Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương: Đào tạo gắn với thực hành

Cập nhật: 19-09-2023 | 07:58:00

Đến khảo sát và làm việc với cán bộ, giáo viên trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương vào sáng qua (18-9), ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khẳng định đây là ngôi trường đặc biệt nên cần có chính sách đặc biệt để trường mở rộng phát triển trong thời gian tới. Nhà trường cần quan tâm công tác đào tạo gắn với thực hành, cũng như liên kết với các hiệp hội sơn mài, gốm sứ... để đào tạo cung ứng đội ngũ lao động tay nghề cao trong lĩnh vực doanh nghiệp có nhu cầu.

Nỗ lực phát huy truyền thống

Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương tiền thân là trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một, được thành lập từ năm 1901 và là trường mỹ nghệ ứng dụng cố nhất ở nước ta. Trong hơn 120 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, trường đã trở thành “cái nôi của nghề thủ công mỹ nghệ Nam bộ” đào tạo nên nhiều nghệ nhân ở trong và ngoài tỉnh, đồng thời góp phần gìn giữ phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Lợi (thứ 3 từ phải sang), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đoàn công tác tham quan lớp mộc, điêu khắc trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Thầy Lê Quang Lợi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhiều năm qua, được sự quan tâm của tỉnh và các ngành liên quan, trường đã nỗ lực phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Những năm gần đây, trường đã đạt nhiều thành tích trong giáo dục nghề nghiệp và hoạt động nghệ thuật, được các cấp từ Trung ương đến địa phương khen thưởng, trong đó có bằng khen của Hội Mỹ thuật Việt Nam khen thưởng nhà trường có nhiều cống hiến trong 65 năm thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương tiền thân là trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một, được thành lập từ năm 1901 và là trường mỹ nghệ ứng dụng cổ nhất ở nước ta. Trong hơn 120 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, trường đã trở thành “cái nôi của nghề thủ công mỹ nghệ Nam bộ” đào tạo nên nhiều nghệ nhân ở trong và ngoài tỉnh, đồng thời góp phần gìn giữ phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương.

Tuy nhiên, theo thầy Lê Quang Lợi, hiện trường gặp một số khó khăn cần kiến nghị các ngành quan tâm giải quyết kịp thời, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến chính sách. Theo đó, nhà trường hiện trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật du lịch... Tuy nhiên, hiện trường không được hưởng chính sách hỗ trợ khi thực hiện các hoạt động này. Bên cạnh đó, hiện nhà trường đào tạo lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật, phát triển tài năng của học sinh nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý để được hưởng chế độ như các trường năng khiếu nghệ thuật.

Cũng liên quan đến chế độ chính sách, thầy Lê Quang Lợi thông tin, hiện nay nhà trường chỉ có 15 giáo viên được hưởng chế độ phụ cấp về trường chuyên biệt, còn 38 giáo viên vẫn chưa được hưởng phụ cấp. Đây là vấn đề cần giải quyết kịp thời “nhằm động viên và khuyến khích tinh thần của tập thể, các thầy cô giáo trong nhà trường...”.

Lãnh đạo nhà trường cũng kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị và cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp tại hai cơ sở của trường bởi hiện nay nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp. Trong đó, nhà xưởng (tại số 210 Bạch Đằng, phường Phú Cường) là công trình thuộc di tích lịch sử cấp tỉnh đang bị hư hại và xuống cấp, rất cần được tu bổ...

Ông Nguyễn Văn Lợi (thứ 3, từ phải qua), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham quan các sản phẩm tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Cần có chính sách đặc biệt

Theo lãnh đạo nhà trường, để trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương có sự đột phá phát triển trong thời gian tới rất cần sự quan tâm của tỉnh và các ngành liên quan. Trước mắt, nhà trường kiến nghị xây dựng đề án “Quy hoạch chiến lược phát triển đào tạo trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, phấn đấu đến năm 2026, nhà trường sẽ nâng lên hệ cao đẳng; đến năm 2030, chuẩn đầu ra đạt khung trình độ quốc gia; đến năm 2035, một số ngành nghề trọng điểm của nhà trường có năng lực cạnh tranh trong khu vực ASEAN. Tầm nhìn đến năm 2045, nhà trường vừa là cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp uy tín, vừa trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm văn hóa nghệ thuật hàng đầu của cả nước.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cho rằng việc kết nối trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương với các doanh nghiệp gốm sứ, sơn mài là rất khả thi. Bởi, hiện nay các nhà máy đang thiếu những người thợ có tay nghề trong khi nhà trường có điều kiện đào tạo lao động có tay nghề cao. Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thành, nhà trường cần chủ động tiếp xúc với doanh nghiệp để biết được nhu cầu, công đoạn sản xuất sản phẩm, xu hướng sản phẩm, từ đó nhà trường có thể tham gia đào tạo, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp…

Lãnh đạo nhà trường cũng mong muốn các ngành chức năng giải quyết vướng mắc để trường được hưởng chế độ như trường năng khiếu và giáo viên được hưởng chế độ phụ cấp như giáo viên trường chuyên biệt; các ngành thiết kế đồ họa, điêu khắc, kỹ thuật điêu khắc gỗ... trở thành nghề trọng điểm, nhằm tạo bước đệm để trường nâng lên thành trường cao đẳng.

Tại buổi khảo sát và làm việc với cán bộ, giáo viên trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã biểu dương những cố gắng và thành tích đạt được của nhà trường trong thời gian qua, góp phần tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các thế hệ thầy và trò nhà trường trong hơn 120 năm qua.

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương là ngôi trường đặc biệt, nên trong nhiều năm qua Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, các nghệ nhân, văn nghệ sĩ luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để trường hoạt động. “Là ngôi trường đặc biệt, do vậy cần xây dựng một chính sách đặc biệt, một bộ máy đặc biệt để trường tiếp tục phát triển trong thời gian tới...”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh và giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Đề án “Quy hoạch chiến lược phát triển đào tạo trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2045”. Xây dựng trường không chỉ là nơi giáo dục nghề nghiệp mà còn trở thành trung tâm trưng bày, triển lãm, hoạt động trải nghiệm, tham quan, du lịch...

Trong định hướng phát triển, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý nhà trường cần quan tâm công tác đào tạo gắn với thực hành cũng như liên kết với các hiệp hội sơn mài, gốm sứ... để đào tạo cung ứng đội ngũ lao động tay nghề cao trong lĩnh vực doanh nghiệp có nhu cầu; đồng thời kết nối phát triển du lịch để tạo nguồn thu, tái đầu tư phát triển nhà trường. Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn nhà trường phối hợp với TP.Thủ Dầu Một xây dựng không gian văn hóa xung quanh trường, tạo điều kiện để trường trở thành một trong những nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa lớn của tỉnh cũng như hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

Đối với những kiến nghị của nhà trường liên quan đến việc giải quyết chế độ cho giáo viên, đầu tư trang thiết bị máy móc, sửa chữa, tôn tạo các phòng học, nhà xưởng..., Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ngành liên quan sớm giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dạy và học của trường… 

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1814
Quay lên trên
X