Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Trường Đại học Thủ Dầu Một: Tư vấn trước mùa thi

Thứ ba, ngày 18/02/2014
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Trường Đại học Thủ Dầu Một vừa tổ chức chương trình tư vấn mùa thi năm 2014. Chương trình được trực tiếp trên kênh BTV1 Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương. Tham dự chương trình có đông đảo học sinh đến từ các trường THPT trong tỉnh. Về phía trường có tiến sĩ Hoàng Trọng Quyền, Phó Hiệu trưởng; tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, Trưởng phòng Đào tạo; ông Nguyễn Hữu Thuận, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên và trưởng các khoa, phòng, ban của trường.

 

Thí sinh đặt câu hỏi với các nhà tư vấn

Qua chương trình này, nhà trường cung cấp thông tin tuyển sinh năm 2014 của trường đầy đủ và cụ thể đến các đối tượng học sinh chuẩn bị thi đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) hệ chính quy năm 2014, giúp học sinh chọn lựa ngành học phù hợp với nguyện vọng và năng lực học tập của mình. Đây cũng là cơ hội để các thí sinh (TS) bày tỏ những thắc mắc về những ngành các em sẽ học trong tương lai. Tiến sĩ Hoàng Trọng Quyền đã thông tin đến TS, hiện nay trường ĐH Thủ Dầu Một đang đào tạo 22 ngành ĐH, 10 ngành CĐ thuộc 4 nhóm ngành: Kinh tế, kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn và khối ngành sư phạm. Năm nay, trường tổ chức thi tuyển sinh ĐH, kết hợp với xét tuyển, trường không tổ chức thi CĐ, TS muốn vào học hệ CĐ của trường thì đăng ký thi ở một trường nào đó trong cả nước, nhưng phải ghi nguyện vọng học CĐ của trường ĐH Thủ Dầu Một và khối thi tương thích. TS lưu ý, trường xét điểm thi ĐH vào CĐ chứ không xét điểm thi CĐ vào học hệ CĐ. Trường đào tạo đa ngành nên TS cũng không được phép thay đổi ngành sau khi đã thi đậu.

Đến với chương trình, được gặp gỡ những nhà tư vấn nên TS không bỏ qua cơ hội chất vấn họ. Vấn đề TS quan tâm nhiều nhất là những ngành nghề trường đang đào tạo. Một TS đặt câu hỏi, ngành công tác xã hội học gì, sau khi tốt nghiệp làm ở đâu? Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp đã chia sẻ, ngành này các em được học những kiến thức về lịch sử, văn hóa, tâm lý, giáo dục, pháp luật… và những kiến thức chuyên sâu như: Công tác nhóm, cộng đồng, sức khỏe… Hiện nay nhu cầu của xã hội đối với ngành này rất lớn, sau khi tốt nghiệp các em có thể làm việc ở các cơ sở bảo trợ xã hội, sở - phòng lao động - thương binh và xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các sở, ngành, địa phương, các cơ quan, đoàn thể, trường học.

Theo thời gian, TS đã có sự chín chắn trong việc lựa chọn ngành nghề, các em không còn chọn ngành theo phong trào mà quan tâm đến những ngành nhu cầu xã hội đang cần. Với thắc mắc về chuyên ngành quy hoạch vùng đô thị, các em được chia sẻ, ngành này đào tạo đội ngũ kỹ sư chuyên ngành quản lý đô thị. Học ngành này sinh viên được tiếp nhận khối kiến thức cơ bản và chuyên sâu về quy hoạch đô thị. Khi ra trường các em sẽ đảm nhận vai trò thiết kế, quản lý trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, kiến trúc, làm ở viện quy hoạch phát triển nông thôn, sở xây dựng…

Một câu hỏi khác cũng được TS đặt ra: Học ngành quản trị kinh doanh khi ra trường có dễ tìm được việc làm không? Theo các nhà tư vấn, đây là một trong những ngành mà cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường rất lớn. Các em có thể làm ở các lĩnh vực ngoại thương, tài chính, phụ trách hành chính và nhân sự, quản lý sản xuất, chuyên viên kinh doanh và tiếp thị…

Ngành ngôn ngữ Trung Quốc cũng được TS quan tâm tìm hiểu. Với ngành này, trường tuyển sinh 2 khối là D1 và D4. Khi ra trường các em có thể làm ở các cơ quan nhà nước, các đơn vị liên doanh nước ngoài… Có TS muốn chọn ngành kế toán nhưng ngại ngành này khô khan. Các em đã được trấn an, đây là ngành học mang tính nghệ thuật, các thầy, cô sẽ tìm cách “thổi lửa” để môn học không khô khan vì những con số. Với ngành khoa học môi trường thì các thầy, cô có lời khuyên, đây là ngành được nhiều TS chọn lựa, nên điểm chuẩn tương đối cao, TS nên thận trọng. Trường ĐH Thủ Dầu Một có đào tạo 10 ngành sư phạm nên cũng được TS lưu ý và tìm hiểu.

Một TS cho biết, em thích ngành luật, nhưng nếu không đậu hệ chính quy, vậy trường có tổ chức kỳ thi riêng nào không? TS vẫn còn “cửa” để vào ĐH, ngoài đào tạo chính quy, trường còn có hệ thường xuyên, trong đó có ngành luật hệ vừa làm - vừa học.

Ngoài tìm hiểu về những ngành sẽ học, điều TS lo lắng nhất là cơ hội việc làm sau khi ra trường. Về vấn đề này, thầy Nguyễn Hữu Thuận cho hay, Bình Dương có nhiều khu, cụm công nghiệp, nên nhu cầu lao động rất lớn. Trường có trung tâm hỗ trợ sinh viên và việc làm, là cầu nối giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh cho sinh viên. Có thể nói, những năm qua, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định.

Chọn ngành nào phù hợp với khả năng, sở thích, đó là điều các em cần cân nhắc. Tiến sĩ Hoàng Trọng Quyền, Phó Hiệu trưởng đã có lời khuyên: “Các em cần cân nhắc thật kỹ trước khi đặt bút điền vào hồ sơ đăng ký dự thi. Hiện nay, vẫn còn nhiều học sinh đang đánh giá chưa đúng về ngành nghề mình theo đuổi, từ đó dẫn đến việc định hướng sai, không thấy rõ khả năng bản thân, lao theo mục tiêu quá cao nên khó khăn trong việc tìm ngành học phù hợp, không thể kiểm soát được bước đi nghề… chỉ cần mơ hồ, thiếu suy tính, học sinh sẽ rất dễ dẫn đến việc hoang phí thời gian, tiền bạc cho những kỳ thi tiếp theo hoặc lệch lạc định hướng tương lai”.

 A.SÁNG