Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27- 2) năm nay trong bối cảnh cả nước và thế giới vẫn đang gồng mình chiến đấu với dịch bệnh Covid-19. Trong cuộc chiến này, các y, bác sĩ đã trở thành những người lính trên tuyến đầu, không quản nguy hiểm, ngày đêm trực tiếp có mặt tại các điểm nóng ở bệnh viện cũng như tại các ổ dịch, các cơ sở điều trị, phòng thí nghiệm, các trung tâm cấp cứu để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.
Bác sĩ Trương Trung Nghĩa (giữa) và những người bạn là cựu sinh viên khóa I, trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh
Bác sĩ là chiến sĩ
Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, các y bác sĩ đã thật sự trở thành những người chiến sĩ trên tuyến đầu bởi “Chống dịch như chống giặc”. Xem những thước phim, hình ảnh căng mình chống dịch của các y bác sĩ thời gian qua khiến chúng ta liên tưởng tới các y, bác sĩ trong các cuộc kháng chiến từng xông pha trên chiến trường cứu thương, giành giật lại sự sống cho bộ đội.
Đó cũng là một lý do mà chúng tôi tìm đến trò chuyện với bác sĩ Trương Trung Nghĩa, người đã đi qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. An Điền quê ông (cùng với xã An Tây và Phú An) bị Mỹ thực hiện chính sách “tam sạch”, tức là giết sạch, phá sạch, đốt sạch không còn cây cỏ. Năm 1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền. Anh hai của ông đi tập kết ra Bắc. Bởi lẽ đó, bọn thám báo, gián điểm, chỉ điểm thường xuyên đến nhà đe dọa, “làm tiền”, kể cả việc ép ba má ông kêu anh hai quay về với quốc gia...
Tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng. Vì vậy, đến năm 1958, khi ấy ông tròn 14 tuổi, đã được đưa đi Sài Gòn làm quân báo. Nhiệm vụ của ông lúc bấy giờ là giao liên, đưa thư từ mật cho khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn. Để hoàn thành nhiệm vụ, ông vừa học, vừa làm đủ thứ nghề. Nào là thợ nguội, làm cửa sắt, ống nước, hàn điện..., vừa làm vừa bắt liên lạc với ông Hai Ngâu, xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng Sài Gòn.
Để chuẩn bị cho trận đánh Tua Hai, đầu năm 1960, ông được đưa về quê ở xã An Điền, huyện Bến Cát để theo thầy Sáu Vui, Chín Ngót học cứu thương. Rồi thầy Mười Năng (không đi tập kết mà bám trụ ở miền Nam) dạy cho học y tá. “Thời đó học có sách, có vở, có lý thuyết gì đâu. Các thầy dạy bằng cái tâm. Trò thì cứ nhìn thực tế mà học, mà làm thôi. Học được mấy bữa là được đưa đi phục vụ cho trận đánh Tua Hai ở Tây Ninh”, bác sĩ Trương Trung Nghĩa nhớ lại.
Bước sang năm 1961, ông được đưa vào Công an tỉnh Thủ Dầu Một. Sau đó, năm 1963, ông được điều về Trung ương Cục (R), làm nhiệm vụ phục vụ y tế tại trường Điệp báo (hay còn có tên trường Trinh sát, trường Vũ thuật), rồi phục vụ đường dây đặc biệt của Công an R, từ R đến khu Sài Gòn - Gia Định.
Chiến trường ác liệt, người quân y như ông cũng nếm trải biết bao hiểm nguy. Bác sĩ Trương Trung Nghĩa kể: “Cuối năm 1967, tôi đi học y sĩ ở Ban Quân y R. Để chuẩn bị cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Ban Quân y Đoàn 100 được thành lập và chia ra nhiều đội giải phẫu tiền phương. Tôi cùng đồng chí Công, Châu được phân công trực tiếp cấp cứu tại mặt trận của Sư đoàn 9 đánh vào Sài Gòn (cánh Nam tỉnh Long An). Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân nổ ra, lần đầu tiên tôi chứng kiến, đội phẫu có3 người thì 1 người chết, 1 người bị thương trước mặt mình. Chiến trường năm đó thương binh quá nhiều. Ban ngày, anh em chia ê-kíp mổ cho thương binh, ban đêm thì khiêng các đồng chí hy sinh về bên sông Vàm Cỏ Đông chôn cất...”.
Đến năm 1970, bác sĩ Trương Trung Nghĩa về nhận nhiệm vụ làm trợ lý điều trị và phòng bệnh cho Phòng Y tế Công an R mới thành lập. Chưa được bao lâu, năm 1971, trận càn Đông Dương của Mỹ - ngụy nổ ra (còn gọi là trận càn Lam Sơn 719 đánh thẳng qua Lào, Campuchia), bệnh xá và đội phẫu của Ban An ninh R bị trực thăng địch phát hiện, đánh thẳng vào trạm xá, 4 người hy sinh và 10 người bị thương rất nặng. May mắn thoát chết, ông cùng các y tá khác chạy lo cấp cứu cho thương binh dưới làn đạn, pháo cối của địch. Ngày hôm sau, trên đường hành quân, trạm xá và đội phẫu cũng bị trực thăng đánh tiếp, ác liệt không kém, nhưng nhờ có hầm của đơn vị cũ nên thương binh và nhân viên trú ẩn an toàn.
