Từ bài học Nhật Bản, chuẩn bị dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với yêu cầu an toàn cao nhất

Cập nhật: 29-03-2011 | 00:00:00

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản có thể coi là bài học kinh nghiệm lớn cho toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đang chuẩn bị đầu tư điện hạt nhân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại Hội trường Quốc hội về việc chuẩn bị

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Trước sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản do động đất và sóng thần, trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng nay (29/3), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thay mặt Chính phủ có báo cáo giải trình bổ sung về việc chuẩn bị Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

 Phó Thủ tướng cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 41/2009 về chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, đến nay Chính phủ đã ban hành 5 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Năng lượng nguyên tử để triển khai xây dựng nhà máy.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, bao gồm lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Ninh Thuận do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban.

Chính phủ đã ký Hiệp định hợp tác liên Chính phủ về xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với Liên bang Nga ngày 31/10/2010. Hiện Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo đàm phán với Liên bang Nga về Hiệp định tín dụng xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ hạt nhân.

Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành đàm phán với Nhật Bản về hợp tác cũng như nguồn tín dụng để xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Về chuẩn bị đầu tư các dự án nhà máy điện hạt nhân, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng  Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 để làm cơ sở thực hiện công tác chuẩn bị mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan.

Về công tác lựa chọn tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN) đã dự thảo điều kiện để chọn tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi gửi Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) để góp ý về sự phù hợp với các hướng dẫn của cơ quan này, nhất là các nội dung đảm bảo an toàn hạt nhân.

EVN cũng đang đàm phán với các đối tác để lựa chọn tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và lập báo cáo  khả thi  dự án nhà máy điện hạt  nhân Ninh Thuận 1. Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý viện trợ không hoàn lại 2 tỷ yên, tương đương 25 triệu USD, để lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Ninh Thuận 2. EVN đang đàm phán với các đối tác Nhật Bản để lựa chọn tư vấn thực hiện.

Ngoài ra, một số hạng mục khác liên quan đến dự án điện hạt nhân như Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ hạt nhân, Trung tâm quan hệ công chúng về điện hạt nhân cũng đang được EVN đàm phán với các đối tác. Trong đó, về Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ hạt nhân, Chính phủ Nga đã đồng ý hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp tín dụng để xây dựng …

Báo cáo Quốc hội trước khi khởi công

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Chính phủ đã giao EVN lập kế hoạch ứng phó sự cố và xây dựng cơ sở kỹ thuật cho việc ứng phó sự cố của dự án…

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan liên quan nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của nước ngoài và IAEA để xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hạt nhân cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Theo Phó Thủ tướng, sự cố điện hạt nhân tại Nhật Bản cho những bài học rất lớn, đặc biệt là với Việt Nam, đang chuẩn bị đầu tư điện hạt nhân.

Vì vậy, việc lựa chọn địa điểm cũng như công nghệ phải tính đến tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến an toàn của nhà máy, kể cả những trường hợp rủi ro nhất, như động đất, sóng thần, máy bay đâm và những sự cố khác...  nhằm  bảo đảm tính an toàn cao nhất cho nhà máy trong điều kiện có sự cố.

Chính phủ yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xây dựng, vận hành, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ngay từ bây giờ công tác đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân để có thể ứng phó với mọi tình huống, kể cả khi có sự cố, cũng được đặc biệt chú trọng.

Các mô hình ứng phó khẩn cấp khi có sự số được xây dựng đồng thời diễn tập thường xuyên trong công chúng và các cấp, các ngành nhằm ứng phó nhanh và hiệu quả nhất trong trường hợp sự cố.

Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, EVN rút kinh nghiệm trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công Thương trong quá trình chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng cần tính toán đề xuất cơ cấu hợp lý các loại nguồn điện, tránh tình trạng thiếu hụt trầm trọng khi xảy ra sự cố với một loại nguồn cung cấp .

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải tính toán công trình theo tiêu chuẩn cấp đặc biệt, nghiên cứu đánh giá đầy đủ về tác động của các đứt gãy, kiến tạo địa chất, các biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở khu vực triển khai dự án, v.v...

Đồng thời, trước khi khởi công xây dựng tổ máy đầu tiên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về kết quả chuẩn bị. Căn cứ vào tình hình thực tiễn chuẩn bị triển khai dự án, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét và có quyết định phù hợp.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 41/2009 ngày 25/11/2009.

Dự kiến tiến độ Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1: Khởi công xây dựng tháng 12/2014, vận hành thương mại tổ máy số 1 năm 2020 và tổ máy số 2 năm 2021.

Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2: Khởi công xây dựng tháng 5/2015. Vận hành tổ máy số 1 năm 2021 và tổ máy số 2 năm 2022.

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=287
Quay lên trên