Những năm gần đây, phong trào tự làm đồ dùng dạy học (ĐDDH) được các cô giáo ở các trường mầm non (MN) hưởng ứng tích cực. Việc tự làm ĐDDH đã góp phần làm tiết học phong phú và hiệu quả hơn, đồng thời tiết kiệm được chi phí mua sắm trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, nếu quá đặt nặng việc làm ĐDDH lên các giáo viên (GV), vô hình chung lại gây áp lực cho GV cũng như gây lãng phí cho các trường.
Sáng tạo từ những đồ phế phẩm
Các phụ huynh có con học mẫu giáo, MN ai cũng ít nhiều được các cô giáo hỏi xin các loại tranh ảnh, sách báo, lịch cũ thậm chí cả những phế phẩm như lon bia, nước ngọt, hộp sữa, hộp bánh... Bởi với người khác đó là những thứ bỏ đi, nhưng với các cô giáo MN, những vật dụng này rất quý giá và được các cô tận dụng tối đa trong việc làm ĐDDH cho các cháu.
Với những ĐDDH sinh động do các cô tự làm, bài giảng sẽ được trẻ tiếp thu nhanh hơn
Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, GV, nhà giáo ưu tú của trường MN Võ Thị Sáu (Dĩ An) rất chú trọng việc sưu tầm, góp nhặt lại những vật dụng cũ để dùng làm ĐDDH. Các vỏ hộp sữa, hộp bánh, sách báo cũ... đều được cô cẩn thận xếp vào hộp hoặc cho vào túi nilon. Từ những thứ bỏ đi này, cô Oanh nghĩ ra những món đồ chơi, ĐDDH vui mắt nhưng cũng không kém phần hữu ích để phục vụ thiết thực cho việc dạy học và tổ chức các hoạt động vui chơi của trẻ.
Không chỉ riêng cô Oanh mà hầu hết GVMN trong tỉnh đều có ý thức tìm tòi những vật dụng cũ trong cuộc sống hàng ngày để làm ĐDDH, vừa tiết kiệm việc mua sắm ĐDDH vừa biến những thứ này trở nên có ích. Kể từ khi vận dụng nội dung thực hành tiết kiệm theo tinh thần cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì phong trào tự làm ĐDDH trong các trường MN càng trở nên có ý nghĩa hơn. Cô Nguyễn Thị Hồng, GV trường MN Hoa Cúc 1 (Thuận An) chia sẻ: “ Chúng tôi tận dụng những tranh ảnh, sách báo và các đồ cũ để làm ĐDDH không chỉ tiết kiệm cho bản thân tôi, cho nhà trường, phụ huynh mà còn chống lãng phí cho toàn xã hội. Thấy các em thích thú với những hình sống động trong mỗi tiết giảng đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi cố gắng không ngừng sáng tạo ra những ĐDDH hữu ích”.
Coi chừng lãng phí
Để tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả phong trào làm ĐDDH trong nhà trường, năm 2010, Bộ GD-ĐT đã triển khai xây dựng Đề án “Phát triển thiết bị dạy học tự làm cấp học MN, phổ thông”. Theo đó, trong giai đoạn 2010-2011, mỗi trường MN tham gia thí điểm sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án “Phát triển thiết bị dạy học tự làm” là 700 tỷ đồng và triển khai từ 2010-2014, trong đó phần kinh phí hỗ trợ trực tiếp các hoạt động tại trường học chiếm phần lớn. Trong hai năm 2010 và 2011, mỗi trường MN tham gia thí điểm sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng, tiểu học 15 triệu đồng, THCS 20 triệu đồng, THPT 25 triệu đồng. Trong giai đoạn tiếp theo, mức hỗ trợ này sẽ được triển khai đại trà ở 3.950 trường MN, 15.000 trường tiểu học, 669 trường PTCS, 9.868 THCS, 1.735 trường THPT.
Ở bậc học MN, cùng với những thiết bị dạy học tối thiểu được trang bị hàng năm, nhiều GV thời gian qua đã tận dụng những vật liệu sẵn có để “chế” ĐDDH... Phần lớn các trường hiện nay đều phải tự làm ĐDDH để phục vụ giảng dạy. Có trường phải huy động phụ huynh ủng hộ nguyên liệu hoặc kinh phí để làm ĐDDH. Nhưng, theo GV nhiều trường thì không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện hỗ trợ và phối hợp cùng GV. Và để những tiết học thêm linh động và phong phú, thì các cô giáo vẫn thường xuyên tự làm ĐDDH cho các học sinh của mình. Tuy nhiên, sau khi có đề án từ Bộ GD-ĐT, công việc này lại trở thành áp lực đối với nhiều trường. Như vậy, với đồng lương ít ỏi, giờ làm việc quá tải, GVMN lại tiếp tục chịu thêm áp lực khi “gánh” thêm nhiệm vụ làm ĐDDH. Nhiều GV lo ngại sẽ lao vào cuộc đua thành tích khi phải tham gia các hội thi đồ dùng dạy học theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Phong trào tự làm ĐDDH đã phát triển rộng khắp trong cả nước. Tuy nhiên, đây chủ yếu vẫn là công việc mang tính tự phát, ít có những đơn vị có cơ chế chính sách hay chỉ đạo thường xuyên. Công việc này cũng làm mất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc của GV, mà nếu không có lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với học trò thì sẽ khó có thể lao tâm khổ tứ vì nó. Chưa kể những khó khăn khách quan khác như thiếu kinh phí để mua nguyên vật liệu, độ bền của ĐDDH tự làm chưa cao, khả năng của GV còn hạn chế, chế độ khuyến khích, khen thưởng lại chưa hoàn toàn xứng đáng với tâm lực của GV.
Thiết nghĩ, đề án trên của Bộ GD-ĐT sẽ khuyến khích GV tăng cường tự làm đồ dùng dạy học với sự hỗ trợ từ phía bộ. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, làm đồ dùng dạy học là để phục vụ tiết học hiệu quả hơn và tiết kiệm phần nào chi phí mua sắm trang thiết bị dạy học, chứ không phải để thi thố trường này, trường kia hay chạy theo thành tích. Do đó, nếu không khéo, đề án này vô hình chung sẽ gây áp lực cho GV và đặt nặng vấn đề thành tích thi đua cũng như gây lãng phí cho các trường.
NGỌC THANH