Tăng cường song ngữ, giao lưu quốc tế
Xu hướng giáo dục hiện nay là chú trọng giảng dạy ngoại ngữ cho học sinh (HS) ngay từ nhỏ nhằm giúp các em rèn các kỹ năng sử dụng tiếng nước ngoài thông thạo hơn. Vì vậy, ngoài môn tiếng Anh chính khóa, trường Pétrus Ký còn tăng cường mỗi lớp học thêm 10 - 14 tiết học ngoại ngữ ở các môn toán, tin học, khoa học, trong đó 20 - 40% số giờ do người bản ngữ giảng dạy. Nội dung học được biên soạn theo giáo trình mẫu của Singapore, Úc, Mỹ, phương pháp học vừa lý thuyết vừa thực tế gắn với giao tiếp từ những vấn đề thông dụng trong cuộc sống hàng ngày để các em dễ nhớ.
Sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy là điểm mạnh ở trường Pétrus Ký
Với mục tiêu tạo sự chuyển biến căn bản cho HS ngay từ nhỏ, từ năm học tới (2011-2012), trường sẽ chia bậc tiểu học làm 2 nhánh, trong đó có 1 nhánh được tăng cường dạy thêm tiếng Anh 240 phút/tuần (tương đương 10 tiết/tuần) do chính người nước ngoài giảng dạy. “Chúng tôi cam kết, nếu HS học tập nghiêm túc như giáo trình đề ra, sau khi tốt nghiệp các em có đủ khả năng học tại các trường quốc tế trong, ngoài nước cũng như các chương trình quốc tế ở các trường đại học. Nếu học đầy đủ, đến lớp 10 hoặc 11 HS có thể thi đạt chứng chỉ TOEIC, TOEFL hoặc IELTS” - ông Đinh Quang Hảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Một trong những điểm mới đáng lưu ý của trường Pétrus Ký là trường chủ trương tăng cường cho HS giao lưu với người nước ngoài nhằm cải thiện khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, đồng thời tạo điều kiện cọ xát, học hỏi với HS nước ngoài. “Mở màn” cho chủ trương này, thời gian qua trường đã tổ chức nhiều đợt giao lưu giữa HS của trường với sinh viên đến từ các trường đại học ở Singapore, sắp tới dự kiến hoạt động này sẽ được tiến hành theo kế hoạch và theo định kỳ tại nước ngoài như một hoạt động vừa dã ngoại vừa học tập.
Nội trú giúp tăng tỷ lệ HS khá, giỏi
Theo thống kê, hiện tại số HS ở nội trú của trường Pétrus Ký chiếm khoảng 30%, đây là tỷ lệ đã tăng đáng kể so với trước. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất từ môi trường nội trú, số HS có học lực khá, giỏi của trường đã tăng lên rõ rệt, ngang bằng với khối bán trú. Theo lý giải của Hiệu trưởng Đinh Quang Hảo, nguyên nhân là nhờ trường có kế hoạch giảng dạy hợp lý đối với HS ở nội trú. Cụ thể, HS nội trú được giáo viên bộ môn dạy kèm theo nhu cầu của từng em ở 6 môn gồm toán, tiếng Anh, văn, lý, hóa và tin học; có giáo viên chăm sóc cho HS tự quản, tự học chuẩn bị bài học ngày hôm sau ít nhất 60 phút mỗi tối; có phân bổ thời gian tập luyện TDTT đều đặn để tăng cường sức khỏe; có chế độ ăn uống bảo đảm dinh dưỡng trong độ tuổi phát triển của các em... Ngoài ra, hàng tuần khi đón con em, phụ huynh được nhận phiếu nhận xét hoặc trao đổi trực tiếp với Ban quản lý nội trú về tình hình học tập của các em trong tuần.
“Nhờ kết hợp nhiều biện pháp như thế, qua khảo sát, tỷ lệ hài lòng của phụ huynh khối nội trú tăng cao hơn so với các em chỉ học ban ngày. Vì vậy, kế hoạch năm học tới Pétrus Ký sẽ tập trung mạnh hơn ở khâu nội trú, nhằm giúp các em có tiến bộ nhiều hơn nữa” - ông Hảo nhấn mạnh.
Thực nghiệm, liên thông... không thể thiếu
Với tiêu chí giảng dạy theo chuẩn quốc tế, Ban Giám hiệu trường Pétrus Ký luôn quan tâm triển khai nhiều phương pháp giáo dục mới, hiện đại. Một trong số đó là tăng cường cho HS sử dụng laptop (máy tính xách tay) tại phòng học. “Vừa qua trường đã thực hiện thí điểm ở 2 lớp, dự kiến năm học tới sẽ tăng lên 6 lớp và áp dụng ở tất cả các môn học” - ông Đinh Quang Hảo cho hay. Theo cách học này, thầy và trò không phải đọc - chép như thường thấy mà giáo án sẽ được đưa lên mạng nội bộ, HS tự tải về máy trước để nghiên cứu, sau đó vào tiết học chỉ theo dõi thầy giảng bài, cùng trao đổi, thảo luận. “Xưa nay nhiều người quen nghĩ rằng, giáo án của thầy như cái đó “bí mật” lắm, còn tại Pétrus Ký, chúng tôi yêu cầu giáo viên đưa trước bài giảng lên mạng để các em nghiên cứu, khi vào học thậm chí HS còn là người chủ động, giáo viên chỉ là người gợi mở tư duy cho các em tìm tòi, sáng tạo. Hy vọng cách học này sẽ giúp HS rèn luyện thêm kỹ năng, tác phong biết làm việc một cách chủ động, sáng tạo hơn” - ông Hảo nói thêm.
Điểm mới tiếp theo đáng lưu ý ở Pétrus Ký là thực hiện phiếu liên thông giữa gia đình - giáo viên bộ môn - gia sư và giáo viên chủ nhiệm để tạo mối quan hệ chặt chẽ, tác động tổng hợp giúp HS có tiến bộ rõ nét. Cách làm này đã được phụ huynh hoan nghênh, những người trong cuộc hưởng ứng tích cực, vì qua đó, kiến thức giảng dạy cho HS được thống nhất, nhu cầu học tập của HS được đáp ứng đúng và kịp thời hơn, cha mẹ HS cũng có điều kiện gần gũi, quan tâm thường xuyên đến con em mình hơn...
Với sự quan tâm đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất và thường xuyên đổi mới phương pháp giáo dục, trong đó lấy con người - HS làm trung tâm, trường Pétrus Ký đang trở thành điểm sáng về đơn vị giáo dục ngoài công lập có chất lượng giáo dục gia tăng không ngừng.
Q.MINH