Trường Đại học Thủ Dầu Một: Tiên phong đổi mới hướng tới phát triển bền vững

Cập nhật: 20-06-2024 | 15:24:35

(BDO) Ngày 24-6-2009, trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một được thành lập theo Quyết định số 900/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Suốt 15 năm qua, trường ĐH Thủ Dầu Một không chỉ xây dựng thành công đơn vị giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực từ bậc ĐH đến sau ĐH, mà còn trở thành trung tâm văn hóa - giáo dục, đóng góp nguồn nhân lực và sản phẩm khoa học, công nghệ chất lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam bộ và cả nước.  


Tháng 5-2024, trường ĐH Thủ Dầu Một tổ chức tọa đàm “Đổi mới chiến lược phát triển trường ĐH Thủ Dầu Một định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”

Định hình đơn vị đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực

Trong hành trình 15 năm xây dựng và phát triển, trường ĐH Thủ Dầu Một đã từng bước khắc phục những khó khăn, thách thức ban đầu, dần vươn lên khẳng định vị thế trong hệ thống các trường ĐH Việt Nam, hội nhập sâu, rộng trong khu vực và thế giới. 

Trường còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng khi trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam bộ và cả nước. 

Để có được thành tựu khoa học giáo dục đáng tự hào như ngày hôm nay, hành trình phát triển của trường được xây dựng vững chắc dựa trên nền tảng của những sách lược/chiến lược đúng hướng và có sự chuẩn bị chu đáo trong từng chương trình hành động.

Giai đoạn 2009-2014, quán triệt mục tiêu trong chiến lược phát triển, nhà trường đã đặt trọng tâm vào công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng và đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với chính sách phù hợp trong công tác xây dựng đội ngũ, đến năm nay, nhà trường đã có 728 cán bộ, giảng viên đạt chuẩn cán bộ quản lý và giảng dạy bậc ĐH. 

Bên cạnh đó, nhà trường đẩy mạnh công tác xây dựng bậc học, ngành học nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Đến năm 2014, trường đã xây dựng và đưa vào tuyển sinh đào tạo 22 ngành học bậc ĐH, quy mô đào tạo đạt hơn 15.000 sinh viên. Song song với công tác mở ngành học mới, nhà trường đã xác định đổi mới công tác đào tạo trên tất cả các phương diện là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên nhằm khẳng định chất lượng đào tạo và uy tín giáo dục. 

Theo đó, các chương trình đào tạo không ngừng cập nhật theo hướng hiện đại, khoa học, tiệm cận thế giới. Trường đã mạnh dạn thử nghiệm và áp dụng đề xướng CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate: Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành); bước đầu thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hòa hợp tích cực, phát triển năng lực người học theo phương pháp ISW (Intructional Skills Workshop: Phương pháp giảng dạy hòa hợp tích cực)… 

Có thể khẳng định rằng, sự chủ động tìm kiếm các giải pháp, quyết liệt thực hiện đổi mới phương pháp đào tạo trong giai đoạn này đã mở ra hướng đi mới trong việc hệ thống hóa, kiểm soát chất lượng chương trình đào tạo theo những chuẩn mực quốc tế. Chính vì vậy, khóa tốt nghiệp đầu tiên đã đón nhận tín hiệu tích cực khi tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 85%, chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường được nhà tuyển dụng/doanh nghiệp đánh giá cao.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học của trường phát triển mạnh mẽ, sâu rộng; nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, trường đã bước đầu thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học với một số cơ quan khoa học và giáo dục có bề dày kinh nghiệm ở Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc... 

Những thành tựu ban đầu trong giai đoạn 2009-2014 đã góp phần khẳng định chiến lược phát triển của trường là đúng hướng, phù hợp với xu thế phát triển và đổi mới của nền giáo dục ĐH Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh về một cơ sở giáo dục ĐH công lập trọng điểm.

Tiếp cận chuẩn mực giáo dục quốc tế và tự chủ

Trong 10 năm kế tiếp (2015-2024), trường ĐH Thủ Dầu Một đã thực hiện quá trình tiếp cận các chuẩn mực giáo dục quốc tế và tự chủ bằng những đột phá trong các hoạt động, như: Rà soát, bổ sung kế hoạch chiến lược phát triển trường đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đổi mới công tác quản trị ĐH tiếp cận các chuẩn mực quốc tế để hội nhập; phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học theo chiều sâu; thực hiện tự chủ trong các mặt hoạt động…


Nhà trường trao thưởng cho sinh viên đạt giải tại cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 

Là giai đoạn bứt phá để vươn lên, trường ĐH Thủ Dầu Một đã nghiêm túc nhìn nhận những khó khăn, thách thức, khắc phục những hạn chế để chủ động xây dựng các kế hoạch dài hạn và ngắn hạn theo từng giai đoạn, từng năm học để thực hiện các mục tiêu chiến lược, như: Hướng tới trở thành ĐH thông minh, tham gia vào bảng xếp hạng châu Á, người học có năng lực làm việc trong và ngoài nước... 

