Trường Đại học Thủ Dầu Một: Vững bước trên con đường phát triển

Cập nhật: 09-10-2012 | 00:00:00

Trường Đại học Thủ Dầu Một: Vững bước trên con đường phát triển

Tiền thân của trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một là trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương. Tiếp tục phát huy truyền thống của trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương, trường ĐH Thủ Dầu Một được thành lập với mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo - nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ, trung tâm văn hóa giáo dục hàng đầu của tỉnh Bình Dương nói riêng, của khu vực Đông Nam bộ và cả nước nói chung.

Trọng trách và sứ mệnh

Sứ mệnh của trường ĐH Thủ Dầu Một là đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, các tỉnh miền Đông Nam bộ và cả nước thông qua đào tạo nhân lực; nghiên cứu khoa học; cung ứng sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao trong các lĩnh vực sư phạm, kinh tế, luật, kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học sức khỏe.  

Lễ tốt nghiệp và tuyên dương các sinh viên có thành tích cao trong học tập

Ngay sau khi được thành lập, trường ĐH Thủ Dầu Một bắt đầu tuyển sinh đào tạo trên cơ sở những ngành học đã có từ hệ cao đẳng sư phạm. Năm học 2010- 2011, trường được Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép mở 6 mã ngành đào tạo ĐH gồm: Kỹ thuật phần mềm, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Sư phạm ngữ văn, Sư phạm lịch sử và Tiếng Anh với 2.117 HS-SV theo học. Năm học 2011- 2012, đào tạo 12 ngành ĐH, 21 ngành cao đẳng và 2 ngành trung cấp, với quy mô 6.799 SV. Năm học 2012-2013, trường tuyển sinh 5.850 SV, đào tạo 17 ngành ĐH (tăng 5 ngành so với năm trước), 21 ngành cao đẳng. Không đào tạo trung cấp.

Hiện nay, trường đào tạo 17 ngành ở trình độ ĐH, 21 ngành ở bậc cao đẳng, hai ngành ở bậc trung cấp với quy mô hơn 12.000 SV, học sinh (HS) thuộc các loại hình đào tạo khác nhau, trong đó có 25 SV nước ngoài.

Số lượng cán bộ viên chức của trường hiện nay là hơn 616 cán bộ viên chức. Nhiều giảng viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và trao tặng nhiều huy chương, huy hiệu cao quý khác. Hàng năm, trường còn mời các giáo sư, nhà khoa học đầu ngành trong nước đến giảng dạy và nghiên cứu tại trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Mới đây, sau khi kiểm tra trường ĐH Thủ Dầu Một, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đánh giá: “Trường ĐH Thủ Dầu Một đã có nhiều cố gắng thực hiện cam kết. Đội ngũ giảng viên tăng mạnh trong việc phát triển đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất, đất đai và các điều kiện để triển khai đào tạo ở cả 3 trình độ ĐH, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; các ngành đào tạo đều có quyết định mở ngành, năng lực về đội ngũ, đất đai, diện tích xây dựng vượt so với quy mô hiện tại. Trường đã xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế chi tiêu nội bộ làm cơ sở cho các hoạt động của trường”.

Với chính sách thu hút nguồn nhân lực có học hàm, học vị và các chính sách hỗ trợ tài chính của UBND tỉnh, đến nay, toàn trường hiện có hơn 616 cán bộ, giảng viên, trong đó có 2 PGS-TS, 48 tiến sĩ, 292 thạc sĩ (23 nghiên cứu sinh), 72 đang học cao học. Tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ sau ĐH đạt 58%. Trường đã thành lập 10 đơn vị phòng ban, 15 khoa chuyên môn, 1 tạp chí, 1 trạm y tế và 8 trung tâm. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên thỉnh giảng các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành trên cả nước tham gia giảng dạy và bồi dưỡng cho giảng viên trẻ. Đội ngũ cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị của trường cơ bản bảo đảm công tác giảng dạy và nghiên cứu theo yêu cầu của Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như hướng phát triển của nhà trường hiện tại và thời gian tới.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Trong những năm qua, trường tập trung nghiên cứu nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực, tham khảo chương trình đào tạo các trường trong và ngoài nước để xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động. Ngoài những kiến thức khoa học của chương trình đào tạo, sinh viên (SV) còn được đào tạo kỹ năng thực hành nghề nghiệp, trang bị kỹ năng mềm. Nội dung đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động nên hầu hết SV hệ cao đẳng và trung cấp của trường ra trường năm 2010-2012 đều có việc làm phù hợp. Năm học 2012-2013, nhà trường tiếp tục thực hiện chương trình đột phá của Tỉnh ủy nhiệm kỳ IX (2010 - 2015) về “Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, sự điều hành có hiệu quả của chính quyền các cấp, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng phát triển dịch vụ và công nghiệp chất lượng cao, đô thị hóa văn minh, hiện đại của tỉnh”. Nhiệm vụ đào tạo của nhà trường là tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Nâng chất để khẳng định uy tín

