Năm học 2013-2014 là năm thứ hai trường ĐH Thủ Dầu Một triển khai “Cuộc thi SV NCKH” và xét giải thưởng “Tài năng khoc học trẻ ĐH Thủ Dầu Một”. Tham gia cuộc thi có 140 đề tài với 453 SV thuộc 12 khoa. Sau khi xét duyệt đề cương, có 120 đề tài được giao cho SV thực hiện với tổng kinh phí hỗ trợ 298 triệu đồng. Đến nay đã có 78/120 đề tài của SV được đánh giá nghiệm thu ở cấp khoa, đồng thời khoa cũng đã xét chọn ra 22 đề tài để gửi tham gia giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ ĐH thủ Dầu Một” lần II năm 2014 ở 4 lĩnh vực: Kỹ thuật Công nghệ, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Giáo dục, Khoa học Tự Nhiên và Kinh tế.
Sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một tìm tài liệu nghiên cứu tại thư viện trường. Ảnh: N.THANH
Dù chỉ mới 2 năm thực hiện công tác NCKH trong SV nhưng hoạt động này đã có sự chuyển biến về mặt nhận thức của SV trong việc tham gia NCKH. Điều này thể hiện ở việc tăng nhanh số lượng đề tài đăng ký tham gia. Nếu năm 2012-2013 có 78 đề tài đăng ký, thì năm 2013-2014 có 140 đề tài đăng ký. Kết quả 3 đề tài đạt giải nhất, 3 đề tài đạt giải nhì, 9 đề tài đạt giải ba. Trong đó, có 2 đề tài xuất sắc nhất được chọn để gửi Bộ Giáo dục - Đào tạo tham gia xét giải thưởng “Tài năng khoc học trẻ” năm 2014.
Với đề tài NCKH được đánh giá cao “Tổng hợp và nghiên cứu hoạt tính sinh học của vật liệu y sinh Hydroxyapatite (HA) từ vỏ trứng”, SV Mai Thị Tuyết, SV khoa Khoa học Tự nhiên, cho biết: “Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tổng hợp thành công vật liệu y sinh Hydroxyapatite (HA) từ vỏ trứng. Kết quả đạt được khẳng định hoạt tính của vật liệu qua sự hình thành một lớp khoáng Hydroxyapatite (HA) mới trên bề mặt vật liệu sau ngâm. Lớp khoáng Hydroxyapatite này chính là thành phần vô cơ trong xương người, nó như cầu nối gắn liền miếng ghép vật liệu với xương tự nhiên, qua đó xương hỏng được tu sửa và làm đầy. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chấp nhận đăng trên Tạp chí Khoa học - ĐH Huế. Với các kết quả bước đầu đầy triển vọng, chúng tôi mong muốn có thể phát triển và hoàn thiện các nghiên cứu này trong khuôn khổ các đề tài tiếp theo”.
Theo tiến sĩ Trần Văn Trung, Trưởng phòng Khoa học trường ĐH Thủ Dầu Một: “Đối với mỗi sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường ĐH, bên cạnh việc học tập các môn trên lớp, NCKH được xem như một trong những nhiệm vụ và trách nhiệm của SV. Nó không chỉ cung cấp cho SV cơ hội tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn các em yêu thích, mà còn giúp các em có một tác phong làm việc khoa học, rèn luyện cho các em cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tiếp cận từ nhiều phía. Nhận thức được những lợi ích to lớn từ việc tham gia hoạt động NCKH, càng ngày càng có nhiều đề tài đăng ký tham gia. Chất lượng nghiên cứu của SV cũng được nâng lên. Nhiều đề tài được đánh giá cao và mang tính ứng dụng vào cuộc sống”.
Thời gian qua, hoạt động NCKH của SV trường ĐH Thủ Dầu Một đã và đang tạo ra diễn đàn mang tính học thuật cho SV trao đổi, thảo luận với nhau và với các nhà khoa học, nhà quản lý. Hoạt động NCKH của trường ĐH Thủ Dầu Một cũng đã góp phần khơi gợi trong SV niềm say mê và là cơ hội để các em khẳng định mình. Ðể đẩy mạnh phong trào NCKH trong SV trong thời gian tới, bản thân mỗi SV cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc lên kế hoạch học tập và nghiên cứu. Các em cần xác định mục tiêu rõ ràng, tìm hiểu và lựa chọn cho mình một phương pháp học tập, nghiên cứu hiệu quả, phù hợp, nâng cao khả năng tự học, tự sáng tạo để có thêm nhiều đề tài nghiên cứu chất lượng và tính ứng dụng vào thực tế.
NGỌC THANH