Trong buổi hội thảo chuyên đề quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2030, Viện Năng lượng quốc gia đã cảnh báo nguy cơ thiếu điện trong các năm 2014-2016 tại miền Nam nếu không có nguồn điện dự phòng. Trong khi đó, đứng trước sự khó khăn chung của nền kinh tế, Bình Dương vẫn vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư vốn FDI. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện thời gian tới có xu hướng sẽ tăng lên. Việc xây dựng, thực hiện chương trình tiết kiệm điện (TKĐ) và sử dụng hiệu quả là điều không thể chậm trễ. Ý thức thay đổi đèn tiết kiệm điện góp phần giảm chi phí của DN. Trong ảnh: Công ty Poongin Vina đã thực hiện thay đổi bóng đèn TKĐ trong nhà xưởng sản xuất
Nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh
Trên địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp lớn với nhiều doanh nghiệp (DN) trọng điểm, tổng lượng điện năng tiêu thụ tại Bình Dương hàng năm là rất lớn. Các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả chính là chiến lược quan trọng giúp Bình Dương nhanh chóng phát triển kinh tế, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Theo đề án UBND tỉnh trình Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 39 KCN tập trung với tổng diện tích quy hoạch là 19.456,86 ha. Hiện tại, tỉnh đã có 28 KCN với tổng diện tích đất quy hoạch 9.073 ha, với 26 KCN đã chính thức đi vào hoạt động và thu hút đầu tư (lấp kín 56,7% diện tích), trong đó có 6 KCN đạt tỷ lệ lấp kín 100% là VSIP I, Sóng Thần 1, Đồng An, Việt Hương, Tân Đông Hiệp A, Mỹ Phước II.
Theo số liệu báo cáo từ Sở Công Thương, đến tháng 5-2012 trên địa bàn có 14.716 DN với khoảng 117 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, sản lượng điện tiêu thụ tại Bình Dương luôn ở mức tăng bình quân khoảng 15%/năm. Trong đó, ngành nghề đầu tư trong các KCN rất đa dạng: khoảng 30% số dự án đầu tư vào các ngành: dệt, may, da giày và chế biến gỗ; các ngành hóa chất (gồm cả hóa dược), cao su chiếm 26%; luyện kim và sản phẩm kim loại chiếm 6%, cơ khí chế tạo, điện tử: 20%, chế biến thực phẩm 7%. Trong năm 2011, sản lượng điện thương phẩm của điện lực Bình Dương đạt 5.760 triệu kWh, tăng 8,96% so với năm 2010, tỷ lệ điện dùng để phân phối điện đạt 3,79%, thấp hơn 0,08% so kế hoạch, giảm 0,16% so với năm 2010. Trong 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng điện thương phẩm thực hiện hơn 2.673 triệu kWh, đạt 49,69% kế hoạch năm, tăng 10,63% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, sản lượng điện thương phẩm cung ứng cho công nghiệp tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2011, chiếm tỷ trọng 81,3%. Trong giai đoạn tới với việc phát triển các khu, cụm công nghiệp thì số lượng doanh nghiệp sẽ gia tăng và nhu cầu sử dụng điện đòi hỏi ngày một cao hơn.
Nếu như năm 2010 và 2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thiếu điện trầm trọng, điện cho sinh hoạt phải cắt triền miên để dành cho ổn định sản xuất thì năm 2012 lại tương đối ổn định do hầu hết các hồ thủy điện có thể tích nước đến mức cao vào cuối năm 2011. Bên cạnh đó, hệ thống điện được bổ sung thêm các nguồn mới góp phần đáp ứng nhu cầu điện mùa khô... Với Bình Dương, tuy nhu cầu sử dụng điện có xu hướng tăng nhanh nhưng một đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực tỉnh đã khẳng định lượng điện cung ứng trong năm 2012 là đủ. Một phần nguyên nhân do nguồn điện cung ứng từ EVN tạm thời chưa thừa nhưng không thiếu, một phần do kinh tế suy giảm, một vài doanh nghiệp vì không có đơn đặt hàng đã tạm ngưng sản xuất...
