Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Quân giới Việt Nam (15.9.1945 - 15.9.2015), vừa qua, Ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Quân giới tỉnh đã tổ chức họp mặt truyền thống nhằm ôn lại lịch sử hào hùng của ngành, đồng thời để những CCB Quân giới có dịp gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm xưa. Trong không khí ấm tình đồng đội, bao nhiêu ký ức, hồi tưởng lại tràn về...
Đến dự buổi họp mặt, những CCB Quân giới tỉnh ai cũng có chung một niềm xúc động, tự hào. Giờ đây, các CCB Quân giới đã già, da đã nhăn, tóc đã bạc nhưng hồi ức về những năm tháng hào hùng vẫn còn in dấu. Ông Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng ban liên lạc CCB Quân giới tỉnh tự hào cho biết, để bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ trong thời kỳ “ngàn cân treo sợi tóc”, chỉ 5 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra quyết định tổ chức Bộ Tổng tham mưu để trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang cả nước. Đến ngày 15-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị tổ chức Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng, đây là cơ quan cao nhất của ngành quân giới Việt Nam. Từ đó, ngày 15-9 đã trở thành ngày truyền thống của ngành. Ngay sau khi thành lập, Phòng Quân giới đã tổ chức ra các bộ phận sưu tầm nguyên liệu, mua sắm vũ khí, lập ra các bản vẽ kỹ thuật vũ khí quan trọng; đồng thời tổ chức binh xưởng làm nhiệm vụ sản xuất vũ khí.
Các CCB quân giới của tỉnh trong ngày họp mặt truyền thống. Ảnh: T.THẢO
Ở Bình Dương, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta đã có Công binh xưởng của Chi đội 1, tỉnh Thủ Dầu Một. Cùng với sự ra đời, hoạt động của Công binh xưởng với Chi đội 1 làm nòng cốt, đến tổ sửa chữa vũ khí của các đại đội đã dần hình thành phong trào sưu tầm, sửa chữa, sản xuất vũ khí của các huyện, du kích một số xã ở huyện Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát, Tân Uyên... Phong trào quyên góp nhôm, gang, sắt, thép cho xưởng quân giới của tỉnh, huyện sản xuất vũ khí đánh giặc được đông đảo nhân dân trong tỉnh tham gia. Nhiều gia đình đã ủng hộ cả chảo gang nấu đường, nồi đồng, lư đồng... Đây là nguồn sức mạnh to lớn giúp ngành quân giới vượt qua khó khăn trong điều kiện thiếu thốn cả về nguyên vật liệu để sản xuất.
Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành quân giới đã phát triển mạnh mẽ hơn. Năm 1960 khi phong trào Đồng Khởi nổ ra, theo sự chỉ đạo của cấp trên, tháng 2-1960, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thành lập xưởng quân giới tại căn cứ xã Long Nguyên. Xưởng được tổ chức thành nhiều bộ phận, với số lượng hơn 100 đồng chí, có nhiệm vụ sưu tầm, thu gom vật liệu để sản xuất mã tấu, súng tự tạo, các loại mìn trái, lựu đạn... để cung cấp cho lực lượng vũ trang tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Chánh, một CCB quân giới cho biết, những năm kháng chiến ác liệt, xưởng quân giới cũng thường xuyên di chuyển để bảo đảm an toàn. Từ căn cứ Long Nguyên, chuyển lên Thanh Tuyền, rồi Thị Tính. Để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất vũ khí tự tạo, từ tỉnh, huyện đến các tổ sản xuất vũ khí của các xã có hàng ngàn cơ sở quần chúng từ huyện đến xã, đến các sở cao su, đồng bào vùng nông thôn để tham gia mua nguyên vật liệu, hóa chất, thu lượm từ tấm tôn, từng trái cối, pháo lép, từng cây cột hàng rào ấp chiến lược... Họ chẳng tiếc công, tiếc của và có khi chấp nhận cả sự hy sinh cho nhiệm vụ. Và có một thời gian dài phần lớn nguyên vật liệu nhờ dân giúp đỡ. Từ phong trào sản xuất vũ khí tự tạo đã thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích của tỉnh phát triển và phát huy thế trận chiến tranh nhân dân “Thiên la địa võng đối với kẻ thù”. Vì vậy mà từ đội quân viễn chinh Pháp, đến những đơn vị sừng sỏ như Sư đoàn Bộ binh số 1 của Mỹ “Anh cả đỏ”, Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới”, Sư đoàn “Kỵ binh bay”... đều khiếp sợ trước hầm chông, hố đinh, mìn tự tạo từ “FT”, “Bê ta”... đến mìn DH, mìn đạp lôi... của du kích, bộ đội địa phương huyện, tỉnh sử dụng đánh địch.
Những CCB ngành quân giới của tỉnh năm xưa giờ đã nghỉ hưu trở về cuộc sống đời thường nhưng vẫn giữ mãi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong phát triển kinh tế, giáo dục thế hệ trẻ. Và dù trong hoàn cảnh nào, những CCB quân giới cũng luôn phát huy truyền thống “Trung thành, sáng tạo, anh dũng vượt qua khó khăn”, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
Trong hoàn cảnh khó khăn của chiến trường ác liệt, những cán bộ, chiến sĩ ngành quân giới của tỉnh luôn tích cực chủ động nghiên cứu, học tập, tổ chức sản xuất các loại vũ khí phù hợp với điều kiện thực tế. Từ việc sửa chữa các loại súng thu được của địch, những viên đạn bị hư hỏng, mìn, trái lép của địch thu lượm được đến sản xuất ra những trái có sức công phá lớn như mìn DH, thủy lôi, bộc phá... đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
THU THẢO