Trưởng thành hơn từ các hoạt động ngoại khóa

Cập nhật: 08-01-2024 | 09:07:38

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm sáng tạo là nội dung bắt buộc các trường học tổ chức. Thực hiện chương trình này, ngay đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo nhằm tạo sự hứng khởi, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, đam mê học tập và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh (HS).

 Các trường học trong tỉnh thường xuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho trẻ. Trong ảnh: Các em HS TP.Thuận An tham gia trải nghiệm chương trình “Một ngày em làm chiến sĩ”

 Chú trọng thực hiện

Năm học này, trường TH Khánh Bình (TP.Tân Uyên) có hơn 3.000 HS. Để HS có định hướng và kỹ năng học tập tốt, vừa qua, nhà trường đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em gái, phụ nữ” và “Lòng biết ơn thầy cô, cha mẹ” cho toàn thể HS của trường. Tại buổi sinh hoạt, các em HS đã được chuyên gia tư vấn và trang bị kiến thức thế nào là xâm hại trẻ em và bạo lực học đường; các kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại về thể chất, tinh thần và xâm hại tình dục đối với trẻ em...

Cô Nguyễn Thị Đào, Hiệu trưởng trường TH Khánh Bình, cho biết: “Thông qua buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà trường mong muốn cung cấp một số kiến thức, kỹ năng và chung tay cùng xã hội bảo vệ trẻ em trước những mối nguy hiểm từ vấn nạn bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; trang bị và giáo dục thêm các kỹ năng sống cho các em HS. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức các chuyên đề thiết thực và ý nghĩa hơn nữa cho các em HS”.

Trong những ngày qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.Tân Uyên đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho HS. Theo Phòng GD&ĐT TP.Tân Uyên, từ ngày 18 đến 26-12-2023, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã tổ chức cho hơn 1.000 viên chức, người lao động và hơn 6.000 HS tham gia các hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, dọn dẹp vệ sinh, dâng hương khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại các xã, phường; nghe nói chuyện truyền thống; tổ chức hành trình thăm các địa chỉ đỏ: Chiến khu Đ, Chiến khu Vĩnh Lợi, Tháp canh cầu Bà Kiên… thăm, tặng quà cho gia đình chính sách…

Trao đổi với P.V, ông Trần Anh Dũng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP.Tân Uyên, cho biết việc tổ chức hoạt động ngoại khóa được các trường trên địa bàn thành phố thực hiện khá linh hoạt, tùy vào điều kiện của từng trường, từng môn học, từng xã, từng cấp học. Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, ngay từ đầu năm học, các trường đã tổ chức hoạt động ngoại khóa theo phân phối chương trình. Trong đó, chủ đề được lựa chọn là những nội dung gắn với việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử quê hương, đất nước hoặc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cần thiết, phòng tránh tai nạn thương tích… cho HS.

Đổi mới các hoạt động ngoại khóa

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, trong đó chú trọng đến các hoạt động thực tế, tham quan, diễn đàn, thể thao, sân khấu hóa… Khi tổ chức, các trường phải chủ động lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp với điều kiện của trường, địa phương và gắn với tình hình thực tiễn của cuộc sống. Không chỉ tự đứng ra tổ chức, các trường còn phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng để buổi ngoại khóa diễn ra sôi động, hấp dẫn hơn.

Mới đây, Ban Giám hiệu và Tổ bộ môn lịch sử trường THPT Bến Cát, TX.Bến Cát đã phối hợp tổ chức chuyến tham quan trải nghiệm học tập về nguồn cho các em HS khối 10 và giáo viên tại Khu di tích Bến Nhà Rồng - Dinh Độc Lập - Khu du lịch Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh). Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trong chuyến hành trình về nguồn lần này, các em HS được đi thực tế tại các khu di tích, nghe hướng dẫn viên giới thiệu khái quát về nguồn gốc lịch sử, kể lại những cuộc chiến đấu anh dũng của thế hệ cha ông trên mảnh đất thiêng liêng của dân tộc. Từ đó, hoạt động này đã giáo dục truyền thống, bồi dưỡng cho HS tình yêu quê hương. Những hoạt động thiết thực, ý nghĩa này giúp các em thêm gắn kết, tiếp thêm động lực để không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, tác phong, noi gương bộ đội Cụ Hồ”.

Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, hình thức tổ chức ngoại khóa bằng việc “sân khấu hóa” thông qua các hình thức tiểu phẩm cũng đã được nhiều trường thực hiện và đã mang lại hiệu quả, thu hút HS tham gia. Ở khối mầm non, các trường luôn tạo môi trường thân thiện với nhiều hoạt động ngoại khóa để trẻ hứng thú khi đến lớp, như: Trải nghiệm thực tế làm nông dân, bé làm lính cứu hỏa, bé làm đầu bếp, an toàn giao thông… Khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, trẻ sẽ vận động cơ thể một cách toàn diện, từ đó phát triển thể chất, nâng cao sức khỏe và kỹ năng sống.

Việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo tại các trường học trên địa bàn tỉnh với nhiều đổi mới và ngày càng thiết thực với HS, gắn với thực tiễn cuộc sống đã trang bị thêm cho HS kỹ năng sống, kiến thức bổ ích. Qua đó, hoạt động này đã hình thành trong HS những thói quen tốt, rèn luyện sự tự tin, tư duy sáng tạo, khả năng tập trung; khơi dậy niềm đam mê học tập, sáng tạo, giúp các em phát triển toàn diện hơn.

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X