Trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ: Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học

Cập nhật: 17-03-2010 | 00:00:00

Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng học tập là một yêu cầu cần thiết đề nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường; những yêu cầu trên đã và đang được Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Giáo) thực hiện trong năm học 2009-2010. Từ những biện pháp cụ thể đó đã từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, tạo niềm tin cho phụ huynh học sinh và là động lực để các em học sinh phấn đấu học tập tốt.

Học sinh trường PTTH Nguyễn Huệ đang chăm chú lắng nghe giảng bài

Thầy Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: Trường THPT Nguyễn Huệ với đặc thù của một trường cấp II và cấp III; nên trước hết trong công tác quản lý và điều hành có những khó khăn nhất định. Nói như vậy không có nghĩa là nguyên nhân của sự đi xuống của chất lượng dạy và học là do yếu tố khách quan đem lại, mà phải có nguyên nhân từ một yếu tố khác. Năm học 2008-2009 là năm học trường THPT Nguyễn Huệ có tỷ lệ thí sinh thi đậu tốt nghiệp thấp nhất từ trước đến nay. Trước tình hình chất lượng giáo dục của nhà trường đi xuống bất ngờ như vậy; Ban giám hiệu chúng tôi đã có những trăn trở, đồng thời có những cuộc họp kiểm điểm để phân tích, mổ xẻ nguyên nhân tỷ lệ tốt nghiệp thấp, chất lượng giáo dục có nguy cơ giảm sút nếu không kịp thời chấn chỉnh. Qua kết quả của năm học trước, nhà trường đã định hướng huy động nguồn nhân lực. Lấy ý kiến của phụ huynh học sinh về việc triển khai dạy tăng tiết các môn chủ yếu, chủ lực; nhất là các môn nằm trong khả năng thi tốt nghiệp và thi đại học của học sinh. Qua những buổi làm việc với phụ huynh học sinh, những ý kiến kiến nghị của nhà trường đã được phụ huynh học sinh đồng tình ủng hộ; không những thế từ các buổi trao đổi với phụ huynh, nhiều ý kiến hay đã được phụ huynh đóng góp cho nhà trường. Cùng với đó, về phía giáo viên, Ban giám hiệu tổ chức quán triệt tư tưởng trong giảng dạy thông qua các nội dung thi đua cụ thể trong nhà trường; có đánh giá, khen thưởng, phê bình, góp ý kiến cho giáo viên; vì vậy đã có những chuyển biến tích cực trong giáo viên; giáo viên năng nổ, nhiệt tình trong giảng dạy, hết mình trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Giáo viên chủ nhiệm phải gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh; đồng thời phát hiện sớm những biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng các em để kịp thời uốn nắn, sửa chữa. Các tổ chuyên môn phát huy vai trò của mình lên

kế hoạch tăng cường dự giờ, thao giảng. Về phía Ban giám hiệu nhà trường thực hiện việc trực phối hợp xử lý kịp thời đối với giáo viên và học sinh vi phạm quy chế, nội quy nhà trường. Hàng tuần, hàng tháng tổ chức kiểm tra đối với các tổ chuyên môn; tăng cường dự giờ đối với giáo viên bộ môn nhằm tạo nên một phong trào thi đua dạy và học sôi nổi trong giáo viên và học sinh”.

Từ những biện pháp trên qua đánh giá chất lượng đầu năm học 2009-2010 chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng so với năm học trước; đặc biệt là ở khối THPT. Đội tuyển học sinh giỏi của trường cũng đã gặt hái được những thành công với 1 giải nhì và 2 giải ba môn lịch sử; giải nhì thi giải toán trên máy tính Casio cấp tỉnh. Trường có một em học sinh tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia. Nói về định hướng trong những năm học tiếp theo của nhà trường thầy Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Để duy trì chất lượng dạy và học trong những năm học tiếp theo nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học của giáo viên và học sinh theo hướng đối thoại giữa thầy và trò; trong đó dành phần lớn thời gian của tiết học để các em học sinh đối thoại, trao đổi; người thầy chỉ đóng vai trò là cầu nối, là người khởi xướng bài học cho các em học sinh; các em học sinh đóng vai trò quan trọng, chủ động trong tiếp thu bài giảng. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiến hành việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình qua hình thức sổ liên lạc điện tử, qua hộp thư điện tử và qua số điện thoại di động nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng học sinh yếu kém, nghỉ bỏ học nhưng cả phía gia đình và nhà trường đều không quản lý được”.

Với tư duy hợp lý và những biện pháp quản lý, giáo dục sát với thực tế yêu cầu trong dạy và học của giáo viên và học sinh; kết quả bước đầu cho thấy việc đổi mới phương pháp trong dạy và học của Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Huệ bước đầu đã mang lại hiệu quả cao; từ đó đã và đang góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường trong năm học 2009-2010 và những năm tiếp theo; tạo được niềm tin và là động lực để học sinh phấn đấu học tập tốt.

HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X