Trường tiểu học Lê Hồng Phong, TP.Thủ Dầu Một: Hiệu quả tích cực của Thư viện xanh
(BDO) Từng bước hình thành văn hóa đọc cho học sinh (HS), trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP.Thủ Dầu Một) thực hiện đổi mới hoạt động thư viện, đồng thời xây dựng mô hình Thư viện xanh - thân thiện nhằm thu hút HS tìm đến với sách.
HS trường Tiểu học Lê Hồng Phong đọc sách tại Thư viện xanh trong giờ ra chơi
Đến trường Tiểu học Lê Hồng Phong, hình ảnh gây sự chú ý đối với chúng tôi là góc Thư viện xanh được trường thiết kế trong không gian ngoài trời với mảng cây xanh bao quanh. Trường trang bị những chiếc tủ kính với nhiều danh mục sách, truyện đọc; những chiếc bàn tròn nhỏ được sắp xếp hài hòa trong một không gian xanh. Vào giờ ra chơi, các cô cậu học trò có thể chọn những quyển sách yêu thích được để trong những giỏ xách và ngồi đọc tại chỗ. Nhìn các em say sưa ngồi đọc sách trong không gian xanh trông thật đáng yêu.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Vũ Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, qua triển khai việc đọc sách cho HS tại trường, Ban giám hiệu nhận thấy nhu cầu đọc sách của các em rất lớn, số lượng HS đông nhưng phòng đọc của nhà trường không rộng, chưa đáp ứng được điều kiện đọc sách của các em. Trước nhu cầu ấy, nhà trường mở rộng phạm vi hoạt động của thư viện tại phòng đọc của HS ở từng lớp học và ngoài sân trường để giáo viên cũng như HS chủ động khám phá, tìm tòi kiến thức. Để bảo quản sách báo, nhà trường giáo dục HS có ý thức giữ gìn tài sản chung. Để tránh nhàm chán, tạo điều kiện để HS được đọc nhiều thể loại sách, truyện, hàng tuần, nhân viên thư viện đều tiến hành luân chuyển sách, truyện.
“Từ khi có Thư viện xanh, nhiều em từ chỗ không ham mê đọc sách, dần dần tự tìm đến sách nhiều hơn. Hay các em có thể tự do lựa chọn các góc hoạt động, các cuốn sách yêu thích và tìm kiếm những thông tin bổ trợ cho các bài học trên lớp. Các hoạt động đó làm nền tảng cho sự sáng tạo của HS, thúc đẩy sự phát triển đồng đều của tất cả các kỹ năng, năng khiếu tiềm ẩn trong HS”, cô Hồng nhận xét. Cũng theo cô Hồng, từ khi thư viện được đưa xuống sân trường đã góp phần làm giảm hẳn tình trạng HS rượt đuổi, bạo lực, hoặc các em vào lớp mồ hôi nhễ nhại, áo quần xộc xệch, nhờ đó mà tinh thần học tập của các em được nâng cao hơn.
Rõ ràng, việc rèn luyện thói quen đọc sách cho HS sẽ góp phần giáo dục đạo đức, nuôi dưỡng nhân cách sống cho các em. Từ đó, kỹ năng nói, viết, giao tiếp hàng ngày của HS cũng được cải thiện. Các em không còn thói quen trả lời cộc lốc và có thể tự tin trình bày trước tập thể, trước đám đông bằng lời nói của mình. Từ việc tích lũy các kiến thức thu được qua đọc sách báo hàng ngày, việc cư xử của HS cũng tốt hơn, các năng lực, phẩm chất của HS không ngừng được bổ sung, rèn luyện và phát triển theo chiều hướng tích cực.
HỒNG THÁI