Trong lúc đi rừng tại khu vực đèo Phụng Hoàng, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai, 9 nông dân quê ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) tìm được 13 kg kỳ nam, mang về xuôi bán được gần 32 tỷ đồng.
Mỗi người trong nhóm được chia hơn 3 tỷ đồng, riêng ông Võ Quốc Tuấn ở thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, do có công phát hiện đầu tiên nên ưu tiên nhận hơn 6 tỷ.
Kể về hành trình đi tìm trầm cùng nhóm thanh niên trong làng, ông Tuấn cho biết, một tuần trước ông đang ở cánh rừng cạnh làng Tăng, xã Lơ Ku, huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai, bất ngờ phát hiện trong bụi lồ ô rậm rạp một thân cây dó bầu to lớn đã mục nát. "Tôi gọi cả nhóm tới cùng dùng cuốc và liềm để khai thác. Sau hơn nửa giờ hì hục đào, tìm được một lõi kỳ nam to bằng bắp chân”, người đàn ông này hào hứng tường thuật.
Trầm hương thường có trong những gốc cây dó lâu năm.
Nhóm tìm trầm hương đã tự nguyện góp hơn 50 triệu đồng từ số tiền bán kỳ nam cho Quỹ vì người nghèo của xã Đại Nghĩa. Riêng ông Tuấn còn ủng hộ 80 triệu đồng đóng hai chiếc ghe đua tặng cho thôn Nghĩa Tây và Nghĩa Tân, nhằm khơi dậy phong trào đua ghe truyền thống địa phương vào mỗi dịp lễ, Tết. Ông Tuấn cũng góp 20 triệu đồng để bê tông hóa tuyến đường nông thôn.
Ông Thái Ngọc Ôi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Nghĩa cho biết, một số nông dân may mắn khác cũng đã đề nghị xã cấp đất để ủng hộ 150 triệu đồng làm sân bóng chuyền, bóng đá và biểu diễn văn nghệ.., tạo sân chơi cho thanh niên quê nhà.
Đầu tháng 8, hai cụ già ở Phú Yên đi núi cũng tình cờ nhặt được kỳ nam, song vì không biết giá trị của nó nên chỉ bán rất rẻ. Những người mua sau đó đã bán lại số kỳ nam này thu hàng tỷ đồng.
Theo các chuyên gia về y học cổ truyền, kỳ hương hay còn gọi là kỳ nam, được tạo thành từ cây dó lâu năm. Dó có ba loại thường gặp: dó lưỡi trâu; dó lang và dó bầu. Trầm hương có xuất xứ từ hai loại dó lưỡi trâu và dó lang. Còn cây dó bầu (có tên khoa học là Aquilaria Agallochea thuộc họ trầm hymelaeaceae) thì tạo thành kỳ nam.
Dó tự mọc trong rừng, phát triển thành cổ thụ, thường mọc ở các vùng núi miền Trung dọc theo các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Đông y gọi kỳ nam là "già nam", ngoài ra còn có những tên gọi khác như: già nam hương, nhự nam hương, lục kết, mật kết, sạn hương, hổ ban kim ty kết và kỳ nam hương.
Trầm hương và kỳ nam của Việt Nam rất có giá trị trên thị trường quốc tế. Đó là những hương liệu quý giá trong việc điều chế các loại nước hoa hảo hạng như Santal, Nuit d'Orient..., một số xà phòng tắm và nhất là nhang trầm.
Kỳ nam có công dụng chữa trị chứng đi tiểu không cầm được; giúp cho bền vững tinh khí (giao hợp được lâu); rất hay trong điều trị các bệnh tiêu hóa như bệnh khí thống (đau do hơi dồn tức trong bụng), hay đau bụng tiêu chảy thể tả; còn có tác dụng tiêu tan đờm dãi (dùng trong trị chứng ho). Ngoài ra, kỳ nam còn được dùng làm vòng đeo tay, hạt chuỗi, đồ trang sức có hương thơm lưu giữ hằng mấy chục năm. Nhiều người cho rằng đeo đồ trang sức làm từ kỳ nam vừa có công dụng trị gió, lại tránh được cảm.
Theo VNE