Tự hào quân dân y Chiến khu Đ - Bài 1

Cập nhật: 26-02-2015 | 10:19:36

Bài 1: Tình đồng chí thiêng liêng và tình yêu thời chiến…

Cuộc trò chuyện của cô Châu Minh Nguyệt (cán bộ quân dân y (QDY) Chiến khu Đ, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc bà mẹ trẻ em - Kế hoạch hóa gia đình Sở Y tế Sông Bé) thường xuyên bị cắt ngang bởi quá nhiều người hỏi thăm. Bởi, gặp được nhau, ai nấy tay bắt mặt mừng, muốn cùng nhau ôn lại bao chuyện cũ đã qua…

“Đồng chí không được… chết!”

Cô Minh Nguyệt cười hồn hậu: “Nhà báo thông cảm chờ cô nhé chứ gặp được bạn bè, anh chị em cùng vào sinh ra tử quý hóa lắm. Các cô chú đã đi cùng nhau một thời quá khó khăn, gian khổ. Giờ gặp lại hỏi ra mới biết người còn người mất…”. Buổi gặp cán bộ ngành y các thời kỳ mới đây thật tình cảm, nồng ấm như thế. Có người ngậm ngùi tưởng nhớ những người đã cống hiến, đã dìu dắt mình trưởng thành hơn.

Ông Huỳnh Văn Nhị, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Dương, thăm cán bộ QDY Chiến khu Đ nhân dịp Tết Ất Mùi 2015. Ảnh: Q.NHƯ

Cô Châu Minh Nguyệt kể, cô sinh năm 1921, quê ở An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. 25 tuổi, cô được cán bộ ở địa phương hướng dẫn, vận động theo cách mạng. Gia đình cô cũng có các chú theo cách mạng bị địch bắt nên cô càng nung nấu ý chí làm một người con có ích cho quê hương, đất nước. Ngày đầu tham gia cách mạng, cô vào Chi đội 15 của tỉnh Long An, thuộc Trung đoàn 308 - Nguyễn An Ninh. Trong một lần đánh bót Lộc Giang của huyện Đức Hòa, có một chiến sĩ bên lực lượng công an bị thương nặng ở cánh tay trái. Cô Minh Nguyệt cùng 6 anh bộ đội thay nhau chuyển anh thương binh về căn cứ. Gian nan, vất vả mới về đến nơi an toàn nhưng khó khăn mới lại xuất hiện khi anh chiến sĩ khăng khăng đòi chết bởi chịu đau hết nổi và anh không muốn mình thành người tàn phế! Anh không chịu ăn cơm cháo gì cả, không uống thuốc và có ý định hy sinh để không làm gánh nặng cho đồng đội, cho người thân sau này. Cô Minh Nguyệt khi đó đã khuyên nhủ rất nhiều rằng anh không thể chết, rằng người lính phải cứng cỏi hơn, phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng… “Hết lời để khuyên bảo, khích lệ có, động viên có anh ấy vẫn không thay đổi ý định. Tôi chuyển sang… năn nỉ rằng, nếu không cứu sống anh, tôi và lãnh đạo sẽ bị cấp trên phê bình. Vậy mà vẫn không ăn thua. Suốt đêm đó tôi không ngủ và đi đến một quyết định…”, cô Minh Nguyệt chia sẻ.

Và chân thành một tình yêu thời chiến

 Cô Châu Minh Nguyệt trả lời phỏng vấn P.V Báo Bình Dương.  Ảnh: Q.NHƯ

Quyết định của cô là “yêu và cưới” người thương binh sẽ bị mất một cánh tay trái nếu người ấy chịu cưa tay và sống sót. Thế là cô hỏi han về gia cảnh của anh. Anh thương binh Huỳnh Viết Thiệu khi đó mới mở lòng. Rằng ba anh đã đi lấy vợ khác, bản thân anh thì có 4 con nhỏ làm sao sau này nuôi sống con hay lại là gánh nặng cho mọi người. Cô Minh Nguyệt cũng tâm sự chuyện đời mình rằng chồng cô đã hy sinh, cô cũng có con nhỏ rồi đưa ra quyết định “động trời” là tôi sẽ làm vợ anh để cùng chăm lo cho đàn con với điều kiện anh và tôi vẫn ở trong quân ngũ, vẫn đi đến cùng cuộc chiến. Cảm động trước tấm chân tình của cô y tá trẻ, anh thương binh đã đồng ý để cưa tay. “Khi đó gần 6 giờ sáng, tức là tôi phải thuyết phục gần cả đêm anh ấy mới chịu… khuất phục!”, cô Minh Nguyệt tâm sự.