Kiên trì mục tiêu xây dựng trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, cơ cấu ngành học của trường đã được mở rộng, bám sát thị trường nguồn nhân lực và phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương. Nếu như trong năm 2014, trường có 22 ngành đào tạo bậc ĐH thì đến nay hệ thống ngành học của trường rất đa dạng, trải dài trên nhiều lĩnh vực, với 47 ngành bậc ĐH, 11 ngành đào tạo sau ĐH; quy mô đào tạo 18.000 sinh viên, học viên. 

Toàn bộ chương trình đào tạo của trường đã chuyển sang theo hướng tiếp cận CDIO và đạt các chuẩn mực quốc gia, AUN-QA (Bộ tiêu chuẩn của mạng lưới các trường đại học ASEAN). Đồng thời, nhà trường coi trọng công tác xây dựng bộ công cụ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, gắn hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với phục vụ cộng đồng để thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn đã tuyên bố. 

Với nỗ lực không ngừng nghỉ trên hành trình theo đuổi “văn hóa chất lượng”, đến nay trường có 20 chương trình đào tạo đạt chuẩn MOET, 8 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA; trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia MOET chu kỳ 1 năm 2017, chu kỳ 2 năm 2023. Năm 2020, trường đạt chuẩn 4 sao UPM; năm 2022 trường đứng thứ 15 trên bảng xếp hạng 100 trường ĐH Việt Nam VNUR; năm 2023 trường vào Top 5 ĐH tại Việt Nam có tên trên bảng xếp hạng Schimago; năm 2024 trường xếp hạng 18/187 cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam theo bảng xếp hạng của Webometrics.

Giai đoạn này đã chứng kiến sự quyết tâm của lãnh đạo nhà trường khi mạnh dạn thực hiện những khâu đột phá và trở thành điểm sáng trong đổi mới công tác quản trị điều hành: Xây dựng trường đa ngành - khoa/viện đa ngành - viện nghiên cứu; chuyển đổi cấp bộ môn thành cấp chương trình; phân cấp trách nhiệm cho các đơn vị chuyên môn theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bồi dưỡng năng lực quản trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt; ban hành chính sách tạo động lực để phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ cán bộ, giảng viên (tiêu biểu là chính sách thu nhập theo vị trí việc làm và chính sách nghiên cứu khoa học). 

Đặc biệt, trường còn là một trong những trường ĐH tiên phong thực hiện tự chủ học thuật vào năm 2019, tự chủ tài chính vào năm 2022.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển bền vững 

Qua 15 năm xây dựng và phát triển, trường ĐH Thủ Dầu Một đã kiến tạo nhiều thành tựu to lớn, “hòa mình” vào hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. 

Hiện nay, giáo dục ĐH tại Việt Nam vận hành theo định hướng tự chủ cao hơn, yếu tố cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục ĐH cũng diễn ra mạnh mẽ hơn. Trên cơ sở phát huy năng lực nội sinh, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, trong giai đoạn 2025-2030, trường ĐH Thủ Dầu Một thực hiện chiến lược tái cấu trúc, nâng cấp trường ĐH Thủ Dầu Một thành ĐH hai cấp đa ngành, đa lĩnh vực và phát triển bền vững. Đây được xem là bước phát triển tất yếu phù hợp với thực tiễn nền giáo dục Việt Nam và xu thế chuyển đổi của giáo dục ĐH thế giới. 

Chiến lược phát triển theo mô hình ĐH hai cấp còn có ý nghĩa quan trọng đối với trường khi thực hiện sứ mệnh là trung tâm văn hóa, giáo dục và khoa học, công nghệ; cung cấp nguồn nhân lực và sản phẩm khoa học công nghệ có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam bộ và cả nước.

Trong bối cảnh chuyển mình thành trường ĐH hai cấp, trường ĐH Thủ Dầu Một song song thực hiện đề án tự chủ. Đây là một bước đi quan trọng và cần thiết trong công cuộc cải cách các mặt hoạt động khoa học giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển bền vững. 

Tự chủ giúp nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, tăng cường năng lực quản trị và tài chính, mở rộng hợp tác quốc tế và gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu thực tiễn. Đây cũng chính là tiền đề để nhà trường đẩy mạnh kế hoạch xây dựng trường ĐH số - ĐH thông minh, hạnh phúc theo mô hình chuỗi kết hợp: Khuôn viên thông minh, công nghệ thông minh, quản trị thông minh, nghiên cứu thông minh, con người thông minh và môi trường làm việc, học tập hạnh phúc.

Trên hành trình phát triển sắp tới, trường ĐH Thủ Dầu Một thấu hiểu những thách thức phía trước là rất lớn. Tập thể cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên nhà trường sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những thành quả 15 năm qua, cùng nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực để đạt được kỳ vọng vì mục tiêu cao nhất là uy tín và thương hiệu của nhà trường.

NGA NGUYỄN - HỒNG THÁI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=476
Quay lên trên
X