Trung tâm Học tập cộng đồng hoạt động chưa thực sự hiệu quả!

Cập nhật: 11-03-2011 | 00:00:00

Mô hình Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) được thành lập tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định 09/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24-3-2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, suốt đời. Qua đó góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân cũng là góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã có thành lập mô hình này. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, hoạt động của các TTHTCĐ chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập thực tế trong nhân dân...

  Lớp học tình thương do TTHTCĐ xã Chánh Mỹ, TX.TDM tổ chức, một trong số ít những trung tâm có nhiều hoạt động thường xuyên và hiệu quả của tỉnh

Đến nay, trong toàn tỉnh đã có 88/91 xã, phường, thị trấn thành lập TTHTCĐ. Tuy nhiên, đó là về số lượng, còn về chất lượng thì xem ra hoạt động của các trung tâm (TT) này chưa thực sự hiệu quả, thậm chí nhiều người dân không hề biết tí gì về TTHTCĐ ở địa phương mình! Một cán bộ làm công tác phụ trách TT ở một địa phương vùng xa của huyện Tân Uyên đã thẳng thắn tâm sự rằng nhiều TT chỉ làm cho có hình thức, ở địa phương anh cả năm rồi cũng không thấy huyện tổ chức họp gì về các hoạt động này. Các địa phương có TT được ngành giáo dục đánh giá hoạt động tốt như TX.TDM, TX.Thuận An, huyện Phú Giáo thì cũng chỉ lồng ghép trong các hoạt động của đoàn thể chứ chưa có khảo sát nhu cầu học tập thực tế của người dân ở địa phương để tổ chức các lớp học, khóa học bổ ích cho người dân. Ông Đặng Văn Trên, Chuyên viên phụ trách phổ cập giáo dục, học tập cộng đồng (Phòng Giáo dục TX.TDM) cho biết, trong năm, các TT trên địa bàn TX.TDM đã tổ chức các lớp chuyên đề về giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia, là một trong những địa phương hoạt động tích cực của tỉnh, nhưng cũng theo ông thì nội dung, hình thức hoạt động của các TT chưa phong phú, chưa lan rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Được biết theo quy định, một TT thành lập mới được cấp kinh phí 30 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị và chi cho hoạt động thường xuyên 10 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ phụ trách TT thì số kinh phí này còn hạn chế nên hàng năm các TT gặp nhiều khó khăn khi tổ chức các hoạt động.

Ông Trương Văn Phương, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh) cho biết, về cơ sở vật chất của các TT thì toàn tỉnh chỉ có 3 địa phương là xã Chánh Mỹ (TX.TDM) và xã Phước Hòa, Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo) là có cơ sở riêng, còn lại sinh hoạt tại trụ sở UBND địa phương. Các thành viên Ban giám đốc thì hầu hết đều kiêm nhiệm, không đủ thời gian tập trung cho các hoạt động của TT nên các hoạt đông còn nhiều hạn chế. Theo đánh giá của ông thì các TT trên địa bàn tỉnh hoạt động không đều tay, chỉ ở mức trung bình hoặc yếu. Đặc biệt, ở những địa phương vùng sâu, vùng xa nơi mà TTHTCĐ là cơ hội học tập cho các đối tượng khó khăn, không có điều kiện thì lại không có nhiều hoạt động, không phát huy được tác dụng, thay vì là địa điểm để mọi người dân ở mọi lứa tuổi đều có thể tìm được cho mình một nội dung, hình thức học tập phù hợp. Ông cho biết thời gian tới, ngành cần phải nâng mức đầu tư thường xuyên, tập huấn chuyên môn cho cán bộ phụ trách và có giáo viên chuyên trách.

Thiết nghĩ, đây là một mô hình hay, là cơ hội học tập thường xuyên cho người dân địa phương và một khi đã được thành lập thì cần phải được quan tâm, đầu tư đúng mức. Điều quan trọng là phải có sự khảo sát, đánh giá, tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng và đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng để mô hình tránh rơi vào hình thức, lãng phí.

ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X