Từ một ca sĩ nổi loạn chuyên hát tại các lễ hội carnival, từng nổi danh vì vụ tụt quần trên sân khấu, Michel Martelly trở thành Tổng thống mới được bầu của Haiti. Đó quả thực là sự chuyển đổi khó tin, nhưng có thật.
Chiến thắng của Michel Martelly trong cuộc bầu cử tại quốc gia bị tàn phá nặng nề bởi động đất một năm trước đây đến thật dễ dàng. Hai phần ba cử tri đi bầu đã tín nhiệm ông trong cuộc chạy đua với cựu Đệ nhất phu nhân Mirlande Manigat. Dẫu vậy người dân Haiti vẫn băn khoăn không rõ “Micky ngọt ngào” (biệt danh của Michel Martelly thời còn làm ca sĩ) sẽ tiếp cận với công việc lãnh đạo như thế nào. Như hiểu được băn khoăn của cử tri, Martelly đã xuất hiện trong bộ complet bảo thủ màu xám tại cuộc họp báo một ngày sau khi kết quả bầu cử được công bố.
Tân tổng thống Haiti Michel Martelly.
Cũng giống như những gì đã từng làm trong chiến dịch tranh cử, Martelly tránh đi thẳng vào những vấn đề gai góc trong việc điều hành đất nước, nhưng cố gắng thể hiện rõ sự cách biệt đối với hình tượng sân khấu khủng khiếp của mình trước đây khi nói về những nỗ lực hàn gắn với các đối thủ chính trị và cải thiện cuộc sống của người dân ở đất nước được coi là nghèo nhất ở tây bán cầu. “Điều tôi muốn nói đầu tiên là tôi luôn luôn có nguyện ước thay đổi đất nước” - Martelly nhấn mạnh.
Haiti đang phải đối đầu với những khó khăn chồng chất trên nhiều mặt trận: sự trì trệ trong công cuộc tái thiết đất nước sau trận động đất tháng 1.2010, dịch tả bùng phát, hàng trăm nghìn người đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất và hơn một nửa dân số bị thất nghiệp. Khi được hỏi về những ưu tiên trong ba tháng đầu tiên nắm quyền, Martelly - người hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về chính trường - đã biết tránh đòn như một chính trị gia dày dạn: “Trực giác chung mách bảo chúng tôi rằng trong giai đoạn 100 ngày đầu tiên, chúng tôi chỉ có khả năng xây dựng một ngôi nhà nhỏ”. Khi bị ép phải tiết lộ nhiều hơn, ông lại tiếp tục né: “Chúng tôi sẽ không nêu cụ thể vào thời điểm này, cần phải đem điều bất ngờ cho dân chúng”.
Vài giờ sau cuộc họp báo, Martelly đến thăm một số đài phát thanh ở thủ đô, gặp gỡ với lãnh đạo và nhân viên ở đó. Phát thanh là nguồn thông tin chính đối với người Haiti, bởi vì họ chỉ có thể sử dụng những chiếc máy thu thanh dùng pin ở đất nước mà cắt điện xảy ra như cơm bữa này. “Ông ấy muốn chứng tỏ tầm quan trọng của báo chí”, ông Mario Viau - tổng giám đốc kênh phát thanh tư nhân Signal FM - nhận xét.
Vai trò của báo chí được Martelly ý thức rõ từ thời còn làm ca sĩ. Ông từng nổi danh với những trò lố trên sân khấu từ giữa thập niên 1980. Sang thập niên 1990, các buổi biểu diễn của ông trở thành “huyền thoại”. Ông tự nhận mình là “kẻ kích động thiện ý”. Ông đem lên sân khấu những chiếc bỉm, trổ đủ trò để làm khán giả mê muội, nguyền rủa các đối thủ của mình và buông ra những lời tục tĩu.
Nhưng hình ảnh của một “người ngoài cuộc” lại dường như có tác động tích cực đến cử tri. Kết quả bỏ phiếu sơ bộ mà Hội đồng Bầu cử Haiti công bố đêm 4.4 cho thấy ông thu được gần 68% số phiếu trong vòng bầu cử lần hai hôm 20.3. Cựu Đệ nhất phu nhân Mirlande Manigat – người đã tốt nghiệp Đại học Sorbonne danh tiếng của Pháp, đã từng giữ ghế thượng nghị sĩ - chỉ thu được số phiếu bằng một nửa của ông. Đây là điều bất ngờ, bởi tại vòng 1 diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, bà Manigat đã dẫn trước ông Martelly.
Ông Martelly nhận được nhiều sự ủng hộ từ cử tri trẻ và những người thất nghiệp (chiếm phần lớn dân số Haiti). Bộ phận cử tri già và có học không ưa quá khứ ngổ ngáo của ông. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng Martelly là một kẻ tranh cử lão luyện, biết biến sự thiếu kinh nghiệm của mình thành điểm mạnh, chẳng hạn ông đã biến cái đầu hói của mình thành câu khẩu hiệu tranh cử rất dễ nhớ: “Kẻ trọc đầu”.
Thời gian đầu, chiến dịch tranh cử của Martelly không được dư luận để ý, nhưng sau khi ngôi sao nhạc hip-hop Wyclef Jean bị tuyên bố không đủ điều kiện ra tranh cử, thì Martelly bắt đầu tung những độc chiêu của giới showbiz. Mặc những chiếc áo cộc tay màu hồng rực rỡ đi tranh cử, ông nói với cử tri rằng kinh nghiệm ca hát của ông là sự chuẩn bị tốt cho việc tranh cử. “Trong âm nhạc, bạn muốn làm hài lòng những người hâm mộ bạn. Nhưng nhiều khi điều đó rất gây tranh cãi... Còn trong chính trị, bạn phải là người có trách nhiệm” – ông nói với hãng tin Mỹ AFP.
Tự nhận mình là người “mới bước vào nghề”, Martelly hứa sẽ tạo nên sự thay đổi sâu rộng ở Haiti như không thu học phí đối với trẻ em, mở ra các cơ hội kinh tế để tạo việc làm. Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện được những điều đó thì vẫn là điều bí mật.
Theo Lao Động