Từ cao nguyên Bolaven đến dòng Sông Bé - Bài 3  

Cập nhật: 28-06-2023 | 10:35:00

Bài 3: Như đang ở trên quê hương mình!

(BDO) Chọn Việt Nam là điểm đến, trong đó có Bình Dương, nhiều du học sinh Lào đã có cơ hội để học tập thêm nhiều kiến thức, tìm hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam. Trải qua các thế hệ, những du học sinh Lào đã, đang thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, sẽ là cầu nối nuôi dưỡng tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Sinh viên Lào tham gia hoạt động tình nguyện Bước chân vì cộng đồng tại Bình Dương (ảnh: CLB Hội Hữu nghị Việt Lào ĐH TDM)

“Người Việt dễ thương”

Một ngày nắng đẹp, từ kí túc xá ở miễn phí dành cho du học sinh, Manibod Soukkhita, Khattiyavong… và nhiều du học sinh đến từ đất nước triệu voi bon bon trên chiếc xe máy để tới trường. 

Trong tiết học hôm đó, chúng tôi chẳng nhận ra sự khác biệt nào giữa các sinh viên Lào cũng như sinh viên Việt Nam. Từ ngoại hình cho đến cách các bạn sôi nổi trong học tập. Nếu không gọi tên, chúng tôi thật sự không biết ai là người chúng tôi muốn tìm đến. Cũng bởi, Việt - Lào không chỉ là hai nước láng giềng, mà còn là “hai nước anh em, đồng chí”.

Tay chép bài, ánh mắt chăm chú theo dõi giảng viên, Manibod Soukkhita ghi ghi, chép chép, hăng say với môn học. Sinh ra trong gia đình làm nông ở tỉnh Champasak, một vùng quê bình yên và vô cùng tươi đẹp, nên tuổi thơ Manibod Soukkhita, (sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Thủ Dầu Một) cũng yên bình như chính quê hương mình. Qua tìm hiểu về môi trường học tập tại Việt Nam từ các lớp anh chị đi trước, bằng sự nỗ lực của mình, em đã đủ điều kiện để sang Việt Nam học tập vào năm 2019.

Kể về một lần được nhóm bạn người Việt dẫn đi chơi ở Làng tre Phú An (xã Phú An, TX.Bến Cát), Manibod Soukkhita đã phải trầm trồ trước vẻ đẹp của hàng ngàn bụi tre với nhiều giống loài khác nhau. Manibod Soukkhita cũng bất ngờ được biết, đây là khu bảo tồn hệ sinh thái tre xanh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Những ngày đầu bỡ ngỡ, khó khăn vì khác biệt về ngôn ngữ, giao tiếp trong sinh hoạt hằng ngày của cô sinh viên Manibod Soukkhita, dần dần đã được bù đắp bởi tình yêu thương của con người Việt Nam. Theo Manibod Soukkhita: “Người Việt rất tuyệt vời, ai cũng thân thiện, hòa đồng và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi. Nhất là bạn bè người Việt Nam cùng lớp, cùng khoa của trường luôn hỗ trợ chúng tôi rất nhiệt tình trong các vấn đề về đời sống cũng như học tập...”.

Trở thành hướng dẫn viên du lịch

Còn đối với Khattiyavong (sinh viên năm nhất, Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Thủ Dầu Một), mặc dù mới qua Việt Nam hơn 1 năm, nhưng Khattiyavong đã không ngần ngại trở thành một “hướng dẫn viên du lịch” cho một bạn sinh viên Việt ở ngoài tỉnh. 

Du học sinh Lào có cơ hội để học tập thêm nhiều kiến thức, tìm hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam.

Khattiyavong cho biết: “Bên cạnh là một tỉnh công nghiệp sôi động, Bình Dương cũng có nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Do mới qua nên em tranh thủ thời gian tìm hiểu nhiều địa điểm thú vị của Bình Dương. Em đã từng dẫn bạn đi chơi ở Công viên Bạch Đằng, các khu du lịch sinh thái, khu du lịch văn hóa... ở Bình Dương. Đây cũng là cơ hội để em giao lưu và kết bạn thêm nhiều bạn bè, hiểu hơn về con người, văn hóa các vùng miền của Việt Nam”. 

Trong các cuộc gọi với gia đình hàng ngày, Khattiyavong cũng luôn miệng khen “người Việt dễ thương lắm”. Mỗi dịp đón xuân tại Việt Nam, Câu lạc bộ Hữu Nghị Việt – Lào đã phối hợp cùng Câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt tổ chức chương trình giao lưu văn hóa đón Xuân Việt – Lào cho các bạn sinh viên Lào đang học tập tại trường Đại học Thủ Dầu Một. Các bạn sinh viên Lào và sinh viên Việt Nam đã được vui chơi, giao lưu văn hóa sôi nổi như hát đối đáp, thử tài chế biến ẩm thực truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian, tìm hiểu về phong tục tập quán và văn hóa ngày tết của hai nước,… 

Sinh viên Lào chụp hình lưu niệm cùng Ban giám hiệu Trường Đại học Thủ Dầu Một (ảnh: CLB Hội Hữu nghị Việt Lào ĐH TDM)

Nhiều năm gần đây, các bạn sinh viên Lào đều ở lại đón tết cổ truyền Việt Nam tại Bình Dương, cùng với thầy cô và sinh viên trường tham gia nhiều hoạt động vui tết truyền thống an toàn, đậm tình anh em, thắm nghĩa vuông tròn... 

Hàng năm, khi đến ngày tết cổ truyền dân tộc Lào – Tết BunPiMay, lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương, lãnh đạo trường Đại học Thủ Dầu Một, đại diện phòng Hợp tác Quốc tế và Đoàn trường Đại học Thủ Dầu Một luôn tạo điều kiện đến thăm và chung vui cùng các bạn học viên, sinh viên Lào đang theo học tại trường Đại học Thủ Dầu Một. Giữa tiếng nhạc truyền thống của đất nước Lào, điệu múa lăm vông và cả những bài hát về Việt Nam được cất lên mang đến không khí tết đầm ấm và thắm tình hữu nghị. 

NHÓM PV

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=233
Quay lên trên