Truyền tải thông điệp về đất nước, con người Việt Nam thân thiện, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết

Cập nhật: 17-03-2023 | 16:35:48

Chiều 17/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt Đoàn công tác Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại buổi gặp mặt.

Phát biểu ý kiến mở đầu buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để tổ chức Lễ tuyên dương những tập thể, cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ nhân đạo sự cố thảm họa động đất vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng gửi tới các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành Trung ương, các quý đại biểu, khách quý, đặc biệt là các thành viên Đoàn công tác lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nêu rõ, như các đồng chí đã biết, ngày 6/2/2023, đã xảy ra trận động đất lớn với cường độ lên tới 7,8, lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939 đến nay, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người bị thương, hàng chục nghìn công trình bị phá hủy và Thổ Nhĩ Kỳ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Việc đưa lực lượng Quân đội, Công an tham gia cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo nạn nhân động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thể hiện tầm vóc, vị thế của đất nước ta, tinh thần Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Với tình cảm chân thành, Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ về những mất mát, thiệt hại to lớn về người và tài sản trong thảm họa động đất này.

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta: Việt Nam là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; với truyền thống, đạo lý nhân đạo, tương thân, tương ái, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta; được sự đề xuất kịp thời của Lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, chúng ta đã nhanh chóng quyết định cử Đoàn công tác của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng khẩn trương sang giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử một lực lượng lớn (gồm 100 đồng chí, trong đó có 76 đồng chí của Bộ Quốc phòng và 24 đồng chí của Bộ Công an) tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ ở một nơi xa bên ngoài lãnh thổ. Các đồng chí đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Suốt quá trình tham gia cứu trợ, hỗ trợ nhân đạo thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, tập thể lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã rất quan tâm, sâu sát, thường xuyên cập nhật thông tin và có chỉ đạo kịp thời trong tổ chức triển khai, hiệp đồng tác chiến.

Thực tế cho thấy, việc đưa lực lượng Quân đội, Công an tham gia cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo nạn nhân động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thể hiện tầm vóc, vị thế của đất nước ta, tinh thần Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Tại sự kiện này, Thủ tướng muốn được nghe các đồng chí, nhất là những đồng chí trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ về những vấn đề: những cảm xúc của các đồng chí khi được cử đi nhận nhiệm vụ; khó khăn, thử thách đã phải đối mặt, vượt qua trong quá trình làm nhiệm vụ; những công việc gì làm có ý nghĩa; cần rút ra bài học kinh nghiệm gì trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, những việc hậu cần khác để bảo đảm an toàn trong công tác hỗ trợ nhân đạo quốc tế cũng như công tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở nước ta trong thời gian tới; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới…

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, đoàn đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, áp dụng các chiến thuật linh hoạt, sử dụng các phương tiện cứu nạn, cứu hộ, hoàn thành nhiệm vụ tại 3 địa điểm theo phân công của phía bạn. Đoàn đã phối hợp cứu được 1 người còn sống, đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài bàn giao cho cơ quan y tế.

Bên cạnh đó, trong quá trình công tác, Đoàn đã trao tặng gần 2 tấn thiết bị y tế; thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, hỗ trợ phía bạn các vật dụng để sử dụng sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn như chế tạo bếp lửa dã chiến để sưởi ấm…

Đại tá Nguyễn Minh Khương nhắc tới một số khó khăn trong quá trình đoàn thực hiện nhiệm vụ như phải di chuyển liên tục trong 24 giờ, đến nơi là làm việc ngay không ngủ; trong 2 ngày đầu, nhiều thành viên trong đoàn chỉ ngủ 2 tiếng; thường xuyên phải làm việc dưới điều kiện nhiệt độ âm 5 đến âm 10 độ C, nhiều ngày thực hiện nhiệm vụ đến 3 giờ sáng. Cùng với đó, đoàn làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Ngày đầu tiên, đoàn làm việc trong một căn nhà sập đổ giữa 2 căn nhà sập đổ một phần, có nguy cơ rất cao nếu có rung chấn. Điều kiện sinh hoạt rất khó khăn khi hạ tầng điện, nước bị phá hủy. Tư duy, cách làm việc khác nhau giữa các đoàn dẫn tới những trở ngại trong quá trình công tác, những khó khăn do bất đồng ngôn ngữ…

Đại tá Nguyễn Minh Khương nêu một số bài học kinh nghiệm là chuẩn bị từ sớm, từ xa, tương ứng với loại hình thảm họa, thiên tai; tự chủ động, bảo đảm điều kiện hậu cần để phục vụ sinh hoạt và tác chiến; lựa chọn những người được đào tạo bài bản, kinh nghiệm, đủ sức khỏe làm việc lâu dài trong điều kiện khắc nghiệt, giữ vững kỷ luật kỷ cương; làm tốt công tác phối hợp, trao đổi kinh nghiệm với lực lượng các nước, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ…

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đã tổ chức tìm kiếm trên 31 điểm, phát hiện 15 điểm có nạn nhân bị vùi lấp, bàn giao cho lực lượng giải cứu và đã đưa ra 28 thi thể nạn nhân. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã tổ chức một đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn, tổ công binh dò tìm bằng âm thanh, hình ảnh và radar xuyên tường phối hợp với các đoàn từ Bahrain và Mexico tìm được 3 vị trí; trên cơ sở đó, thêm 10 thi thể các nạn nhân được đưa ra ngoài. Đồng thời, đoàn đã cấp phát thuốc, chia sẻ, hỗ trợ người dân và lực lượng chức năng của phía bạn; các thành viên trong đoàn tự nguyện quyên góp được 4.000 USD hỗ trợ người dân địa phương mua lương thực, thực phẩm…

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ xúc động nhắc tới nhiều kỷ niệm trong chuyến công tác. Ngay trong ngày đầu tiên, đoàn đã phát hiện 4 vị trí, qua đó góp phần đưa 9 thi thể nạn nhân ra ngoài. Lúc này, những người thân có mặt tại hiện trường đã ôm lấy các thành viên đoàn Việt Nam rồi òa khóc. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết, đoàn đã rút ra nhiều vấn đề trong công tác tham mưu, tổ chức điều hành, tổ chức huấn luyện đào tạo bổ sung về mặt lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong đối phó các loại hình sự cố do thiên tai, thảm họa gây ra, trong hợp tác quốc tế, trong ứng phó với các loại hình sự cố trong tương lai. Trong đó, cần tổ chức chặt chẽ, sử dụng các phương tiện, thiết bị và nhân lực phù hợp để việc tìm kiếm đạt hiệu quả tốt, điển hình như việc sử dụng chó nghiệp vụ, radar quan sát tìm bằng hình ảnh, âm thanh và hệ thống radar xuyên tường, cho kết quả rất tốt, đã được nhiều đoàn đánh giá rất cao.

Theo NDO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên