Trước giờ G cấm dạy thêm, học thêm: Trường tạm dừng, trường dạy buổi 2
Theo dõi Báo Bình Dương trên
![](https://cdn.baobinhduong.vn/image/assets/images/gg-news-v2.png)
Nhiều trường đã thông báo dừng dạy thêm buổi chiều từ ngày mai, 14-2, trong khi nhiều cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục triển khai mô hình dạy học 2 buổi/ngày.
![Từ ngày mai, 14/2, các trường học sẽ không được dạy thêm có thu tiền. (Ảnh: TTXVN)](https://media.vietnamplus.vn/images/664637a6beb95d62ee17b5def46d23af0f6a29c41a5228490167dde17633ebcbaf50caa4bf41cc4fd8a2b8d6b593821f8b30e2a514304d8680952bb930a95c15/hoc-sinh-1346.jpg.webp)
Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm, trong đó có quy định cấm dạy thêm có thu tiền trong các cơ sở giáo dục sẽ có hiệu lực từ ngày mai, 14-2.
Trước giờ G, hàng loạt các trường đã thông báo ngừng dạy thêm buổi chiều, học sinh chỉ học nửa ngày, trong khi một số cơ sở giáo dục cho biết vẫn dạy cả ngày do trường triển khai mô hình 2 buổi/ngày.
Dừng dạy thêm
Theo Thông tư 29, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống), giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh mà giáo viên đó đang dạy ở trường; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường.
Thông tư 29 cũng quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của hoc sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học. Các đối tượng gòm học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp. Thời gian dạy không quá 2 tiết mỗi tuần với mỗi môn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các quy định về dạy thêm học thêm.
Thực hiện Thông tư 29, các trường học đã đồng loạt thông báo dừng dạy thêm, học thêm. Chị Nguyễn Thị Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay đã nhận được thông báo của Trường Trung học cơ sở Linh Đàm về việc dừng dạy thêm buổi chiều từ ngày mai, 14-2. “Con tôi sẽ chỉ học nốt buổi chiều hôm nay,” chị Thủy cho hay.
![1611-quang-ngai-hoc-sinh-khuyet-tat-2-3697.jpg](https://media.vietnamplus.vn/images/4359a3df9b251435296fbde0195654ba34a488b3cb683fa3c00086b83d93e9fd14fd56a49c8b28558760f4c59759f585bf8c8fe413f32007353537c0601b6850224cb2071ece86ad3e99b019ee49996e/1611-quang-ngai-hoc-sinh-khuyet-tat-2-3697.jpg)
Ông Nguyễn Văn Thơ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Kim Chung (Hà Nội) cho biết trường này đã dừng dạy thêm ngay từ sau Tết Nguyên Đán. Tương tự, Trường Trung học cơ sở Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội) cũng không triển khai hoạt động này từ đầu tháng 2.
Tiếp tục mô hình học 2 buổi mỗi ngày
Trong khi nhiều trường tổ chức dạy thêm đã dừng hoạt động này theo Thông tư 29 thì các cơ sở giáo dục triển khai mô hình dạy học 2 buổi/ngày vẫn tiếp tục triển khai học buổi chiều như cũ.
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay Thông tư 29 không ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học ở trường vì trong các năm gần đây, trường đã dừng hoạt động dạy thêm. Nhiều năm qua, việc bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn tập cho học sinh yếu kém, ôn thi cho học sinh cuối cấp vẫn luôn trường được thực hiện mà không thu phí.
Cũng theo cô Hồng, 5 năm qua, Trường Trung học cơ sở Chương Dương triển khai mô hình dạy học 2 buổi/ngày theo công văn 7291/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học được ban hành năm 2010 và Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, học sinh sẽ học cả sáng và chiều tất cả các ngày trong tuần, từ thứ 2 đến thứ 6.
“Việc triển khai mô hình dạy học 2 buổi/ngày khác với việc dạy theo mô hình 1 buổi/ngày và học thêm buổi chiều. Do học 2 buổi/ngày nên trường cân đối chương trình và học sinh không phải học thứ 7,” cô Hồng cho hay.
Theo công văn 7291, việc dạy học 2 buổi/ngày nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục hoc sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định ở các nhà trường; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Giống như Trường Trung học cơ sở Chương Dương, các trường Trung học cơ sở Yên Hòa, Trung học cơ sở Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng triển khai mô hình dạy học 2 buổi/ngày và nghỉ thứ 7.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, dạy học 2 buổi/ngày, dạy học bán trú là chủ trương đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ có nhiều nội dung chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trong đó có việc tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo đủ trường lớp, đủ giáo viên để học sinh được học đủ cả ngày tại trường.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, việc học sinh được học 2 buổi/ngày là trách nhiệm của Nhà nước và của ngành giáo dục các cấp. Học sinh không chỉ học kiến thức, văn hóa mà còn được tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, vui chơi, nhưng không thu tiền của phụ huynh.
Vì vậy, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định Thông tư 29 không mâu thuẫn với công văn 7291 không mâu thuẫn với nhau mà chỉ khác nhau về tính chất và phạm vi điều chỉnh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay việc dạy học 2 buổi/ngày là không thu phí, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, hiện các trường dạy học 2 buổi/ngày đang thu phí theo quy định của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định. Tại Hà Nội, mức thu phí học buổi 2 được thực hiện theo Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội với mức quy định chung là 235.000 đồng/học sinh/tháng. Theo lãnh đạo các trường, đây là mức phí rất thấp khi học sinh học đến 5 buổi chiều mỗi tuần./.
Theo TTXVN