Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những nhiệm vụ chính ở trường đại học (ĐH), góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Nhưng bấy lâu nay, NCKH dường như chỉ là sân chơi của cán bộ - giảng viên, một số trường chưa thực sự quan tâm đến đối tượng sinh viên (SV). Trong khi đó, từ năm 2008 trường ĐH Bình Dương đã tạo điều kiện, khuyến khích SV tham gia hoạt động NCKH.
SV bảo vệ đề tài trước Hội đồng khoa học và các bạn SV Ngay khi phát động SV tham gia NCKH, Ban giám hiệu trường xác định NCKH trong SV không phải là phong trào mà là hoạt động có tính chất thiết thực, tập cho SV làm quen với công việc nghiên cứu, biết thêm kiến thức thực tế, đến khi các em ra trường không bị bỡ ngỡ với công việc này và biết cách xử lý công việc tốt hơn. Với ý nghĩa này, hoạt động NCKH trong SV trường ĐH Bình Dương được thực hiện rất bài bản. SV đăng ký đề tài, sau đó Hội đồng khoa học nhà trường họp đánh giá đề cương. Nếu như ý tưởng về đề tài tốt, được hội đồng chấp nhận, nhà trường cấp kinh phí để SV bắt đầu triển khai thực hiện. Điều đáng nói là, ở một số trường khác khi SV tham gia NCKH phải có giáo viên hướng dẫn, còn SV trường ĐH Bình Dương được giao làm chủ nhiệm đề tài, đây là quan điểm mới của trường. Ngô Thị Thanh Tuyền, cựu SV trường chia sẻ: “Được làm chủ nhiệm đề tài, SV tụi em cảm thấy được trân trọng và nghe có vẻ oai hơn, các bạn phấn khởi tham gia, có trách nhiệm với đề tài đã đăng ký”. Ngày SV báo cáo đề tài cũng được tổ chức nghiêm túc, trang trọng, về phía SV phải có sự chuẩn bị chu đáo để bảo vệ thành công đề tài trước Hội đồng khoa học.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng NCKH trường cho biết, nếu như năm 2008 hoạt động NCKH trong SV mới chỉ dừng lại ở số lượng, thì nay đã đi vào chiều sâu. Những đề tài có tính thiết thực hơn, có những sản phẩm cụ thể ứng dụng, phục vụ lại hoạt động đào tạo của trường như chương trình phần mềm, thiết bị điện tử, phần mềm kế toán - quản trị kinh doanh... dù còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng không ít SV có những đề tài mang tính sáng tạo, như đề tài “Nghiên cứu chế biến sữa chua từ kefir bổ sung tảo spirulina platensis, hương trà xanh” của em Ngô Thị Thanh Tuyền, khoa công nghệ sinh học; hoặc các đề tài “Vai người kể chuyện trong tiểu thuyết Bá tước Dracula của Bram Stoker” của em Từ Thị Nam khoa ngữ văn, đề tài “Việc sử dụng ngôn ngữ teen trong giới trẻ 9X hiện nay” của em Võ Nguyệt Thiên Kim, khoa xã hội học cũng được nhà trường đánh giá cao. Để khích lệ tinh thần ham học hỏi của SV, những đề tài hay được nhà trường xem xét khen thưởng. Đặc biệt, tất cả những SV có tham gia NCKH đều được trường cấp giấy chứng nhận, đây sẽ là một trong những giấy thông hành giúp SV dễ dàng tìm việc sau khi ra trường.
Mỗi năm trường ĐH Bình Dương có khoảng 70 đề tài NCKH từ SV, kinh phí mỗi đề tài là 4 triệu đồng. Chỉ riêng 2 năm 2009, 2010, nhà trường đã dành 2 tỷ đồng cho công tác NCKH trong SV. Đây là số tiền không nhỏ, nhưng với mục tiêu “cổ vũ tinh thần ham học hỏi” của SV, đồng thời tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc của xã hội, Ban giám hiệu trường vẫn không ngần ngại trích kinh phí cho hoạt động này.
Để hoạt động NCKH trong SV phát huy được hiệu quả, GS-TS Trần Văn Khê, thành viên Hội đồng khoa học - đào tạo của trường đã có lần nhắc nhở các em: Đối với SV, khi nghiên cứu một vấn đề nên định ra phạm vi nghiên cứu, định ra định nghĩa và xuất xứ của đối tượng nghiên cứu và biết miêu tả các yếu tố của đề tài nghiên cứu trong thời hiện tại. SV cũng nên lựa chọn đề tài theo chuyên ngành để chứng tỏ cho các thầy biết là mình đã hấp thụ và lĩnh hội những lời giảng dạy của thầy, có thể đi sâu vào chuyên ngành đó bằng cách tự mình tìm ra những yếu tố đã có người đề cập tới hay mình mới khám phá ra...
H.THÁI