Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương:Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy

Cập nhật: 26-01-2010 | 00:00:00

Ngày 23-1, trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương đã tổ chức hội thảo đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lần thứ IV. Qua diễn đàn này, các giảng viên cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm mà họ đã đúc kết được trong quá trình giảng dạy. Thầy Vũ Tế Xiển, Hiệu trưởng nhà trường đã phát biểu: “Nhà trường mong các thầy cô hãy tiếp sức nhau suy nghĩ, tìm tòi, phấn đấu khắc phục những hạn chế để nâng cao chất lượng đào tạo, làm cho trường thật sự là trung tâm đào tạo chất lượng cao của một tỉnh năng động, phát triển và hội nhập.

Những giờ thực hành giúp sinh viên có kiến thức vững vàng

Bàn về đổi mới phương pháp dạy học, thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hương chia sẻ: Trong 4 năm qua, trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương đã áp dụng đổi mới trong đào tạo, phát triển dạy học theo hướng đặt và giải quyết vấn đề, tăng cường những bài tình huống, tập dượt nghiên cứu khoa học, chú trọng hướng dẫn học sinh (HS), sinh viên (SV) tự học, tự nghiên cứu. Trong số các phương pháp được sử dụng, phương pháp dạy học theo nhóm có nhiều ưu thế, hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo mới. Phương pháp này đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nhiều công sức, thời gian, qua đó mới có thể thực hiện bài lên lớp với vai trò là người gợi mở, động viên, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động tìm tòi hào hứng, tranh luận sôi nổi của SV.

Nói về phương pháp học nhóm, SV Nguyễn Thị Thanh Lan nhận xét: Học theo nhóm đã xây dựng cho SV có tính làm việc tập thể, năng động, mạnh dạn, tự tin, phát huy khả năng tư duy... khi thầy cô đưa ra một tình huống cần giải quyết, cả nhóm cùng bàn luận, đóng góp ý kiến, sau đó nhóm lên thuyết trình, giáo viên và các bạn khác cùng chất vấn. Phương pháp học này giúp chúng em chủ động hơn, buổi học cũng vui hơn và không căng thẳng.

Thay đổi phương pháp dạy học có nhiều biện pháp và tùy từng bộ môn giảng viên có sự sáng tạo và đổi mới phương pháp phù hợp. Hiện nay khoa Kỹ thuật -Công nghệ của trường đã và đang triển khai ứng dụng phương pháp dạy học với mô phỏng. Theo thầy Nguyễn Tường Dũng, với phương pháp này, giúp SV tiếp cận nhận thức thế giới thực thông qua mô hình tĩnh hoặc động. Bằng phương pháp mô phỏng, SV không chỉ tiếp thu kiến thức sâu mà trong quá trình học còn có thể tìm ra cách tiếp cận vấn đề, con đường, cách thức để đạt mục tiêu bài học. Đặc biệt, SV còn có thể tạo dựng và điều khiển tại chỗ các đối tượng theo ý muốn, tìm tòi phát hiện một số quan niệm mới cũng như rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

Ở một khía cạnh khác, có những giáo viên đổi mới cách dạy học theo tình huống, vấn đề. Theo đó, giờ lên lớp của giảng viên không nặng lý thuyết, đó là những bài dạy theo cách hướng dẫn SV tìm tòi, nghiên cứu dựa trên vấn đề hoặc tình huống. Đây là kiểu dạy sinh động, cụ thể, thực tế, giúp giáo viên phát hiện những điểm mạnh, yếu của HS để có hướng điều chỉnh kịp thời.

Từ năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phát động “nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng yêu cầu xã hội” đối với giáo dục đại học. Từ đây, việc dạy và học đã đi vào thực chất. Trên giảng đường không còn kiểu giảng viên nói một chiều, dạy lý thuyết suông, thay vào đó là phát huy tính chủ động sáng tạo của SV. Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Thanh Sinh đã đúc rút kinh nghiệm: “Cách dạy của tôi là phát huy cao độ tính tích cực, độc lập, sáng tạo của SV; tăng cường rèn luyện nghề nghiệp cho SV và chuyển dần phương pháp học tập sang phương pháp nghiên cứu, gắn các đề tài nghiên cứu của SV với các yêu cầu của xã hội, của sản xuất, của thị trường”.

Còn tiến sĩ Lê Thị Thanh Hà đã thể hiện quan điểm, một giảng viên giảng dạy tốt, có hiệu quả là phải biết vận dụng các phương pháp giảng dạy vào trong mỗi môn học, mỗi chuyên đề, mỗi tiết giảng, mỗi đối tượng SV một cách linh hoạt nhất.

Tham gia hội thảo, dược sĩ Trương Thị Ngọc Sương cũng chia sẻ những kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy những môn thực nghiệm. Theo đó, nguời giáo viên qua cách dạy của mình phải giúp cho người học cách đảm nhận những chức năng riêng biệt trong xã hội. Muốn vậy, giáo viên phải cố gắng làm cho người học “làm giả” càng giống càng tốt các hoạt động nghiệp vụ của họ.

Đổi mới phương pháp giảng dạy là giúp cho người học có khả năng sáng tạo, tư duy độc lập, kỹ năng phản biện và khả năng hợp tác để dễ dàng thích ứng với cuộc sống đầy biến động. Hưởng ứng chủ trương đổi mới giáo dục ở bậc đại học -cao đẳng của Bộ Giáo dục - Đào tạo, những năm qua, trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương đã thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Qua đó, chất lượng giáo dục đã đi vào thực chất, SV ra trường đáp ứng được nhu cầu xã hội. Nhà trường và nhiều công ty, doanh nghiệp cũng đã ký kết hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, 95% HS, SV tốt nghiệp được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chấp nhận, đặc biệt một số HS, SV các ngành kỹ thuật đi thực tập đã xin được việc làm...

H.Thái

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X