Bặt tin nhau từ ngày ra trường, bỗng cô bạn thời sinh viên điện thoại rủ đi cà phê. Đúng hẹn, một chiếc xe bóng loáng dừng lại trước mặt, bạn bước xuống, sành điệu nháy mắt đưa chìa khóa xe cho tôi: “Bà làm tài đi cho quen đường”. Tôi lắc đầu ngượng nghịu! Bạn tròn xoe mắt ngạc nhiên pha chút dò xét... Ngay sau buổi cà phê ấy, tôi tức tốc đi mua bộ hồ sơ đăng ký học lái xe với ý nghĩ thời buổi này, học lái ô tô chắc cũng nhẹ nhàng…
Cán bộ kiểm tra xe sát hạch trước giờ lăn bánh
Máy chấm “vô tình”
Mang bộ hồ sơ đến trường Trung cấp nghề - nghiệp vụ Bình Dương, tôi được gặp thầy Lê Ngọc Thức, Chủ tịch Hội đồng nhà trường với mong muốn được hỗ trợ để... có bằng sớm nhất. Nhưng trong buổi sơ kiến thầy nói với tôi rằng: “Tại cơ sở chúng tôi, giáo viên sẽ tận tình nhất để học viên nắm vững kiến thức, từ lý thuyết đến thực hành. Học lái xe, xét cho cùng chỉ là học một cái bằng. Nhưng tôi mong chị phải học thật, thi thật vì đằng sau tấm bằng này là sinh mệnh của mình và mọi người”. Những lời răn đe ấy dường như vẫn chưa đủ để tôi chăm chỉ học hành. Để rồi tôi cũng cố gắng tạt ngang trường, lái vài vòng cho thầy… yên tâm. Và rồi, ngày thi đến.
Những ngày đi tập để thi, tôi mới có dịp quan sát, học viên lái xe có đủ thành phần. Có cậu học phổ thông xong, học lấy cái bằng lái để sau này chạy taxi. Có người đã có xe nhà, muốn có bằng cho hợp pháp. Có người làm lơ xe, nay muốn có cái bằng để đổi nghề. Và các bạn nữ còn nhiều lý do hơn. Học để hết say xe, học để lái phụ ông xã lúc quá chén… Nguồn học viên đa hệ như vậy nên lắm chuyện buồn vui.
Thú thật, sau 3 ngày “trải nghiệm” có thể nhìn nhận dạy lái xe đơn điệu nhưng vô cùng căng thẳng, áp lực. Suốt cả mấy ngày tập, một giáo viên thường đảm nhận 5-7 học viên. Bài học kỹ thuật cơ bản ngày nào cũng quanh đi quẩn lại chỉ mấy thao tác lùi xe, khởi hành trên dốc... Vậy mà học viên cứ lóng ngóng chân ga, chân thắng, hướng dẫn một đằng, làm một nẻo…
Trong trường lái, xe sát hạch bò như cua suốt ngày trên sa hình. Học viên còn có thể chạy một vòng rồi đổi, chứ giáo viên ngồi suốt trên xe. Hãy hình dung trời nắng như đổ lửa, cái nóng từ trần xe đổ xuống, từ nền xi măng hắt lên, vậy mà các thầy ròng rã ngồi trên xe có khi qua luôn trưa nếu có trò “mua giờ”. Suất cơm trưa nguội ngắt vì lỡ bữa bởi trò muốn cố thêm một tí. Thầy ngồi bên cạnh nhễ nhại mồ hôi, miệng nói, tay huơ hướng dẫn những câu lặp đi lặp lại: “Rồi, đánh đi, rẽ… đánh nửa vòng tay lái thôi… Từ từ đã… chậm lại…!” .
Ngày thi, Trung tâm Sát hạch tư thục Bình Dương đông kín. Đứng trước phòng thi lý thuyết, một anh trạc 50 ghé tai nói nhỏ “chút vào phòng thi chỗ nào anh không biết em chỉ dùm anh chút nha. Nãy thấy em nhớ lý thuyết giỏi. Chút anh chọn chỗ gần em. Anh thi 3 lần lý thuyết rồi mà không được thi thực hành vì rớt. Bình Dương mình làm căng quá”. Tôi vâng dạ vì không biết tổ chức thi như thế nào. Vào phòng thi mới biết kỳ thi thật căng thẳng. Đầu chỉ được hướng thẳng vào màn hình máy tính, bất cứ hình thức cử động nào bạn cũng có thể được gọi tên… Lời hứa “hỗ trợ” anh bạn kia để lại ngoài phòng thi.
Căng thẳng là thế nhưng thi lý thuyết vẫn chưa là gì so với thực hành sa hình. Kết thúc phần của mình không ai có thể giấu được căng thẳng. Những gương mặt lo lắng chờ đợi, không khí thật ngột ngạt, nặng nề. Chị học viên ngồi bên cạnh an ủi tôi :“Rớt là chuyện bình thường em ơi. Chị rớt 3 lần rồi đấy. 2 lần mới đậu mô phỏng. Giờ là sa hình… Căng lắm, phải ráng thôi. Nghe đâu, từ ngày thi mô phỏng, tỷ lệ đậu sát hạch khoảng 50-60%. Đúng như cái tên, máy móc lạnh lùng, không hề “nhẹ tay”, dù là đối với… phụ nữ”.
