Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương:Cái nôi mỹ thuật Bình Dương

Cập nhật: 09-06-2021 | 07:43:01

Tính đến năm 2021, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, tiền thân là trường Bá nghệ Thủ Dầu Một tròn 120 năm. Đây là một trong 3 trường mỹ thuật của vùng đất Đông Nam bộ được thành lập vào đầu thế kỷ XX. Bề dày lịch sử ấy đã xây dựng nên thương hiệu cho một ngôi trường đào tạo những ngành mang tính truyền thống đặc trưng của tỉnh: Sơn mài, chạm khắc gỗ, điêu khắc...

Dấu ấn một ngôi trường

Trường Bá nghệ Thủ Dầu Một do người Pháp thành lập năm 1901. Qua nhiều lần đổi tên, hiện nay là trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Nhìn lại lịch sử 120 năm, trường trải qua 5 giai đoạn phát triển.

Từ khi thành lập đến năm 1945, trường do người Pháp quản lý với tên gọi là trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một. Đầu tiên, nhà trường chuyên đào tạo về thực hành, dạy nhiều nghề truyền thống đa dạng về nghệ thuật gỗ. Chương trình giảng dạy của trường lúc bấy giờ với trình độ sơ cấp, đào tạo thợ thủ công mỹ nghệ là chính, gồm các nghề như: Mộc, chạm gỗ, cẩn gỗ, cẩn ốc xà cừ, đúc đồng, trang trí... Học sinh (HS) vào học đa số đều lớn tuổi, trình độ văn hóa chỉ cần học đến lớp 3 Pháp - Việt. Người Pháp có chủ trương tuyển chọn những HS có năng khiếu về nghề truyền thống ở địa phương.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương đang tiếp tục phát huy truyền thống 120 năm của trường

Từ năm 1914-1932, chương trình đào tạo của trường được nâng lên bậc trung học. Nội dung, mục tiêu đào tạo và sử dụng HS hoàn toàn do người Pháp đảm nhiệm. HS vào học ở trường Bá nghệ Thủ Dầu Một chủ yếu là những HS nghèo, có năng khiếu nghề được khảo sát qua kỳ thi tuyển ở địa phương Thủ Dầu Một và các tỉnh lân cận. Giáo viên, quản lý chủ yếu là người Pháp và một số ít là các nghệ nhân, họa sĩ tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật Đông Dương phụ trách.

Giai đoạn từ năm 1945-1975, trường không còn đào tạo các nghề cẩn gỗ, ốc xà cừ và nghề đúc đồng. Do đặc điểm lịch sử của dân tộc, giai đoạn này có một số HS của trường tham gia cách mạng, có người đã hy sinh, có người trưởng thành trở thành cán bộ của Đảng, Nhà nước. Một số HS khác trở thành nghệ nhân, họa sĩ tài danh, đạt những học vị cao ở nước ngoài hoặc trở thành nhà kinh doanh mỹ nghệ.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, trường được đổi tên là trường Trung học Mỹ thuật công nghiệp Sông Bé. Từ năm 2000, trường được đổi tên thành trường Trung học Kỹ thuật Bình Dương; năm 2007 là trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương. Nhà trường đào tạo trình độ trung cấp ngành thiết kế gỗ, sơn mài trang trí, điêu khắc trang trí, ngành đồ họa công thương nghiệp, công nhân kỹ thuật công nghiệp. Đến năm 2004 nhà trường mở thêm ngành thiết kế thời trang, nhằm đáp ứng theo yêu cầu xã hội.

Từ năm 2012, trường được đổi tên thành trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Trong thời gian này, trường bổ sung 2 ngành đào tạo là quản lý văn hóa và thanh nhạc.

Cái nôi mỹ thuật

Tại hội thảo mỹ thuật Đông Nam bộ được tổ chức vừa qua, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một nhận định, Thủ Dầu Một được lựa chọn để mở trường mỹ thuật bởi nơi đây không chỉ trù phú về nguyên liệu, có nghề thủ công mỹ nghệ phát triển lâu đời mà còn là nơi tập trung đông đảo những người thợ mỹ nghệ lành nghề, giỏi nhất Nam bộ thời ấy. “Trường mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một ra đời như một mối nhân duyên kích hoạt nghề thủ công mỹ nghệ ở Thủ Dầu Một phát triển mạnh mẽ; nhân lực tham gia vào học hành, sản xuất ngày càng đông; các làng nghề truyền thống có cơ hội tiếp cận những kỹ nghệ tinh hoa trong và ngoài nước, sản phẩm mỹ nghệ vươn xa khắp thế giới, được giới tư bản Pháp chọn trưng bày trong các cuộc triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ của Đông Dương tại Paris, Marsseille”, ông Hiệp nói.

Những người hoạt động trong ngành mỹ thuật tham quan trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương

Từ khi hình thành, trường đã tạo nhiều dấu ấn trong đời sống mỹ thuật của người dân Thủ Dầu Một nói riêng, miền Đông Nam bộ nói chung. Từ ngôi trường này, nhiều thầy giáo làng ở Thủ Dầu Một tuy không hoạt động chuyên về mỹ thuật nhưng am tường những kiến thức cơ bản để trao truyền cho con cháu. Nhiều HS dù thời gian học tập ngắn nhưng cũng biết áp dụng mỹ thuật trong cuộc sống một cách linh hoạt.

Tiến sĩ - họa sĩ Trang Phượng, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam cũng là người xuất thân từ ngôi trường này nhìn nhận, trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một dù được thành lập là trường trung cấp mỹ thuật nhưng giai đoạn đó là một bước ngoặt lớn của nền mỹ thuật nước nhà. Việt Nam vốn có nhiều truyền thống mỹ thuật dân gian chứa đựng bản sắc văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Đặc biệt, đối với Bình Dương, trường Trung cấp Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một là trường đầu tiên mở đầu cho phương pháp đào tạo theo nền mỹ thuật bác học phương Tây. Điều này cho thấy tầm vóc của trường xứng đáng để chúng ta trân quý và ca ngợi.

Với truyền thống “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” của ngôi trường 120 năm tuổi, nhà trường luôn xem chất lượng đào tạo, phẩm chất và tay nghề của HS là lẽ sống còn nên ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất, đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhà trường vẫn giữ vững truyền thống, duy trì các ngành nghề đào tạo, mở thêm các ngành nghề mới; đào tạo nghề ngắn hạn tại trường và tại doanh nghiệp; bảo đảm tốt chất lượng giảng dạy về lý thuyết, thực hành.
(Ông Phạm Văn Ngàn, Hiệu trưởng trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương)

HỒNG THÁI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2412
Quay lên trên
X