Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp: Sẵn sàng chuyên nghiệp
Theo dõi Báo Bình Dương trên
(BDO) Với mục tiêu từ đầu năm 2025, 275 thủ tục hành chính được thực hiện theo mô hình phi địa giới hành chính, đến tháng 7-2025, thêm 570 thủ tục hành chính áp dụng hoàn toàn mô hình phi địa giới, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Dương đang phấn đấu sẵn sàng chuyên nghiệp phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Kiện toàn bộ máy
Ông Trương Công Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho biết Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh được thành lập có giám đốc, 3 phó giám đốc và 4 đơn vị cấp phòng, gồm: Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); Phòng Tiếp nhận, số hóa hồ sơ, giải quyết TTHC; Phòng Quản lý hệ thống và phát triển ứng dụng; Văn phòng. Trung tâm bố trí tối thiểu 28 biên chế công chức, viên chức (CCVC). Các Chi nhánh TTPVHCC là đơn vị trực thuộc tương đương cấp phòng của trung tâm do UBND tỉnh quyết định thành lập, có con dấu riêng, có tài khoản riêng và được bố trí trụ sở, trang thiết bị làm việc theo quy định của pháp luật.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ra đời nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính công một cách công khai, minh bạch, hiệu quả
Từ ngày 1-1-2025, trung tâm giao các chi nhánh TTPVHCC trên cơ sở hiện trạng TTPVHCC tại 9 địa phương cấp huyện dự kiến bố trí tối thiểu từ 12-15 biên chế CCVC mỗi chi nhánh trung tâm. Cụ thể, đối với các chi nhánh trung tâm trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Bến Cát, TP.Tân Uyên, TP.Thuận An, dự kiến bố trí tối thiểu 15 biên chế CCVC. Đối với các chi nhánh trung tâm trên địa bàn huyện Bàu Bàng, huyện Phú Giáo, huyện Dầu Tiếng, huyện Bắc Tân Uyên, dự kiến bố trí tối thiểu 12 biên chế CCVC. Các chi nhánh mới được hình thành trên cơ sở gộp các điểm tiếp nhận tại các xã, phường, thị trấn của các huyện, thành phố. Việc gộp các điểm tiếp nhận đáp ứng tiêu chí tổ chức, doanh nghiệp (DN) và người dân tiếp cận dịch vụ công trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5km.
“Từ ngày 1-1-2025, UBND tỉnh giao biên chế CCVC cho chi nhánh trung tâm để bố trí nhân sự thực hiện nhiệm vụ tại 10 chi nhánh TTPVHCC mới, trên cơ sở gộp các điểm tiếp nhận tại 5 thành phố bắt đầu thực hiện từ ngày 1-7-2 025.
Hướng đến nhân dân phục vụ
Với mục tiêu “phục vụ nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm”, mô hình TTPVHCC tỉnh ra đời nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính công một cách công khai, minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu TTHC, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và DN. Trung tâm sẽ là đầu mối, là điểm đến duy nhất để tiếp nhận và xử lý tất cả các TTHC trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi tối đa cho mọi tổ chức, cá nhân khi thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh quản lý, chỉ đạo về mặt chuyên môn nghiệp vụ đối với các chi nhánh trung tâm, điểm tiếp nhận. 9 chi nhánh trung tâm tại 9 địa phương chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo song trùng của UBND cấp huyện đối với các hoạt động liên quan đến công tác Đảng, đoàn, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn, cũng như về biên chế, nhân sự, kinh phí, trụ sở, trang thiết bị... |
Sự kiện ra mắt mô hình TTPVHCC tỉnh Bình Dương vừa diễn ra không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong công tác cải cách hành chính của tỉnh mà còn là một trong những mô hình mẫu để tỉnh thực hiện mục tiêu cải cách TTHC toàn diện, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các TTHC, thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ người dân và DN trong mọi lĩnh vực, nhằm xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu quả và gần gũi hơn với người dân, DN.
Trong thời gian tới, để mô hình hoạt động hiệu quả, TTPVHCC tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung, như: Xác định rõ quan điểm lấy tổ chức, cá nhân làm trung tâm; sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, CCVC và cơ quan có thẩm quyền; phát huy tinh thần phục vụ nhân dân, giải quyết TTHC cho người dân, DN phải tốt hơn hiện nay; không yêu cầu người dân, DN đi lại nhiều lần, đến nhiều nơi khi đã triển khai thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết TTHC phi địa giới hành chính; bảo đảm sự ổn định, không được làm xáo trộn việc giải quyết TTHC cho người dân, DN, ảnh hưởng đến Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số 766, Chỉ số PAPI, Chỉ số PCI hay các chỉ số liên quan…
Trung tâm đẩy mạnh việc tiếp nhận và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính; đồng thời phải chuẩn hóa TTHC, thống nhất thành phần hồ sơ, quy trình tiếp nhận và giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, không để xảy ra tình trạng mỗi huyện, mỗi xã nhận hồ sơ TTHC khác nhau, thực hiện quy trình luân chuyển, giải quyết khác nhau. Song song đó là thường xuyên phối hợp trao đổi kinh nghiệm với 4 địa phương thí điểm và xin ý kiến Cục Kiểm soát TTHC, cũng như bộ, ngành liên quan để triển khai phù hợp thực tế và định hướng của Trung ương.
Song song đó, trung tâm sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ CCVC “một cửa”, đặc biệt là nhân sự bưu điện có đủ phẩm chất, năng lực và ngày càng chuyên nghiệp, thân thiện để phục vụ tốt nhất cho người dân, DN trong quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC; thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mô hình trung tâm và danh mục TTHC phi địa giới hành chính nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa đến người dân, DN về mục đích, ý nghĩa của việc thí điểm mô hình TTPVHCC một cấp và lợi ích của việc thực hiện TTHC phi địa giới hành chính…
HỒ VĂN - KHẮC TUẤN