Cảnh báo thiếu điện trong các năm tới
Theo thông tin từ EVN thì khu vực phía Nam sẽ thiếu điện trong giai đoạn 2014-2016. Do khu vực này không có nguồn điện dự phòng và hiện phải tải khoảng 11% lượng điện từ miền Bắc vào nên các tỉnh, thành phía Nam có thể bị cắt điện trong năm 2013 nếu các điều kiện không được bảo đảm. Việc triển khai xây dựng thêm đường dây truyền tải có nguy cơ chậm tiến độ do khâu giải phóng mặt bằng bị vướng ở cả địa bàn 6 tỉnh, thành mà đường dây đi qua gồm Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM. Hơn nữa, một số tỉnh biên giới lại ký các thỏa thuận mới bán điện cho Campuchia nên tình trạng cung ứng điện cho các tỉnh miền Nam những năm tới càng gặp khó khăn.
Trong khi đó qua nghiên cứu, khảo sát tại một số DN sản xuất công nghiệp thì tổn thất điện năng là rất lớn mặc dù chưa được thống kê một cách chính xác. Trước thực tế trên, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/2011/CT-UBND về việc tăng cường TKĐ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể đối với các DN sản xuất phải xây dựng các giải pháp TKĐ hiệu quả, bảo đảm sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ công suất lớn như: các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí... vào giờ cao điểm, không để các thiết bị điện hoạt động không tải; Thay thế dần các loại đèn chiếu sáng hiện đang sử dụng bằng loại đèn tiết kiệm điện hơn (như thay đèn tròn bằng đèn huỳnh quang hiệu suất cao T8, T5 hoặc đèn compact); khi trang bị mới, chỉ sử dụng những thiết bị tiết kiệm điện; Tắt các thiết bị điện và đèn chiếu sáng không cần thiết trong thời gian nghỉ giữa ca sản xuất...
Trao đổi với ông Ngô Thanh Tân, Trưởng phòng Quản lý điện lực Sở Công Thương được biết, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ kiểm toán năng lượng và các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho DN trên địa bàn giai đoạn 2011- 2015. Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ kiểm toán năng lượng và lập báo cáo khả thi đề xuất các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng cho DN; hỗ trợ các DN xây dựng, ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tối ưu vào sản xuất - kinh doanh. Trong đó, chương trình sẽ hỗ trợ thực hiện trên 200 DN, tối đa không quá 50 triệu đồng cho một tổ chức/DN, ưu tiên DN vừa và nhỏ. Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm bắt buộc phải kiểm toán năng lượng.
Cũng theo ông Tân, phòng quản lý điện năng thời gian qua đã phát động, tuyên truyền luật, tổ chức hội thảo, mời một số đơn vị cung ứng thiết bị TKĐ trao đổi với các DN để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả. Nhưng điều quan trọng vẫn là ở ý thức của từng DN. Bên cạnh một số biện pháp khác, tiết kiệm năng lượng chính là một biện pháp để giảm giá thành. Khi hệ thống quản lý của DN được nâng cao, các nguyên vật liệu khác sẽ được tiết kiệm hơn, chất lượng sản phẩm sẽ cao hơn và từ đó, tính cạnh tranh của DN sẽ mạnh hơn.
Cần xây dựng hệ thống quản lý năng lượng bền vững
Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định bắt buộc các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải triển khai hệ thống mạng lưới quản lý năng lượng và người quản lý năng lượng. Vì vậy, để tuân thủ pháp luật đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất, DN rất cần những người quản lý năng lượng. Lực lượng này sẽ xây dựng hệ thống quản lý năng lượng bền vững mang tính đầu tư ít nhưng lại đạt được hiệu quả lâu dài. Ngoài ra, còn giúp DN tuân thủ luật đồng thời đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng hệ thống quản lý năng lượng bền vững.
Lê Thanh