Trường trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương: Đào tạo gắn kết với doanh nghiệp

Thứ ba, ngày 20/12/2022
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO)  Với mục đích đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh, thời gian qua, trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương đã thực hiện nhiều chương trình liên kết đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp.

 Lễ ký kết hợp tác doanh nghiệp giữa trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương và Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I

 Nơi đào tạo và nghiên cứu khoa học

Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương tọa lạc trong khuôn viên rộng 2,8 ha tại khu phố 8, phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Được UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp, trường cơ bản đủ điều kiện phục vụ tốt công tác giảng dạy và học tập, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ mới. Trường có chức năng đào tạo cán bộ kỹ thuật trình độ trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng với các chuyên ngành: Chăn nuôi - thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên và môi trường, kế toán doanh nghiệp (DN), tin học ứng dụng, tiếng Anh, marketing… Hàng năm, trường tuyển sinh khoảng 300 - 500 học sinh, học viên hệ trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng.

Thầy Phan Thanh Hà, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương, cho biết trường có nhiệm vụ đào tạo người học có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng thành thạo, có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp và ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc. Trường tạo ra cơ hội học tập cộng đồng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cho người học từ trình độ sơ cấp, trung cấp, liên thông lên các bậc học cao hơn theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Đây được xem là nơi trực tiếp chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu được cấp có thẩm quyền giao.

Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng DN, nhà trường mạnh dạn đưa kiến thức khoa học phù hợp với chuyên ngành và thực tế sản xuất ở địa phương bổ sung vào chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy của giáo viên từng bước được cải tiến, tăng giờ thực hành, thực tập giáo trình giúp học sinh chủ động tiếp thu, nắm vững tay nghề. Chất lượng đào tạo tay nghề học sinh được các cơ quan, đơn vị sản xuất chấp nhận. Đây là yếu tố cơ bản cho sự đổi mới, phát triển của nhà trường.

Đặc biệt, cán bộ, giáo viên của nhà trường đã tham gia nhiều dự án, nhiều đề tài, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học của ngành. Mục tiêu đào tạo của trường từng bước được đổi mới, đa dạng các ngành nghề, mở thêm các hình thức đào tạo như trung cấp vừa học vừa làm vào thứ bảy, chủ nhật và các buổi tối; đào tạo tại DN, tập huấn chuyển giao kỹ thuật ngắn hạn, tạo điều kiện đưa tiến bộ kỹ thuật đến nông dân. Kết quả hoạt động của trường được các địa phương và UBND tỉnh đánh giá cao.

Đào tạo nghề gắn với DN và nhu cầu xã hội

Nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN, thời gian qua, trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương đã liên kết đào tạo nghề gắn với DN và nhu cầu xã hội. Đây được xem là một trong những thế mạnh của trường. Chỉ tính trong năm 2022, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhà trường đã xin phép và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho phép trường được đặt địa điểm đào tạo tại Công ty Cổ phần Bò sữa - Bò thịt Cao nguyên với chỉ tiêu 100 học sinh học hệ trung cấp vừa làm vừa học và 20 chỉ tiêu sơ cấp. Lớp chăn nuôi thú y sẽ khai giảng lớp đào tạo sắp tới với khoảng 50 học viên. Đây là lớp học liên kết đào tạo theo địa chỉ đặt tại trang trại bò sữa NutilMilk.

Nhà trường còn phối hợp với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo toàn diện từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, đào tạo và giải quyết việc làm cho người học. Hiện nhà trường đã tuyển sinh được 8 học viên hệ vừa học vừa làm trình độ trung cấp; phối hợp với Chi nhánh Thương mại Con voi - Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương đào tạo 39 học viên ngành chăm sóc cây xanh trình độ dưới 3 tháng (chương trình này được xây dựng theo thỏa thuận đặt hàng với công ty)…

Song song đó, nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện cho học sinh đi thực tập tại DN. Điển hình trong tháng 2 vừa qua, nhà trường đã tổ chức đưa các em học sinh lớp 37B, 38B ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật (khoa nông lâm) tham quan, học tập tại Khu nông nghiệp Công nghệ cao An Thái (Công ty Cổ phẩn Nông nghiệp U&I). Trong tháng 6 năm nay, nhà trường phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh (trực thuộc Tỉnh đoàn) tổ chức chương trình hỗ trợ học sinh thực tập tốt nghiệp tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khánh Huyền (TP.Dĩ An) và Công ty Đầu tư phát triển công nghệ Vintech (TX. Bến Cát). Qua đó, học sinh nhà trường có cơ hội học tập kinh nghiệm chuyên ngành tại DN để sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định, phù hợp.

“Nhờ liên kết chặt chẽ trong đào tạo nghề với DN, các chương trình, ngành nghề đào tạo của trường đang cho thấy những thành công tích cực, trở thành “chiếc nôi” đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo việc làm ổn định cho học sinh sau khi tốt nghệp”, thầy Phan Thanh Hà cho biết thêm.

 Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN, nhà trường mạnh dạn đưa kiến thức khoa học phù hợp với chuyên ngành và thực tế sản xuất ở địa phương bổ sung vào chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy của giáo viên từng bước được cải tiến, tăng giờ thực hành, thực tập giáo trình giúp học sinh chủ động tiếp thu, nắm vững tay nghề. Chất lượng đào tạo tay nghề học sinh được các cơ quan, đơn vị sản xuất chấp nhận. Đây là yếu tố cơ bản cho sự đổi mới, phát triển của nhà trường.

 T.VY - NG.TRÃI