ đạo, điều hành, kết nối thông tin giữa các bộ phận về cải cách, kiểm soát và CĐS trong giải quyết TTHC. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong chỉ đạo, triển khai, giám sát quá trình cải cách TTHC, giải quyết TTHC, cung ứng dịch vụ công trực tuyến, CĐS trong cải cách TTHC, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, mang lại sự hài lòng cao hơn cho người dân, DN.
Trung tâm xây dựng phương án bố trí, sắp xếp lại không gian trung tâm gắn với thực hiện đề án đổi mới theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27-3-2021, triển khai số hóa hồ sơ TTHC theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ với phương châm “hành chính phục vụ - người dùng là trung tâm” và phù hợp với tình hình thực tế tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến, không nhận hồ sơ giấy để từng bước chuyển từ việc hướng dẫn quy trình, hỗ trợ nộp hồ sơ cho người dân, DN, tiến tới người dân, DN có thể tự thực hiện TTHC trực tuyến từ xa tại nhà, tại DN. Từ đó, giúp cho việc thực hiện công tác CĐS, số hóa hồ sơ TTHC đầu vào và kết quả đầu ra được hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu về đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông, CĐS trong giải quyết TTHC để phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn.
Theo ông Trương Công Huy, trung tâm tiếp tục phối hợp bố trí các trang thiết bị, hoàn thiện hệ thống phần mềm bảo đảm việc kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu tại Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh để bảo đảm việc kết nối, chia sẻ và tái sử dụng thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ cho quá trình giải quyết TTHC của cơ quan, đơn vị được thuận lợi, nhanh chóng; hướng đến thực hiện tốt mục tiêu giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Trung tâm sẽ tái cấu trúc quy trình TTHC; số hóa hồ sơ, kết quả TTHC và việc tái sử dụng các hồ sơ, giấy tờ đã được số hóa. Song song đó là phối hợp với Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ, Cục CĐS Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn, triển khai cho công chức, viên chức tham gia vào quy trình giải quyết TTHC để bảo đảm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về thực hiện CĐS, số hóa trong giải quyết TTHC của tỉnh trong thời gian tới…
HỒ VĂN - NGỌC MINH