Trong vài năm trở lại đây, các trường ĐH trên cả nước (kể cả một số trường ĐH vùng) thường gặp khó khăn ở khâu tuyển sinh. Yếu kém về chất lượng đã đành, hầu hết các trường còn chật vật với tình trạng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu được giao. Điều này khiến một số trường hiện nay “dở khóc” vì hiệu quả của công tác tuyển sinh sẽ quyết định sự thịnh suy, thậm chí là sự sống còn của một ngôi trường. Thế nhưng, với ĐH Thủ Dầu Một, bằng nỗ lực nâng cao chất lượng để tạo uy tín trong đào tạo, trường đã vượt qua được “vòng xoáy” đó. Dù chất lượng đầu vào chưa được nâng lên nhiều nhưng số lượng thí sinh dự thi vào các ngành đào tạo ĐH liên tục tăng cao trong những năm qua. Năm 2012, có 5.879 hồ sơ đăng ký dự thi từ 43 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 67% so với năm 2011; 5.175 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 88% (tỷ lệ chung của cả nước là 78,3%). Trường đã công bố điểm chuẩn nguyện vọng 1 và đang tiến hành nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 có 3 ngành cao hơn điểm sàn và dự kiến điểm chuẩn đa số các ngành xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ cao hơn điểm sàn của bộ. Tính đến thời điểm này, nhà trường đã tuyển được 3.579 SV, đạt 86,7% chỉ tiêu. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ĐH Thủ Dầu Một chỉ sau 3 năm góp mặt trên bản đồ giáo dục ĐH cả nước.

Với sứ mệnh là nơi đào tạo giáo viên các bậc học và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trường ĐH Thủ Dầu Một vẫn tiếp tục đặc biệt coi trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ những người thầy, coi đây là một trong những chương trình công tác trọng tâm, có tầm chiến lược. Từ năm 1988 đến nay, toàn tỉnh có hàng ngàn giáo viên các bậc học có trình độ sư phạm chính quy, hàng chục ngàn lượt giáo viên được bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ đã có mặt ở khắp mọi nơi trong tỉnh để giảng dạy cho các em HS. Nhiều giáo viên do nhà trường đào tạo đã trở thành giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp… đã và đang phát huy năng lực, kiến thức đã học trong trường, cống hiến và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh và đất nước.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp cho biết thêm: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để xây dựng trường ĐH Thủ Dầu Một trở thành một trung tâm đào tạo ĐH và sau ĐH chuẩn mực và có chất lượng cao, trước hết là đào tạo những giáo viên và những nhà giáo dục nắm vững tri thức chuyên môn, có khả năng hoạt động giáo dục, giảng dạy và học tập suốt đời, có nhân cách và những phẩm chất của người thầy, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy ở tỉnh và trong khu vực”.

Trong một cuộc họp với lãnh đạo trường ĐH Thủ Dầu Một, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã đánh giá cao vai trò và sứ mệnh của nhà trường. Chủ tịch Lê Thanh Cung nhấn mạnh: “Lãnh đạo tỉnh luôn coi trọng vai trò của giáo dục - đào tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Việc mở rộng sản xuất-kinh doanh phải đi đôi với việc nâng cao hàm lượng tri thức và tăng mạnh số lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng cấp thiết. Tôi hy vọng rằng, toàn thể cán bộ - giảng viên- SV của trường hãy đoàn kết một lòng để cùng nhau chung sức đưa nhà trường vào quỹ đạo chung của nền giáo dục ĐH, xứng đáng là trường ĐH trọng điểm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có uy tín trong khu vực và quốc tế; đồng thời là địa chỉ đáng tin cậy của con em Bình Dương và các tỉnh lân cận”.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X