Hết bị tâm lý, hãy ra đường
“Tâm lý”, hai từ mà ai chưa thi bằng lái ô tô nghe có vẻ lạ lùng, nhưng không hề xa lạ với người đã học lái xe và đã từng trải qua kỳ thi sát hạch. Cái loa tự động phát ra là những lời ám ảnh nhất đối với những người thi lái xe. Rất nhiều học viên bị loại trực tiếp, ngơ ngác khi vừa bắt đầu bài thi đã nhận thông báo “Bạn bị trượt đề nghị bạn ôn luyện thêm”. Thậm chí có học viên gọi về trung tâm vì không hiểu tại sao bị đánh trượt khi nghĩ mình không hề làm sai.
Giáo viên và học viên sau một giờ thực hành
Có anh học viên rất hớn hở, đi đến bài thi cuối cùng còn 84 điểm, xi nhan phải là về tới đích, anh không quên bật xi nhan chuẩn quy định. Vừa thấy giám thị sân vẫy tay đi về đích mừng quá, anh gạt tắt xi nhan, không ngờ gạt hơi mạnh tay so với quy định, chiếc đèn xi nhan vụt sang trái nhấp nha nhấp nháy. Vậy là trừ 5 điểm. Anh ngậm ngùi về đích với 79 điểm, rớt. Biết thế không gạt lại xi nhan có phải đỗ rồi không. Mà máy móc không thể “biết thế” được!
Có chị học viên đi thi, về đến bài ghép ngang, chuẩn bị về đích rồi. Những bài đầu giữ vững tâm lý, không hề bị trừ điểm. Nhưng về đến bài ghép ngang chị cứ vào số tiến, số lùi mà không biết làm sao để xe nhận bài. Tiếng còi cứ vang lên liên tục, tim đập nhanh hơn, cuối cùng chị lại nhận được hẹn… lần sau thi tiếp.
Có những lý do rớt tưởng chừng như rất vô lý như học viên lên xe, gạt xi nhan rồi mới ngồi thắt đai. Do không để ý loa đã thông báo bắt đầu bài thi. Chưa kịp làm gì, đã có giám thị trường thi mời bạn xuống xe, trong khi xe chưa đi khỏi vạch xuất phát. Thắc mắc với giám thị đã làm gì đâu mà đánh trượt. Giám thị mỉm cười nhẹ nhàng, sau 20 giây xe của bạn chưa qua vạch xuất phát, mời anh về ôn luyện thêm. Cũng có học viên thi tới lần thứ 4 mới có được cái bằng. Lý do là cứ mỗi lần lên xe, nghe tiếng loa là quên hết bài thi. Lần thứ 4 phải nhét bông gòn vào tai mới qua được bài thi sa hình.
Các học viên, đa phần đã ôn luyện rất kỹ, nhưng bị trượt đến 40-50% là do tâm lý không vững, quên bài. Đem câu chuyện học viên tham gia sát hạch thường bị “tâm lý” trao đổi với Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Anh Minh, tôi nhận được câu trả lời: “Chúng tôi tổ chức thi sát hạch nghiêm túc theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải. Những học viên nào đã ôn luyện kỹ càng, nắm vững kỹ thuật lái xe thì tự tin, bình tĩnh. Đối với các trường hợp bị tâm lý, học viên cần luyện tập thêm bởi khi tham gia giao thông, nếu tâm lý không vững vàng, không đủ bình tĩnh để xử lý các tình huống nguy cấp, hậu quả sẽ không lường được, không chỉ nguy hiểm cho bản thân mà cho cả người tham gia giao thông. Tôi tin rằng với cách tổ chức thi sát hạch nghiêm túc, công bằng sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông”.
Sau khóa học, dù chưa lấy được bằng tôi đi xe máy tự nhiên chỉn chu hẳn, không tranh đường, không thấy chỗ trống là lao lên. Những ai đã từng ngồi sau tay lái mới thấy xe máy chạy trước mình “loạn” quá. Tôi nghiệm ra rằng, trong thời gian tới, nếu quy định học lấy bằng điều khiển mô tô cũng kỹ lưỡng như ô tô, tình hình an toàn giao thông sẽ cải thiện đáng kể hơn.
Thông tư 04/2021 sửa đổi Thông tư 12 của Bộ GTVT quy định, từ ngày 15-6- 2022, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải truyền dữ liệu về thời gian và số km học trên đường trường của người học về hệ thống của Tổng cục Đường bộ để lưu trữ. Người học sẽ được cấp một mã định danh riêng, khi bắt đầu học thực hành trên đường họ phải đăng nhập vào hệ thống. Thời gian học 1 giờ hay 2 giờ, đi được bao nhiêu km đều được hệ thống ghi nhận để tính điều kiện dự thi của học viên. |
TIỂU MY