Có được sự đồng ý của người thương binh, cô Minh Nguyệt vội vã báo cáo với lãnh đạo chuẩn bị cho ca… cưa tay bằng cái cưa gỗ của thợ mộc! Không có thuốc tê nên phải “cưa sống”! Để động viên tinh thần người chiến sĩ trong ca phẫu thuật khủng khiếp đó, cô Minh Nguyệt cùng đồng đội đứng vây quanh vừa phụ bác sĩ vừa hát vang bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. Khi bài hát vừa kết thúc thì ca cưa tay đó cũng vừa xong! Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Cô Minh Nguyệt bắt đầu hành trình chăm sóc “người yêu” trong vòng hơn 2 tháng để anh bình phục dần và trở lại chiến đấu. Sau đó, anh làm Trưởng phòng Thương binh của Trung đoàn 308. Đó là năm 1946. Họ đến với nhau trong chiến tranh đơn giản và chân thành như thế. Trong một trận đánh tại Láng Le, Bàu Cò (Long An), anh hy sinh vào năm 1948. Cảm động trước tấm gương hy sinh anh dũng của chồng cô Minh Nguyệt cũng như thương cảm về mối tình của cô, ông chủ lò đường tặng cho cái áo quan bằng gỗ quý khi lấy được xác chồng cô về. Đó là tình quân dân đầm ấm, cao đẹp mà cô từng chứng kiến trong những ngày chiến tranh. Cô Minh Nguyệt lại một mình vừa tham gia cách mạng, vừa nuôi con cho đến năm 30 tuổi, gặp và cưới chú Võ Văn Tiến - người chồng thứ 3 của cô. “Ông Tiến cùng tôi gắn bó những tháng ngày gian khổ trước và sau năm 1975. Sự trưởng thành, tập kết ra Bắc và học ngành y của tôi cũng có sự giúp đỡ thật nhiều từ người chồng này. Năm 1970, tôi tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình và nhận công tác tại vùng Chiến khu Đ. Sau 1975, tôi tiếp tục công tác trong ngành y cho đến năm 1982 thì nghỉ hưu. Năm 2012 ông mất đi để tôi với bao hụt hẫng…”. Giờ thì cô Minh Nguyệt vui niềm vui cùng con cháu và thỉnh thoảng gặp lại bạn bè, đồng nghiệp, đàn em là “chuyện trò mãi không thôi”.

Tình đồng chí, đồng đội của các cô chú từng là cán bộ QDY Chiến khu Đ vẫn nồng nàn, trọn vẹn. Họ vẫn thường nhớ về nhau dù bây giờ mỗi người đều đã có cuộc sống ổn định, đã làm ông, làm bà. Các thành viên Ban Liên lạc cũng thường thăm viếng, lo việc hiếu hỷ cùng nhau hay thăm viếng những người bệnh nằm viện để chia sẻ vui buồn trong cuộc sống…

Bài 2: Vẫn nhớ một thời hào hùng… 

Ban Liên lạc cán bộ QDY Chiến khu Đ qua các thời kỳ tập hợp các cán bộ QDY qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước gồm 7 tỉnh, thành: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và TP.Hồ Chí Minh. Trưởng ban Liên lạc QDY Chiến khu Đ hiện nay là ông Huỳnh Văn Nhị, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Dương. Theo ông Huỳnh Văn Nhị, truyền thống yêu nước, vì dân vì nước của cha ông luôn đáng tự hào. Thế hệ trẻ phải noi gương những người đi trước. Trong đoàn quân ra trận tuyến ngày đó có hàng vạn cán bộ ngành y tế, vai mang túi cứu thương, tay cầm súng, lấy chiến hào làm nơi cấp cứu, lấy địa đạo làm phòng mổ, cố gắng hết mức có thể để giành giật sự sống cho những người bị thương.


QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1886
Quay lên trên