Tự hào nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp

Cập nhật: 18-01-2017 | 08:42:32

Chiều 17-1, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), UBND TP.Thủ Dầu Một tổ chức Lễ công bố nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân TP.Thủ Dầu Một, của nhân dân Bình Dương mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn, vun đắp và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha đã xây dựng và trao truyền.

 Gần 100 năm hình thành, phát triển

Ôn lại quá trình hình thành làng nghề, những nghệ nhân “lão làng” nghề sơn mài trong tỉnh cho biết, nghề sơn mài trong tỉnh hình thành khoảng 100 năm nhưng thực tế nó đã có quá trình “thai nghén” hàng trăm năm với tiền đề là nghề mộc, nghề chạm khắc, nghề sơn son thếp vàng... Năm 1927, nghệ nhân Đinh Văn Thành cùng một số sinh viên xuất sắc của trường Mỹ thuật Việt Nam đã pha chế thành công loại sơn cánh gián có khả năng mài và đánh bóng; góp phần hình thành nên một nghề thủ công mới, đó là nghề sơn mài truyền thống.

Ông Đặng Minh Hưng (bên phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng công nhận di sản cho đại diện lãnh đạo thành phố và Hiệp hội Sơn mài Bình Dương.
Ảnh: T.LÝ

Tại Thủ Dầu Một, kỹ thuật sơn mài cũng được những người thợ sơn tiếp nhận và học hỏi. Bên cạnh đó, trường Mỹ nghệ Thực hành Thủ Dầu Một rất chú trọng đến phát triển nghề sơn mài. Chính vì vậy, ngay từ thời kỳ đầu Bình Dương đã có một lực lượng họa sĩ, nghệ nhân sơn mài hùng hậu, tiêu biểu như: Châu Văn Trí, Trương Văn Thành, Nguyễn Thanh Lễ, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Tuyền… Những người này, sau khi trở thành thợ cả đã lập ra các xưởng sản xuất gia đình và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động từ nơi khác đến, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghề sơn mài ở Bình Dương và Tương Bình Hiệp.

Đỉnh cao của nghề làm sơn mài ở Bình Dương nói chung là khoảng thời gian từ năm 1945 đến 1975, với hơn 300 hộ làm nghề, trong đó có 10 cơ sở sản xuất lớn, tiêu biểu nhất là Xưởng sơn mài Thành Lễ. Cơ sở này quy tụ được nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong vùng như: Thái Văn Ngôn, Ngô Từ Sâm, Trần Văn Nam… và tạo dựng được thương hiệu sơn mài Bình Dương nổi tiếng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó còn có một số cơ sở khác có quy mô nhỏ hơn nhưng cũng rất có tiếng tăm như: Cơ sở Lương Định Của, Trần Hà, Sông Gianh, Phát Anh, Hồ Hữu Thủ… Mặt hàng sơn mài Bình Dương thời kỳ này đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và có giá trị thương mại cao.

Những năm sau đổi mới, sơn mài Tương Bình Hiệp và các cơ sở sơn mài trong tỉnh tiếp tục có được bước phát triển, sản phẩm sơn mài được xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính ở châu Âu. Tình hình sản xuất sơn mài trở nên sôi động, tấp nập thu hút hơn 80% tổng số hộ dân tại Tương Bình Hiệp tham gia.

Về sau, nghề sơn mài gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế, sức cạnh tranh nên dần mai một. Vực dậy nghề truyền thống, lãnh đạo tỉnh, địa phương đã quan tâm, hỗ trợ để các chủ cơ sở sơn mài vượt qua khó khăn. Do đó, các cơ sở, công ty sản xuất sơn mài Tương Bình Hiệp dần thích ứng nhanh với thị trường và hoạt động có hiệu quả. Tính đến năm 2016, trên địa bàn phường Tương Bình Hiệp có khoảng hơn 50 cơ sở sản xuất sơn mài đang hoạt động, với hơn 500 người làm nghề.

“Chắp cánh” cho nghề

Dịp này, UBND phường Tương Bình Hiệp cũng tổ chức Lễ giỗ tổ nghề sơn mài với phần lễ và phần hội. Trong đó, lễ có nghi thức cúng tổ sư; hội có chương trình văn nghệ đặc sắc phục vụ nhân dân, trưng bày sản phẩm của làng nghề.

