Tự hào vì em, cô cử nhân điều dưỡng

Cập nhật: 29-10-2021 | 15:37:26

(BDO) Ngày nhận em Phạm Thị Cẩm An (nữ điều dưỡng) về khoa, tôi thật sự ái ngại vì em có dáng hình nhỏ bé, mảnh khảnh không biết có đủ sức khỏe hay không? Nhưng rồi cái cảm giác đó nhanh chóng tan biến khi chứng kiến em làm việc, thay vào đó là ấn tượng về một cô điều dưỡng lanh lợi, xông xáo và giỏi việc. 


Tập thể Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Em cứ cần mẫn, đi sớm về trễ, quán xuyến và hoàn thành tốt tất cả các công việc mà trưởng khoa giao phó. Những việc gì giao cho em tôi luôn cảm thấy an tâm vì em luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. 

Cho đến khi đại dịch xảy ra, bản chất và con người em một lần nữa lại được phát huy một cách cao độ, qua những lời đồng nghiệp cùng phục vụ trong Phú Chánh kể về em, tôi lại càng thêm ấn tượng, tự hào, và khi nhận được lá thư cảm ơn của bệnh nhân, một trong những người mà nhờ sự tận tụy, ân cần của những người như em đã tiếp thêm động lực tinh thần. Đó là yếu tố quan trọng giúp cho người bệnh lạc quan để chiến thắng Covid thành hiện thực. Điều đó càng trân quý hơn nữa khi mỗi ngày người bệnh phải vừa chiến đấu với căn bệnh, lại vừa phải chứng kiến ngay bên cạnh mình có biết bao nhiêu bệnh nhân đã ra đi mãi mãi. Thật sự, tôi không thể kìm nén được cảm xúc của mình, đó chính là lý do mà tôi có vài dòng muốn chia sẻ cùng quý độc giả.  


Cử nhân Điều dưỡng Phạm Thị Cẩm An

Đại dịch Covid xảy ra và tràn vào bệnh viện, nơi mà chúng tôi dù đã được tập huấn, được chuẩn bị trước đó nhưng vẫn không khỏi bối rối vì quy mô và mức độ diễn tiến của những ca bệnh nặng. Thế rồi, chúng tôi lần lượt thay phiên nhau lên đường vào Phú Chánh, khu tập trung điều trị những bệnh nhân Covid trung bình và nặng của tỉnh để đương đầu với dịch bệnh và giành lại sự sống cho bệnh nhân. 


Thư cảm ơn của bệnh nhân

Những câu chuyện về những chiến sĩ áo trắng, về sự gian khó mà họ phải đối mặt như nóng nực, ngứa ngáy trong bộ đồ trang phục bảo hộ ngột ngạt, cơm không đúng bữa vì để làm cho hết ca, hết việc thì bữa trưa cũng đã thành bữa chiều, bữa chiều thì thành bữa tối, rồi những áp lực công việc khi những ngày đầu, lượng bệnh nhân quá tải, tổ chức chưa hoàn thiện, công việc chưa quen... khó có thể kể hết bằng lời. Rồi trang thiết bị thiếu thốn, cơ sở vật chất thì không đáp ứng kịp khi lượng bệnh nhân tăng nhanh, vấn đề vệ sinh, khử khuẩn, dinh dưỡng người bệnh…, về những mất mát, thương đau của bệnh nhân và gia đình họ, tất cả đã viết lên những câu chuyện thật cảm động về bệnh nhân và nhân viên y tế tuyến đầu. 

Em cũng như một số nhân viên khác, tham gia chống dịch ngay từ những ngày đầu, là những ngày mà sự vất vả, khó khăn còn đang chồng chất. Ngày đầu tiên em vào làm, mọi thứ còn đang rất bỡ ngỡ, dù em đã từng làm điều dưỡng khoa cấp cứu vài năm trước nhưng trước mắt em bây giờ là cả hơn trăm bệnh nhân nặng cần chăm sóc tích cực. Em bắt đầu từ việc chăm cho bệnh nhân ăn từng miếng cháo, uống từng ngụm nước, xoay trở, vệ sinh cho tới nhập máy… Nhưng không một chút ngần ngại, em lao vào công việc với tất cả lương tâm và trách nhiệm của mình. Ngày đầu tiên, công việc bắt đầu từ lúc giờ trưa tới khi tạm xong việc, đổi ca thì trời đã khuya. Phần cơm chiều của em đã nguội, em cũng chỉ ăn vài miếng bánh, uống hộp sữa và nghỉ ngơi chuẩn bị cho công việc ngày mai còn vất vả hơn nữa. Cứ thế, công việc cuốn em đi, ăn uống hay nghỉ ngơi gần như em không màng tới. Em vốn đã là một cô gái nhỏ nhắn, gầy yếu nên khi nghe đồng nghiệp phản ánh như vậy thì tôi rất lo, liên tục nhắc nhở em phải làm vừa sức, lo ăn uống giữ gìn sức khỏe để đảm bảo phục vụ lâu dài. Nhắc thì nhắc vậy thôi, nhưng tôi biết với bản tính ham việc, thương người nên em cũng vẫn sẽ làm với hơn 200% công suất của mình. 

Hoàn thành nhiệm vụ, đến lượt em đổi ca và kết quả test PCR âm tính trước khi trở lại bệnh viện với công việc thường nhật trước đây tôi mừng không kể siết. Mừng vì lo với thể trạng của em nếu nhiễm Covid thì không biết có nguy cơ trở nặng hay không? Mừng vì em đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc mà vẫn không để gánh nặng cho đồng nghiệp của mình...

Khi nhận lá thư cảm ơn của bệnh nhân, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần và rất cảm động. Cảm ơn em vì những gì em đã làm để góp phần cứu sống người bệnh, cảm ơn em vì “một tấm lòng lớn trong dáng người bé nhỏ”, cảm ơn em vì em là một thành viên của Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh Viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Trung Nhựt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên