Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP.Thủ Dầu Một: Ngày càng phát huy hiệu quả

Cập nhật: 24-05-2019 | 07:06:59

 Ngày 1-11-2018, Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án Nhân dân (TAND) TP.Thủ Dầu Một (trung tâm) được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động. Theo quy trình tổ chức hòa giải, đối thoại, sau khi tòa án nhận được vụ việc sẽ chuyển đến trung tâm (trừ vụ việc theo quy định không được hòa giải, đối thoại) thì tất cả những hồ sơ khởi kiện sẽ được phân công cho các hòa giải viên, đối thoại viên để thực hiện hòa giải, đối thoại trong thời hạn quy định. Nhờ có hoạt động này, nhiều vụ việc phức tạp đã được hòa giải thành, từ đó giảm áp lực số lượng vụ việc tòa án phải giải quyết thông qua mở phiên tòa xét xử.

 Mô hình thí điểm mang hiệu quả thiết thực

Theo quyết định thành lập, Phó Chánh án TAND TP.Thủ Dầu Một là Giám đốc trung tâm, một thẩm phán là Phó Giám đốc trung tâm. Trung tâm hiện có 7 hòa giải viên, đối thoại viên là những cán bộ hòa giải có nhiều năm kinh nghiệm, từng công tác trong các lĩnh vực MTTQ, tư pháp, thẩm phán, kiểm sát... đã nghỉ hưu hoặc đang công tác tại các cơ quan tư pháp khác trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một.

Theo thống kê, từ ngày 1-11- 2018 đến hết ngày 22-3-2019, trung tâm đã thụ lý 537 đơn các loại, trong đó dân sự 148 đơn, hôn nhân và gia đình 366 đơn, kinh doanh thương mại 17 đơn, lao động 4 đơn, hành chính 2 đơn. Trung tâm đã tổ chức hòa giải, đối thoại 531 trường hợp, đạt tỷ lệ 98,88% trên tổng số đơn thụ lý. Về kết quả, trong tổng số 537 đơn chuyển trung tâm có 171 trường hợp đương sự từ chối hòa giải khi được mời hoặc đã được trung tâm triệu tập hợp lệ lần 2 mà không có mặt. Trung tâm đã tổ chức hòa giải 330 trường hợp, trong đó hòa giải thành 269 trường hợp, đạt tỷ lệ 81,15%; hòa giải không thành 61 trường hợp, chiếm tỷ lệ 18,48%.

 Các thành viên Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP.Thủ Dầu Một họp trao đổi kinh nghiệm hàng tuần

Thẩm phán Nguyễn Thị Sang, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: “Chúng tôi nhiều lần giải thích cho các đương sự hiểu mục đích của trung tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại tại TAND, góp phần giảm số lượng vụ việc tòa án phải giải quyết thông qua việc mở phiên tòa, phiên họp, từ đó giảm số lượng vụ việc cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các cơ quan tư pháp, đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. Hoạt động hòa giải, đối thoại cũng nhằm phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Bản chất của hòa giải, đối thoại là đề cao quyền tự quyết của các bên. Các bên được quyền kiểm soát hoàn toàn quy trình, chủ động và tự nguyện tham gia. Các hòa giải viên, đối thoại viên bằng những kỹ năng, kinh nghiệm pháp luật của mình sẽ thuyết phục, vận động và hướng đương sự tới những thỏa thuận phù hợp nhất với quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, phù hợp với quy định pháp luật”.

Tự nguyện, dân chủ

Qua tìm hiểu, tất cả các hòa giải, đối thoại viên khi nhận hồ sơ vụ việc, họ phải dành thời gian nghiên cứu để tìm hướng hòa giải phù hợp với từng vụ việc; luôn có sự trao đổi để tìm ra phương án giải quyết tối ưu cho từng vụ việc.

Các hòa giải viên, đối thoại viên đều là những người có kiến thức về pháp luật, kiến thức xã hội và có đạo đức, uy tín. Khi thực hiện phiên hòa giải, đối thoại với các đương sự, họ lắng nghe và đặt câu hỏi, trình bày giải thích cho đương sự hiểu và thuyết phục đương sự bằng khả năng linh hoạt, mềm dẻo của mình. Hòa giải viên, đối thoại viên để tạo được cảm giác tin tưởng cho đương sự ngoài hiểu biết về pháp luật thì phải là người thân thiện, tích cực. Gắn bó với công tác này, đôi khi không tránh được những bức xúc vì thái độ đương sự chưa thiện chí, các hòa giải viên, đối thoại viên phải thật kiên trì, nhiệt tình với công việc mình đảm nhận. Nhờ kiến thức sâu rộng cùng khả năng thuyết phục hợp tình, hợp lý của các hòa giải viên mà nhiều vụ việc tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại… đã được hòa giải thành, hàn gắn mối quan hệ rạn nứt của đôi bên.

Bà Trần Thị Hoa Hạnh, Phó Chánh án TAND TP.Thủ Dầu Một, Giám đốc trung tâm cho biết thêm: “Kể từ khi thành lập, trung tâm đã phổ biến bằng nhiều hình thức như tuyên truyền đến đương sự bằng tờ bướm, kết hợp với tuyên truyền miệng (nhân viên văn phòng của tòa luôn giải thích về việc hòa giải, đối thoại tại trung tâm cho đương sự khi họ đến nộp đơn tại văn phòng). Trên thực tế, nhiều người còn chưa hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc hòa giải, đối thoại tại trung tâm nên cùng với việc nộp đơn khởi kiện là đơn từ chối hòa giải tại trung tâm nên phần nào cũng ảnh hưởng đến công tác chung của trung tâm.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền thông qua việc hướng dẫn, giải thích khi đương sự nộp đơn; phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương phổ biến rộng rãi đến người dân về hoạt động của trung tâm. Giai đoạn đầu thí điểm nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn trong công tác triển khai thực hiện, nhất là công tác chuyên môn. Tuy nhiên, đến nay mọi thứ đã dần ổn định từ cơ sở vật chất đến hoạt động chuyên môn, các hòa giải viên, đối thoại viên ngày càng phát huy tính trách nhiệm, sáng tạo trong công tác của mình. TAND tối cao vừa có hướng dẫn để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc bước đầu trong công tác thực hiện triển khai thí điểm về hòa giải, đối thoại tại TAND”.

Trung tâm sẽ tiếp tục duy trì các cuộc họp hàng tuần để trao đổi khó khăn, vướng mắc, kịp thời cập nhật các hướng dẫn nghiệp vụ, trang bị các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn mới nhất đến các hòa giải viên, đối thoại viên để công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án đạt hiệu quả tốt nhất”, bà Hạnh cho biết.

Căn cứ Kế hoạch số 301/KH-TANDTC ngày 1-10- 2018 và Quyết định số 184/QĐ-TANDTC ngày 4-10- 2018 của TAND Tối cao về tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND, ngày 19-10-2018, TAND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định về việc thành lập Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh Bình Dương và các TAND thành phố, thị xã, huyện (trong đó có Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP.Thủ Dầu Một). Từ ngày 1-11-2018 các trung tâm đã đi vào hoạt động.

 TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=833
Quay lên trên