Nghệ nhân Lê Bá Linh cho biết, sơn mài ở Tương Bình Hiệp tìm được chỗ đứng vững chắc như ngày nay là nhờ sự đa dạng về nguyên liệu, sự sáng tạo, hài hòa trong cách kết hợp với sự tài hoa và khối óc sáng tạo của các nghệ nhân. Họ thường kết hợp nhiều chất liệu để tạo nên các hiệu ứng thú vị cho sản phẩm. Bên cạnh những loại nguyên liệu cẩn, dát truyền thống như ốc, trai, xà cừ, vỏ trứng… người thợ còn tìm tòi đưa chất liệu mới vào sơn mài như cật tre, vỏ dừa, đá quý, gốm hay các kim loại vàng, bạc, đồng…

Nét đặc sắc trong nghề sơn mài còn được thể hiện trong giá trị văn hóa làng nghề. Người chủ rất thân thiện với thợ của mình, đối với họ dường như tất cả thợ của mình là anh em, con cháu trong nhà. Không chỉ gắn bó với nhau trong giờ làm mà các dịp giỗ tổ hay đám tiệc ma chay, cưới hỏi… họ lại hỗ trợ giúp đỡ cùng nhau, bất kể chủ hay thợ. Mối quan hệ giữa chủ và thợ là một nét đẹp văn hóa rất đáng được trân trọng và giữ gìn.

Để nghề sơn mài tiếp tục phát triển, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các nghệ nhân, các thế hệ tiếp nối truyền thống của cha ông cần kết hợp giữa truyền thống và áp dụng máy móc khoa học kỹ thuật, sáng tạo thêm các mẫu mã, chất liệu nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng, độc đáo và tinh xảo của sơn mài ở Tương Bình Hiệp để đáp ứng yêu cầu của thị trường và nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm; không ngừng chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa của di sản nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo tồn giá trị di sản; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát triển làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và du lịch để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nghề sơn mài và nghề truyền thống một cách bền vững. Các sở, ngành và địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, phát triển và xây dựng nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định cho làng nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp để làm nền tảng cho bảo tồn và phát triển làng nghề.

* Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Phát triển du lịch làng nghề

Được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ giúp những cơ sở sơn mài giới thiệu sản phẩm đến với du khách mà còn là cơ hội phát triển du lịch cho tỉnh. Đây sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài tỉnh tìm hiểu quy trình sản xuất, mua sản phẩm sơn mài. Do đó, để phát triển du lịch làng nghề, Sở VH-TT&DL sẽ chỉ đạo Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh có kế hoạch phối hợp với đơn vị lữ hành xây dựng tour, tuyến đưa du khách đến với làng nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp kết hợp với các làng nghề khác trong tỉnh.

* Bà Nguyễn Thu Cúc, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một: Cùng nhau bảo vệ, phát huy di sản

Tôi mong rằng bước sang giai đoạn mới, chính quyền, các nhà sản xuất kinh doanh, các bậc nghệ nhân và thợ sơn mài sẽ sát cánh bên nhau đề ra một chương trình cụ thể để bảo vệ và phát huy di sản nghề sơn mài. Chính quyền địa phương TP.Thủ Dầu Một sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho công tác lập hồ sơ đa quốc gia, để sơn mài ở Tương Bình Hiệp góp chung với nghề sơn mài Việt Nam sớm trở thành Di sản văn hóa đại diện của nhân loại.

* Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh: Sơn mài Tương Bình Hiệp nhiều nét đặc sắc

Tôi là người nghiên cứu rất kỹ nghề sơn mài của Bình Dương. Bình Dương có nhiều loại hình sơn mài, sơn mài nghệ thuật, sơn mài ứng dụng. Sơn mài Bình Dương, đặc biệt ở Tương Bình Hiệp có sắc thái riêng, điểm khác biệt về chất liệu, nước sơn, nét dân gian trong mỗi tác phẩm. Do đó, sơn mài Bình Dương sẽ càng ngày càng bay cao, bay xa được mọi người ưa chuộng.

* Nghệ nhân Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn: Nỗ lực phát triển ngành nghề

Được công nhận là di sản, chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Từ đây, chúng tôi càng tự hào hơn khi làm, lưu giữ và góp sức phát triển làng nghề. Chúng tôi sẽ tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo hơn để đáp ứng nhu cầu của du khách.

 

 THIÊN LÝ - NHI PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1293
Quay lên trên