Trung tâm Trợ giúp pháp lý: “Điểm tựa” của người yếu thế
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp (gọi tắt là trung tâm) đã tích cực trong công tác tham gia tố tụng, tư vấn, hướng dẫn thủ tục pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp. Qua đó, bảo đảm quyền và lợi ích của người yếu thế trong hoạt động tố tụng, xét xử khi họ không có đủ điều kiện, kiến thức về pháp luật để giải quyết.

Tích cực vào cuộc
Trao đổi với P.V, trợ giúp viên pháp lý Cao Ngọc Lộc giải thích, theo Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017, đối tượng được TGPL miễn phí gồm người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người có công với cách mạng; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ; người nhiễm HIV; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, khi đến trung tâm nhờ tư vấn, không phải trường hợp nào cũng là người yếu thế, do đó nhân viên trung tâm sẽ căn cứ vào các quy định, đồng thời giải thích rõ để người đến tư vấn biết mình có thuộc đối tượng TGPL. Trở lại với việc TGPL cho người yếu thế, trợ giúp viên pháp lý Cao Ngọc Lộc cho biết, mỗi trường hợp cần trợ giúp là một câu chuyện, hoàn cảnh nên khi những người “yếu thế” tìm đến trung tâm thì chúng tôi tích cực vào cuộc.
Mới đây, trung tâm đã tham gia bào chữa cho một vụ xâm hại tình dục trẻ em, cháu N.T.B (sinh năm 2018) ở trọ cùng mẹ ruột là chị K. trong một nhà trọ tại TP.Thuận An, người xâm hại cháu B là ông T.A.D (sinh năm 1974). Cháu B. thường qua phòng ông D. chơi, lợi dụng lúc không có người lớn, ông D. đã xâm hại cháu B, đến lần thứ 3 thì bị mẹ cháu B. phát hiện và báo công an. Mẹ cháu B. cho biết, do có hoàn cảnh khó khăn nên hai mẹ con ở trọ, khi cháu B. bị xâm hại, chị K. đi báo công an và được hướng dẫn tìm đến trung tâm để được trợ giúp. Với hành vi của ông D., tòa đã tuyên phạt 20 năm tù về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và bồi thường tổng cộng với số tiền 72 triệu đồng.
Ngoài ra, trung tâm còn nhận TGPL nhiều vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng vay tài sản, thủ tục giám hộ cho người mất khả năng nhận thức cũng như vô hiệu các hợp đồng dựa trên thông tin giả mạo. “Có những trường hợp khi vào cuộc xác minh, trợ giúp viên pháp lý phải đi lại nhiều lần vào những vùng xa xôi để vận động, giải thích vì người cần TGPL hạn chế hiểu biết về pháp luật”, ông Cao Ngọc Lộc thông tin thêm.
Hiệu quả từ sự phối hợp
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc trung tâm, cho biết từ đầu năm đến nay sự phối hợp giữa các cơ quan trong Hội đồng TGPL khá chặt chẽ và hiệu quả nên đã TGPL cho rất nhiều người dân, nhất là người yếu thế thuộc diện được TGPL miễn phí. Bên cạnh công tác TGPL, trung tâm còn triển khai có hiệu quả kế hoạch liên tịch là phối hợp giữa người tiến hành tố tụng, công chức tòa án với Trung tâm TGVPL được thực hiện kịp thời, hiệu quả, bảo đảm. Các đối tượng thuộc diện được TGPL trong các vụ việc được tiếp cận và TGPL kịp thời, phù hợp với người dưới 18 tuổi và các đối tượng đặc thù khác, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng tại tòa án.
Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác TGPL cho người yếu thế, trung tâm tiếp tục triển khai nội dung về TGPL trong chương trình mục tiêu quốc gia về “kết nối, đẩy mạnh các hoạt động TGPL trong các chương trình, chính sách về an sinh xã hội” theo yêu cầu Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông và tổ chức các đợt TGPL lưu động cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã khó khăn, Hội Người mù, người khuyết tật tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; đồng thời tiếp tục kiện toàn chất lượng trợ giúp viên pháp lý của trung tâm phù hợp với tình hình tiếp nhận và đáp ứng yêu cầu công việc. Song song đó, trung tâm sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện TGPL về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thực hiện TGPL.
Trong quý I năm 2025, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã thực hiện 75 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó tư vấn pháp luật 28 vụ việc, cử trợ giúp pháp lý và luật sư tham gia tố tụng 47 vụ việc, gồm 46 vụ hình sự; 1 vụ dân sự. Trong đó bị can là người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có 27 vụ; trẻ em: 14 vụ; người dân tộc thiểu số: 5 vụ; người nghèo: 1 vụ. Trung tâm đã ban hành 47 quyết định cử trợ giúp pháp lý và luật sư tham gia tố tụng bảo vệ, bào chữa cho 47 đối tượng được trợ giúp pháp lý. |
QUỲNH ANH