Thời gian xét tuyển nguyện vọng 2, 3 thi đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) năm học 2011-2012 chưa được 1 tuần, nhưng đã dần lộ bức tranh tuyển sinh của các trường trên địa bàn tỉnh. Năm nay, với sự ra đời thêm 2 trường ĐH, thách thức trong tuyển sinh của các trường càng gia tăng, khi mà các trường ĐH địa phương vốn dĩ khó thu hút thí sinh (TS), do năm nay nhiều trường công lập ở TP.HCM lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn.
Khá đông thí sinh đăng ký xét tuyển NV2 tại trường ĐH Thủ Dầu Một
Chiều 29-8, TS Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một phấn khởi báo tin: Đến giờ này ban tuyển sinh đã nhận gần 1.000 hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 2. Năm học này, trường có 1.200 chỉ tiêu ĐH, 600 chỉ tiêu CĐ, trong khi NV1 đã đạt trên 80% thì lượng hồ sơ trên là khá dồi dào để trường xét tuyển NV2. Hiện trường đã xin chủ trương Bộ GD-ĐT cho tăng thêm chỉ tiêu đào tạo. Ông Ngô Hồng Điệp, Phó Trưởng phòng đào tạo nói thêm: TS có NV vào học ở đây, nhà trường sẽ cố gắng tạo điều kiện, các em không học ngành này thì cũng học ngành khác phù hợp với khả năng.
Để bảo đảm chất lượng đầu vào, trường không vận dụng điều 33 quy chế tuyển sinh. Trường cũng không hạ điểm chuẩn, NV1 bằng với điểm sàn, NV2 cao hơn 0,5 điểm, CĐ 10 - 11 điểm; một số ngành điểm chuẩn tương đối cao như: kiến trúc 16 điểm, xây dựng 15 điểm. Trong tổng số TS đăng ký NV1, NV2 thì 2/3 là TS tỉnh nhà. Lý do TS chọn trường ĐH Thủ Dầu Một vì đây là trường công lập, học phí thấp... nên chất lượng sẽ tốt hơn.
Các trường ĐH tại Bình Dương thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích để thu hút TS, đồng thời tạo thêm cơ hội để các em vào ĐH. Cụ thể, trường ĐH Bình Dương sẽ miễn toàn bộ học phí năm thứ nhất và cấp học bổng 500.000 đồng/tháng đối với những TS trúng tuyển vào trường có tổng điểm 3 môn từ 25 điểm trở lên (20 điểm trở lên đối với TS có hộ khẩu tại Bình Dương). Năm thứ 2 sinh viên tiếp tục được miễn học phí và nhận học bổng nếu có học lực giỏi (9,0 đối với khối kinh tế; 8,5 đối với khối kỹ thuật) và thỏa mãn điều kiện ngoại ngữ theo quy định của trường. Theo học trường ĐH Quốc tế Miền Đông, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để nhận học bổng. Nhà trường dành 6 tỷ đồng để phát trực tiếp cho TS tại lễ khai giảng, mức cao nhất là 30 triệu đồng/năm; 14 tỷ đồng dành cho tất cả TS trúng tuyển vào trường, để tham gia học chương trình đào tạo Anh ngữ quốc tế IELTS.
Dù thực hiện các hình thức ưu tiên, khuyến khích xem ra nhưng một số trường vẫn khó thu hút TS, bởi trường công có nhiều lợi thế hơn. Mùa tuyển sinh những năm trước, trường ĐH Bình Dương thu hút khá nhiều TS, vậy mà đến giờ này số TS xét tuyển NV2 chỉ đạt 1/4 chỉ tiêu. Lãnh đạo của một trường ĐH tư thục đã nói, trước tình hình ngày càng có nhiều trường ĐH trên địa bàn tỉnh, các trường tư thục đối mặt với thách thức, khó khăn trong tuyển sinh. “Để thu hút TS chúng tôi chỉ còn cách đổi mới công tác đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu xã hội, nhưng xem ra cũng khó tranh nổi với trường công lập”.
Ngoài sự cạnh tranh giữa các trường ĐH trên địa bàn tỉnh, lý do các trường khó tuyển đủ chỉ tiêu là do điểm thi ĐH năm nay thấp. Cũng vì lý do này, các trường công lập tuyển không đủ chỉ tiêu nên hạ điểm chuẩn, thậm chí có trường còn lấy bằng điểm sàn. Một lý do khác, các trường ĐH gặp khó trong tuyển sinh năm nay là các tỉnh có trường ĐH, nên TS thường chọn trường gần nhà để đỡ tốn kém chi phí học tập.
NHÓM P.V GD