Tự hào làng gốm sứ Tân Phước Khánh

Thứ năm, ngày 24/11/2022
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Nghề gốm sứ xuất hiện ở Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên) từ giữa thế kỷ XVII khi một thương nhân người Hoa tình cờ đến TX.Tân Uyên và phát hiện ra loại đất quý màu trắng có thể làm gốm. Ông đã định cư rồi đưa nhiều người đến đây cùng mở các lò sản xuất gốm sứ dọc theo con suối Hố Đại. Đến đầu những năm 30 của thế kỷ XX, Tân Phước Khánh đã có khoảng hơn 10 lò gốm thủ công với các sản phẩm bát, đĩa, ấm chén, chậu hoa, chân đèn, bình, lọ, tượng người, tượng thú, đôn hình con voi…, thường là kích thước vừa và nhỏ. Nét đặc trưng của gốm sứ Tân Phước Khánh vào thời bấy giờ là đều được tráng men với màu sắc da lươn hoặc xanh lục đậu. Còn ngày nay, men có thêm nhiều màu sắc khác nhau tùy theo yêu cầu của người tiêu dùng.


Những dòng gốm xưa mộc mạc của Cơ sở Tuyền Phát được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: HỒNG THUẬN

Để tồn tại và phát triển giữa thời đại kinh tế khó khăn, cạnh tranh mạnh mẽ giữa các quốc gia là một điều thách thức cực kỳ khó đối với các làng gốm sứ lâu đời Tân Phước Khánh. Đến ngày hôm nay, làng gốm sứ này vẫn giữ truyền thống làm gốm sứ thủ công. Không những vậy, những người làm gốm sứ nơi đây luôn mang trong mình một sự nhiệt huyết, không sợ hãi trước khó khăn, thử thách, sẵn sàng hứng chịu nắng mưa để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của làng. Tuy nhiên, làm gốm theo cách thủ công truyền thống năng suất thường thấp hơn phương pháp sản xuất hiện đại. Thế nên hiện nay, một số cơ sở nghề gốm ở Tân Phước Khánh cũng đã chuyển đổi, phát triển máy móc tự động hóa, giúp năng suất tăng cao.

Các cơ sở sản xuất gốm sứ Tân Phước Khánh hiện nay sản xuất gốm sứ theo hai dòng sản phẩm: Gốm sứ dùng trong sinh hoạt và gốm sứ mỹ nghệ. Ngoài thị trường tiêu thụ tại địa phương và trong nước, sản phẩm gốm sứ Tân Phước Khánh cũng được xuất khẩu đi các nước. Vì thế, từ lâu các sản phẩm của làng nghề đã có pha trộn giữa truyền thống Việt Nam, Á đông và phương Tây để phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Cơ sở gốm sứ xuất khẩu Vạn Phú tọa lạc tại khu phố Bình Hòa 1 là một trong những doanh nghiệp sản xuất gốm sứ lâu đời được thành lập từ năm 1990. Cơ sở gốm sứ Vạn Phú chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công để sản xuất dòng gốm sứ mỹ nghệ. Lò nung dùng ở cơ sở này là lò nguyên liệu gas, thời gian nung sản phẩm gốm chỉ từ 10-17 tiếng, tiết kiệm thời gian hơn so với lò nung bằng củi và hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong khi đó Cơ sở gốm Thành Phát cũng tọa lạc tại khu phố Bình Hòa 1 được thành lập từ năm 1983 và là một trong số ít những lò gốm còn hoạt động ở Tân Uyên sử dụng phương pháp sản xuất truyền thống và dùng lò nung bằng nguyên liệu củi. Các sản phẩm gốm sứ của cơ sở này chủ yếu dùng trong sinh hoạt như: Chén, dĩa, tô… có giá thành khá bình dân và được tiêu thụ chủ yếu ở trong nước; nhiều nhất là khu vực miền Tây Nam bộ. Sản phẩm gốm sử dụng nước men đơn sắc (một màu trắng hoặc màu trắng ngà) và có họa tiết trang trí khá đơn giản.

Chủ cơ sở sản xuất gốm xưa Tuyền Phát là bà Vương Thị Nguyệt chuyên sản xuất chậu, tô, chén, dĩa, thố… theo phương pháp thủ công, cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng, quán cà phê, cơ sở bán đồ lưu niệm, trang trí ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Từ đó, các sản phẩm gốm xưa bắt đầu ngày càng đến gần hơn với khách hàng. Trong nhiều phiên hội chợ, ngày hội du lịch, những người thợ của cơ sở còn tham gia giới thiệu về quy trình sản xuất và hướng dẫn khách tham gia trải nghiệm làm gốm.

Gốm sứ Tân Phước Khánh dù là dòng gốm bình dân hay dòng gốm mỹ nghệ cao cấp đều đã và đang khẳng định được thương hiệu với những sản phẩm đẹp, chất lượng, chứa đựng những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần quý giá. Là một người con của vùng đất Tân Phước Khánh, tôi luôn hãnh diện về quê hương bản sở của mình đã có một ngành nghề đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mọi người trong nhiều năm qua, đó là làng gốm sứ Tân Phước Khánh.

Báo Bình Dương đang tổ chức cuộc thi thực hiện sản phẩm (video clip) và viết cảm nhận “Tôi yêu Bình Dương”. Cuộc thi được tổ chức từ ngày công bố trên Báo Bình Dương và các mạng xã hội Báo Bình Dương đến ngày 25-11-2022 (tính theo thời gian gửi tác phẩm). Tác giả gửi tác phẩm dự thi phải ghi rõ họ, tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng (nếu có), gửi về: Báo Bình Dương, số 543 Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; email: toasoan@ baobinhduong.vn. Với tác phẩm clip “Tôi yêu Bình Dương” phải có lời bình - kịch bản và clip thành phẩm kèm theo đĩa DVD hoặc USB.

HỒ TƯỜNG (Phường Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh)