Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương: Cái nôi của mỹ thuật Bình Dương

Cập nhật: 19-11-2021 | 08:00:05
 LTS: Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, trường Bá nghệ Thủ Dầu Một trước kia, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa ngày nay, đã chứng kiến biết bao thăng trầm của dòng chảy lịch sử. Nơi đây đã sản sinh ra những nghệ nhân tài hoa của vùng đất Thủ, những người thầy đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục và sự phát triển của nhà trường. Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, họ đã góp phần xây dựng nên ngôi trường ngày càng phát triển, đa dạng về ngành nghề và hình thành nên các cơ sở sản xuất nổi tiếng với những sản phẩm nức tiếng xa gần.

 Kỳ 1: Những nghệ nhân bậc thầy đất Thủ

 Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa (TCMTVH) Bình Dương đã khẳng định được “thương hiệu” của mình. Nhiều nghệ nhân bậc thầy của vùng đất Thủ xuất phát từ ngôi trường này đã “tỏa đi” nhiều nơi để hoạt động, thành lập cơ sở sản xuất nổi tiếng. Hoạt động của họ đã góp phần vào việc giữ gìn, phát triển các ngành nghề truyền thống ở địa phương, đưa tên tuổi của họ cùng những giá trị ngành nghề truyền thống của Bình Dương vang xa.

Nghệ nhân Trang Phượng (bên phải) trong một lần về thăm trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương và tham quan phòng truyền thống của trường  

 Bậc thầy về chạm khắc gỗ

Nhắc đến những nghệ nhân bậc thầy trong giới nghệ thuật chạm khắc gỗ ở Bình Dương, tên tuổi và sự tài hoa của nghệ nhân Châu Văn Trí luôn đứng hàng đầu. Ông được xem là người mở đầu và có rất nhiều đóng góp vào sự phát triển nghề điêu khắc gỗ chạm trổ, cẩn ốc xà cừ theo phong cách Nam bộ từ giữa thế kỷ XX trên vùng đất Thủ - Bình Dương. Chia sẻ với chúng tôi về người nghệ nhân tài hoa này, thầy Phạm Văn Ngàn, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách trường TCMTVH Bình Dương, khẳng định trong nghề chạm khắc gỗ ở Bình Dương không thể không nói đến thầy Châu Văn Trí. Ông được xem là bậc thầy trong làng chạm khắc gỗ ở Bình Dương.

“Về thế hệ nghệ nhân tài hoa thời Pháp có rất nhiều người nổi danh. Có thể kể ra, như: Thành Lễ, Song Danh, Trần Hà... là những nghệ nhân làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực sơn mài. Trước đó, cũng có rất nhiều nghệ nhân đã làm ra những bộ sản phẩm bàn ghế rất đẹp mắt, tinh xảo, được nhiều người ưa chuộng và xuất khẩu ra nước ngoài như bộ salon Louis kết hợp giữa hoa văn phương Đông với kết cấu, tạo dáng của bộ bàn ghế phương Tây. Bộ salon Louis do những nghệ nhân, học trò của trường làm ra từng được đem đi triển lãm ở Pháp trong giai đoạn 1925-1932 trong những cuộc đấu xảo, được đánh giá rất cao và được người Pháp rất trọng dụng.

(Thầy Lê Quang Lợi, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương)

Đam mê sáng tác mỹ thuật, từ năm 1933, ông Châu Văn Trí đã thi đậu và theo học bộ môn điêu khắc - trạm trổ tại trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một (tên của trường TCMTVH Bình Dương bây giờ). Với tài năng sẵn có và sự ham học của mình, chỉ sau một thời gian ngắn theo học tại trường, ông đã có thể thay thầy giáo dạy nghề cho bạn bè. Năm 1937, ông tốt nghiệp loại xuất sắc sau 4 năm học, trở thành một nghệ nhân có tay nghề giỏi trong giới điêu khắc trên vùng đất Thủ lúc bấy giờ và được giữ lại làm thầy giáo phụ trách khoa điêu khắc, trang trí thiết kế, vừa tham gia giảng dạy, vừa sáng tác mẫu mã cho nhà trường.

Ông Châu Văn Trí còn được mời làm chuyên gia đặc biệt cho ngành điêu khắc gỗ, đặc biệt là cẩn xà cừ cho những tác phẩm lớn có giá trị nghệ thuật của xưởng sơn mài Thành Lễ từ những ngày đầu thành lập. Cùng với những nghệ nhân nổi tiếng lúc bấy giờ, sự tài hoa của Châu Văn Trí đã góp phần làm rạng rỡ cho sơn mài Thành Lễ nói riêng và nghề điêu khắc chạm trổ trên vùng đất Thủ ngày xưa vang danh, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới biết đến.