Chiến trường Phân khu 5 ác liệt, tàn khốc, đau thương bao trùm bởi Mỹ - ngụy rải thảm B52, pháo bầy, biệt kích bao vây căn cứ để chia cắt Chiến khu Đ và Trung ương Cục miền Nam. Tuy nhiên, bất chấp mưa bom, bão đạn của địch, ông cũng như các cán bộ, chiến sĩ của ta vẫn giữ vững khí thế tiến công cách mạng, chiến đấu đến cùng; không có gạo thìăn củ mài, củ chụp, lá rừng... để sống và chiến đấu…
Kể lại câu chuyện của những người thầy thuốc trong chiến trường, bác sĩ Trương Trung Nghĩa xúc động nói: “Thời đó, hệ thống y tế không đào tạo bài bản mà chắp vá, miễn sao phục vụ được cho chiến tranh. Thuốc Streptomycin Pénicilline, nếu thấy không đóng cục là dùng được. Còn thuốc nước ống, cứ thấy không có cặn, không đổi màu là tiêm được, làm gì mà xem hạn date. Ngoài việc lo phục vụ thương bệnh binh, đội ngũ y, bác sĩ còn phải tăng gia sản xuất để nuôi mình và nuôi thương binh. Dù khó khăn, gian khổ nhưng những chàng trai, cô gái ấy luôn hăng say, vui vẻ. Bởi phía trước họ là con đường của Đảng, vì lý tưởng giải phóng dân tộc, khát vọng đất nước được độc lập, thống nhất”.
Tự hào với lý tưởng của Đảng
Hòa bình lập lại, bác sĩ Trương Trung Nghĩa trở lại học ở trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh (khóa đầu tiên sau ngày miền Nam giải phóng). Năm 1979, ông ra trường, về công tác tại Văn phòng Bộ Công an. Đến năm 1980, ông xin về làm Trưởng ban Y tế Trạm xá Công an tỉnh Sông Bé và Phó Phòng Hậu cần Công an Sông Bé. Sau đó, những năm 1983- 1984, ông được điều về làm Phó trưởng Ban Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Sông Bé, quản lý gần 5.000 hồ sơ cán bộ trung cao cấp của tỉnh. Lúc này, ông vừa làm vừa học, bởi chưa có nơi nào có để tham quan học hỏi. Sau 5 tháng hoạt động, trung tâm đã đi vào nề nếp, hoạt động tốt.
Bác sĩ Trương Trung Nghĩa tâm sự: “Năm nay là năm thứ hai ngành y không tổ chức kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Năm 2020, do toàn ngành y tế phải tập trung cao độ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát lúc đó. Năm nay cũng vậy, ngày kỷ niệm không được tổ chức vì tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng chúng tôi rất đỗi tự hào vì năm 2021 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức chọn là năm của thầy thuốc (Year of the Health and care workers) trên toàn thế giới. Năm của thầy thuốc chính là sự ghi nhận của xã hội dành cho các thầy thuốc, trong đó có đội ngũ thầy thuốc Việt Nam khi họ đã nỗ lực hết mình. Họ đã không kể ngày đêm, không kể ngày nghỉ, ngày tết như vừa qua để thực hiện nhiệm vụ chống dịch bệnh Covid-19 như chống giặc, giữ cuộc sống yên bình cho người dân. Dù đã về hưu nhưng bản thân tôi rất tự hào về sự ghi nhận này”.
Với bác sĩ Trương Trung Nghĩa, trải qua nhiều khó khăn, ác liệt của cuộc chiến, ông luôn tự hào rằng đã giữ được y đức của người thầy thuốc: “Thầy thuốc như mẹ hiền”, “Lương y như từ mẫu”... Những Huân chương Độc lập hạng III, Huân chương chống Mỹ hạng I, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú... chính là những phần thưởng cao quý mà bác sĩ Trương Trung Nghĩa đã xứng đáng được nhận. Nhưng với ông, điều tự hào và hạnh phúc nhất vẫn là ông luôn vẹn nguyên một con đường đi theo lý tưởng cao đẹp của Đảng...
“Năm nay là năm thứ hai ngành y không tổ chức kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Năm 2020, do toàn ngành y tế phải tập trung cao độ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát lúc đó. Năm nay cũng vậy, ngày kỷ niệm không được tổ chức vì tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng chúng tôi rất đỗi tự hào vì năm 2021 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức chọn là năm của thầy thuốc (Year of the Health and care workers) trên toàn thế giới. Năm của thầy thuốc chính là sự ghi nhận của xã hội dành cho các thầy thuốc, trong đó có đội ngũ thầy thuốc Việt Nam khi họ đã nỗ lực hết mình...”. (Bác sĩ Trương Trung Nghĩa) |
THU THẢO