Chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh đã dần được rút ngắn khoảng cách. Những năm gần đây, chất lượng ở các trường vùng xa đã được nâng lên, thể hiện qua số học sinh (HS) giỏi, tỷ lệ HS tốt nghiệp, thi đậu đại học... một trong số những ngôi trường đó có trường THCS Vĩnh Hòa (Phú Giáo).
Xây dựng đội ngũ mạnh
Trước khi trao đổi với thầy trò nhà trường về hoạt động giảng dạy, chúng tôi đi tham quan một vòng các lớp học. Một không khí học tập sôi nổi đang diễn ra ở ngôi trường vùng nông thôn này. Có 2 lớp giáo viên (GV) đang giảng dạy bằng giáo án điện tử. Phòng vi tính, các phòng chức năng cũng chật kín HS. Đến một lớp 8, chúng tôi buộc phải dừng chân, bởi tiết học văn của lớp quá sôi động, HS đang diễn kịch theo sách, với tác phẩm “Ông Giuốc Đanh mặc lễ phục”. Lần lượt HS các tổ thay nhau lên diễn kịch. Để thêm phần sinh động, các em chuẩn bị sẵn trang phục diễn, được làm từ những phế liệu bỏ đi như giấy cac-ton, bao ny-lông... HS Nguyễn Thị Diệu Linh tỏ ra thích thú “em và các bạn rất thích những tiết học như thế này, vì tạo được sự hứng thú cho chúng em trong quá trình học văn, giúp tiếp thu bài tốt và các thành viên trong lớp đoàn kết, gắn bó nhau hơn qua những lần tập kịch”. Cô Nguyễn Thị Hương, GV văn nói: “Với những tác phẩm văn học có nhân vật, HS nhập vai sẽ khắc ghi được nhân vật, nhớ được cốt truyện và phát huy được năng khiếu diễn kịch”.
Tiết học sinh động, giúp HS tiếp thu bài tốt
Thầy Nguyễn Văn Sự, Hiệu trưởng cho biết, đội ngũ GV ở đây đa số trẻ, nhiệt tình, ham học hỏi. Và dù GV vùng xa có những khó khăn nhất định, nhưng với lòng yêu nghề, các GV toàn tâm với nghiệp đã chọn, tích cực đổi mới phương pháp giáo dục. Hiện nay hầu hết GV ở trường đều ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; tích cực làm và sử dụng đồ dùng dạy học. Điều đáng quý ở đây là GV đoàn kết, gắn bó, dìu dắt nhau cùng tiến. Khi mới bắt đầu đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy, 3 GV giỏi tin học của trường đã tự nguyện chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp trong những buổi tập huấn tin học, do trường tổ chức. Hay như cô Thu Yến dạy sử, nhiệt tình, ham học hỏi, thường xuyên đưa ra những phương pháp giảng dạy mới, giờ giải lao cô thường nán lại lớp trao đổi bài với HS hoặc chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường chú trọng hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Với sự tận tâm, yêu nghề, thời gian qua các tổ làm khá tốt việc này, GV cùng nhau họp bàn đưa ra những giải pháp hữu hiệu, đưa chất lượng giáo dục đi lên. Ngoài ra, nhà trường còn quan tâm đưa GV đi đào tạo, học các lớp chuyên đề - chuyên môn; mặt khác, nhiều GV có ý thức tự học để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Đội ngũ nhà giáo nhiệt tình, tất nhiên chất lượng sẽ được cải thiện. Hàng năm, số HS lên lớp tại trường THCS Vĩnh Hòa đạt khoảng 90%; HS tốt nghiệp đạt trên 90%... Trong những năm gần đây, HS của trường luôn lọt vào danh sách thi HS giỏi cấp huyện, các cuộc thi giải thưởng Lương Thế Vinh, thi thực hành thí nghiệm, thi Olympic, giải toán Casio cấp tỉnh; mới đây, trường có 17 HS dự thi HS giỏi THCS cấp tỉnh.
Chính sách hỗ trợ
Để tạo điều kiện cho thầy phát huy được nghề nghiệp, trò hăng say học tập, Ban giám hiệu trường THCS Vĩnh Hòa có những chính sách hỗ trợ GV và HS. Từ nguồn quỹ căn-tin và giữ xe đạp, trường hỗ trợ cho thầy trò trong các cuộc thi GV - HS giỏi. Cụ thể, GV thi đạt GV giỏi cấp trường được thưởng 300.000 đồng, cấp huyện thưởng 500.000 đồng và cấp tỉnh được thưởng 1 triệu đồng. GV có nhu cầu mua sắm laptop phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu thì nhà trường hỗ trợ 1 triệu đồng. Đối với HS, các em cũng có những phần thưởng tương xứng khi đoạt giải HS giỏi các cấp. Tiếp sức HS nghèo đến trường, hàng năm HS của trường nhận được hàng chục suất học bổng từ các công ty, các tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ và liên đội trường còn xây dựng được quỹ nhân đạo, khuyến khích các lớp nuôi heo đất giúp bạn nghèo. Mỗi tháng khui heo được khoảng 1 triệu đồng, giúp đỡ những HS khó khăn trong lớp. Từ sự giúp sức của nhà trường và xã hội, HS càng phấn khởi tự tin, nỗ lực trong học tập, giảm bớt được tình trạng HS nghỉ bỏ học.
Không chạy theo thành tích hoặc áp đặt chỉ tiêu thi đua, chỉ tiêu lên lớp; thực hiện nghiêm túc trong thi cử, chấm dứt tình trạng đọc - chép, chiếu -chép, chất lượng giáo dục ở trường THCS Vĩnh Hòa thời gian qua là kết quả thật. Thêm một bằng chứng chúng tôi xin nêu ra đây là, năm học 2009-2010 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay trường đang làm thủ tục để được công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
A.SÁNG