Với bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, nghệ nhân Châu Văn Trí đã nghiên cứu, sáng tạo và thể hiện thành công hàng trăm tác phẩm theo phong cách Á Đông nhuần nhuyễn, cổ kính. Ông còn vận dụng linh hoạt những kiến thức mà mình học được một cách phù hợp vào các tác phẩm sáng tác theo phong cách châu Âu, góp phần làm cho giá trị nghệ thuật trong mỗi tác phẩm được nâng lên tầm cao mới.

Trong khoảng 60 năm gắn bó với nghề điêu khắc và 40 năm tham gia giảng dạy ở trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một, nghệ nhân Châu Văn Trí đã có rất nhiều đóng góp vào việc giữ gìn, phát triển nghề điêu khắc - chạm trổ truyền thống trên đất Thủ - Bình Dương, cùng nhà trường đào tạo hơn 1.000 học trò ở địa phương cũng như khu vực miền Nam. Rất nhiều học trò của ông đã thành đạt, trở thành những nghệ nhân, họa sĩ nổi tiếng, mở hàng trăm cơ sở làm nghề chạm trổ, điêu khắc trong và ngoài tỉnh. Những đóng góp của nghệ nhân Châu Văn Trí đã đưa những sản phẩm bàn ghế chạm khắc nổi tiếng của Bình Dương được tiêu dùng trong nước và cả trên thế giới. Những bộ salon Louis được ông kết hợp với nghệ thuật chạm khắc cũng trở nên tinh xảo, uyển chuyển hơn và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Nhiều tác phẩm độc đáo, có tính nghệ thuật cao của ông hiện đang được lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Dù đã đi xa (ông mất năm 1999), nhưng tên tuổi và sự tài hoa trong nghề nghiệp của nghệ nhân Châu Văn Trí vẫn luôn được các thế hệ đi sau nhắc đến với sự ngưỡng mộ sâu sắc. Tên tuổi và sự tài hoa của ông mãi được ghi nhận trong lịch sử truyền thống phát triển của mỹ thuật Bình Dương.

Người học trò nổi tiếng

Tại hội thảo “Mỹ thuật Đông Nam bộ: Phát triển và hội nhập”, do trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp cùng Hội Mỹ thuật Việt Nam, trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh và trường TCMTVH Bình Dương tổ chức vào tháng 4-2021, chúng tôi có dịp gặp Tiến sĩ - Họa sĩ Trang Phượng, một trong những người học trò đầu tiên của trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một năm xưa.

Nay tuy tuổi đã cao, nhưng khi nghe tỉnh tổ chức sự kiện liên quan đến ngôi trường một thời gắn bó, ông Trang Phượng vẫn không ngại đường xa đến dự. Ngay sau đó, ông trở về ngôi trường năm xưa để ôn lại kỷ niệm một thời đã từng gắn bó. Nhắc đến ngôi trường có một thời gắn bó mình từng theo học, ông nhìn nhận, trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một dù được thành lập là trường trung cấp mỹ thuật nhưng giai đoạn đó là một bước ngoặt lớn của nền mỹ thuật nước nhà. Việt Nam vốn có nhiều truyền thống mỹ thuật dân gian chứa đựng bản sắc văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Đặc biệt, đối với Bình Dương, trường Trung cấp Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một là trường đầu tiên mở đầu cho phương pháp đào tạo theo nền mỹ thuật bác học phương Tây. Điều này cho thấy tầm vóc của trường xứng đáng để chúng ta trân quý và ca ngợi.

Được biết, ông Trang Phượng theo học tại trường từ năm 1955 đến 1959. Ông đỗ thủ khoa tốt nghiệp do đó được Bộ Giáo dục - Đào tạo thời bấy giờ cho đi du học ở Nhật Bản. Nhưng thời gian ấy đất nước ta bị đế quốc Mỹ xâm lược, với tinh thần yêu nước, ông đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thoát ly tham gia cách mạng. Trong thời gian tham gia kháng chiến, ông đã để lại những tác phẩm ấn tượng, đóng góp tích cực cho công tác tuyên truyền thông qua các tác phẩm để động viên quân và dân cùng chung sức, chung lòng tham gia đánh giặc giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông theo học và hoàn thành chương trình đại học và đi nước ngoài nghiên cứu tiến sĩ, đến năm 1979 về nước. Sau đó, ông làm Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam và là Phó ban Tư tưởng - Văn hóa TP.Hồ Chí Minh. Ông đã tham gia công tác đào tạo sau đại học cho các thầy cô học tại trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh và các trường nghệ thuật khác và là thành viên Hội đồng Mỹ thuật xét duyệt các tượng đài, các công trình mỹ thuật của tỉnh. (còn tiếp)

H.THUẬN - H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X