Trường đại học Bình Dương: 15 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật: 28-09-2012 | 00:00:00

Đa dạng hóa loại hình đào tạo  

Qua 15 năm xây dựng và phát triển,   trường ĐH Bình Dương đã từng bước   khẳng định mình trong hệ thống giáo dục   ĐH, hòa nhập vào hệ thống giáo dục khu   vực, đã xây dựng được nhiều mối quan hệ   hợp tác liên kết đào tạo, khoa học công   nghệ với nhiều trường ĐH các nước.  

Còn nhớ lần chiêu sinh khóa đầu tiên   vào năm 1998, trường có 370 sinh viên (SV)   theo học ở 5 ngành, thì đến nay trường ĐH   Bình Dương đã trở thành trường đa cấp, đa   hệ. Hiện trường có 13 ngành đào tạo với 35   chuyên ngành thuộc các lĩnh vực kinh tế,   khoa học công nghệ, khoa học xã hội nhân   văn. Điểm nhấn là năm 2007 nhà trường   được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo thạc sĩ, đã   mở ra cơ hội học tập nâng cao trình độ chuẩn   và trên chuẩn cho cán bộ, quản lý doanh   nghiệp và phụ trách khu công nghiệp. Đến   nay trường đã và đang đào tạo được 160   thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh, trong đó   đã có 43 học viên nhận bằng tốt nghiệp khóa   I. Và tính đến nay, trường đã đào tạo hơn   45.000 lượt học viên, SV ở các cấp: thạc sĩ,   ĐH, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp với   các hình thức đào tạo: chính quy và không   chính quy, đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến.   Nhà trường đã cung cấp cho xã hội 14.202   SV tốt nghiệp 11 khóa. Có thể nói, sự ra đời   của trường ĐH Bình Dương vào thời điểm mở   cửa và hội nhập đã đáp ứng nhu cầu đào   tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công   nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung,   tỉnh Bình Dương nói riêng.  

Hợp tác quốc tế  

TS Cao Văn Phường, Hiệu trưởng  trường ĐH Bình Dương: Thành công  lớn nhất của trường ĐH Bình Dương  trong 15 năm qua là đã hoàn thành  xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức  có chất lượng các chương trình đào  tạo. Từ những khó khăn ban đầu về  đội ngũ, cơ sở vật chất, tài chính, nhà  trường đã hình thành chiến lược xây  dựng phát triển với những quan điểm  triết lý, khái niệm, chính sách rõ ràng.  Nhà trường đã phát huy được tiềm  năng của xã hội, đặc biệt đã quy tụ  được đông đảo các nhà khoa học có  kinh nghiệm trong công tác giảng dạy,  quản lý, tham gia vào các hoạt động  giáo dục của nhà trường.  

Điểm nổi bật ở trường ĐH Bình Dương   là nhà trường đã quy tụ được nhiều nhà   văn hóa nổi tiếng như: GS.TS Trần Văn   Khê, TS - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Bạch   Tuyết, Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu… tham   gia giảng dạy. TS Cao Văn Phường, Hiệu   trưởng nhà trường chia sẻ, nhờ có chính   sách phù hợp, nhà trường tập hợp được   hơn 1.200 cán bộ khoa học, nhân viên,   cộng tác viên làm việc thường xuyên. Và   trong 15 năm qua, trường đã có 110 cán   bộ hoàn thành các chương trình đào tạo   sau ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và có 2 tiến sĩ được   phong hàm phó giáo sư.  

Một trong những thành công của   trường trong 15 năm qua là đã xây dựng   được mối quan hệ liên kết hợp tác với   17 cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu   trong nước và 19 trường ĐH, viện nghiên   cứu các nước. Không phải ký kết cho   có tiếng, mà trường đã liên kết đào tạo   với nhiều trường ĐH của các nước như:   Nga, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung   Quốc… Cụ thể, trường liên kết với ĐH   Benedictine của Hoa Kỳ đào tạo khóa I   chuyên ngành QTKD, đã có 24 học viên   nhận bằng thạc sĩ vào tháng 6 vừa qua;   liên kết với ĐH Assumption (Thái Lan)   đào tạo ĐH 2 chuyên ngành là QTKD,   Marketting và đào tạo sau ĐH các   ngành: Quản trị du lịch, Quản trị chiến   lược - phát triển, Quản trị tài chính, Quản   trị công nghệ thông tin.  

Đầu tư cơ sở vật chất  

Từ chỗ cơ sở tạm bợ, lèo tèo vài phòng   học vào năm 1997, đến nay trường ĐH   Bình Dương có cơ ngơi thật khang trang với   162 phòng học, sức chứa trên 7.500 SV;   17 phòng thí nghiệm, thực hành; 10 phòng   máy, 1 nhà thi đấu đa năng; thư viện; nhà   hát SV. TS Cao Văn Phường phấn khởi cho   biết, hiện trường có 4 cơ sở và 1 chi nhánh   Cà Mau. Nhà trường đã được các tỉnh: Bình   Dương, Vĩnh Long, Cà Mau giải quyết 36   ha đất để xây dựng trường lớp và các dịch   vụ công cộng. Với cơ sở vật chất hiện có   bảo đảm cho các hoạt động đào tạo, khoa   học công nghệ của nhà trường.  

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo   dục, trường ĐH Bình Dương đã có sáng   kiến xây dựng mô hình ký túc xá kết hợp   3 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà dân.   với mục đích lo cho SV có nơi ở an toàn,   ổn định mà yên tâm học tập. 15 năm   xây dựng và phát triển, nhà trường đã   xây dựng được nền tảng về triết lý, quan   điểm, phương pháp giáo dục, tạo nên   thương hiệu ĐH Bình Dương. Sự thành   công của ĐH Bình Dương thêm một lần   nữa khẳng định sự đúng đắn của Đảng,   Nhà nước ta về chủ trương xã hội hóa   giáo dục.

 H.THÁI  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=272
Quay lên trên
X