Truyền thông về biến đổi khí hậu: Cần đẩy mạnh hơn nữa

Cập nhật: 02-07-2015 | 08:52:15

Việt Nam là quốc gia nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á, với bờ biển trải dài, những khu vực đồng bằng châu thổ ven sông thấp, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài nguyên thiên nhiên nên là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Thêm vào đó, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng sẽ góp phần làm gia tăng tính ảnh hưởng của BĐKH đến các nhóm dễ bị tổn thương vì sự tập trung đông ở các khu vực có nguy cơ rủi ro cao.

Cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hoạt động ứng phó với BĐKH như xây dựng các kịch bản BĐKH quốc gia và cho các tỉnh thành, xây dựng và triển khai chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, vấn đề truyền thông trong BĐKH vẫn còn nhiều hạn chế. Theo nhận xét mới được đưa ra của PANOS, một mạng lưới toàn cầu của các tổ chức phi chính phủ hợp tác vềtruyền thông để thúc đẩy phát triển cho rằng các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, tuy nhiên hoạt động truyền thông của họ không mặn mà lắm trong việc đưa tin vềthảm họa môi trường này và Việt Nam cũng không nằm ngoài nhận xét trên.

Cũng trong kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu sức khỏe, môi trường và phát triển nhận xét rằng hiện nay, các cơ quan truyền thông tại Việt Nam chỉ đưa tin về BĐKH ở bề rộng ở mức độ quốc gia và toàn cầu, không có mối liên quan giữa các vấn đề và hiện trạng ở địa phương. Mặc dù có rất nhiều bài báo đề cập đến các thảm họa thiên nhiên do BĐKH gây ra như lũ lụt, bão, nước ngầm nhưng chưa có tác phẩm báo chí nào chỉ ra mối liên hệ giữa các hiện tượng trên và BĐKH.

Thêm vào đó, theo thông tin do Tổ chức Đông Tây hội ngộ (EMWF) từng công bố trong kết quả nghiên cứu về “Sự thích ứng với BĐKH ở tỉnh Quảng Nam”, thì có khoảng 49% người được phỏng vấn không biết về các chính sách và quy trình của Nhà nước, 72% không biết về các kế hoạch chuẩn bị phòng chống thiên tai… Vì thế, họ không có khả năng lên kế hoạch và chuẩn bị ứng phó với thiên tai. Nguyên nhân trước hết là do các nhà quản lý, khi tiếp xúc với báo chí, chưa đề cập đến mối liên hệ giữa BĐKH và những tác động tiêu cực tại Việt Nam.

BĐKH đã, đang và sẽ tác động tới tất cả mọi người trong cộng đồng. Từ những hiện trạng và những nguyên nhân được phân tích ở trên cho thấy truyền thông cần được xem là một công cụ quan trọng, cơ bản tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thái độ, hành vi của con người trong cộng đồng từ đó thúc đẩy họ tự nguyện tham gia vào các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ BĐKH. Do đó, cần phải đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch truyền thông về BĐKH cho cộng đồng cũng như trang bị các kiến thức liên quan cho các phóng viên, nhà báo là một vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách.

Một khi nhận thức của người dân và các cấp chính quyền về BĐKH được nâng cao, nếu con người có những hành vi ứng xử thân thiện với môi trường, nếu cộng đồng được trang bị những kỹ năng cơ bản để ứng phó với các vấn đề liên quan đến BĐKH trong cuộc sống hàng ngày thì gánh nặng trách nhiệm ứng phó với BĐKH sẽ không còn là của riêng các nhà quản lý nữa mà sẽ được san sẻ trong cả cộng đồng.

 

 P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=337
Quay lên trên