> Bài 1: Tháng năm về thăm quê Người
> Bài 2: Bác Hồ ở ATK
Cao Bằng, vùng đất địa đầu của Tổ quốc vinh dự là nơi đầu tiên đón Bác trở về sau 30 năm Người bôn ba đi tìm đường cứu nước. Năm 1941, khi về nước Bác và một số đồng chí đã chọn Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng làm nơi dừng chân xây dựng căn cứ địa cách mạng. Trong những ngày đầu hoạt động cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, Người cùng ăn, cùng ở với đồng bào các dân tộc thiểu số Pác Bó. Vì thế, tình cảm của Bác đối với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây hết sức chân thành, không chỉ là tình cảm của vị lãnh tụ đối với đồng bào cả nước mà còn là sự tri ân đối với đồng bào đã đùm bọc, chở che Người trong những tháng ngày gian lao, vất vả. Sau này, Bác đã xem Cao Bằng là quê hương thứ hai của mình…
Pác Bó đón Bác về
Từ TP.Thái Nguyên chúng tôi đi theo quốc lộ 3, qua Bắc Cạn để đến với Cao Bằng. Trước đó, một người bạn ở Hà Nội từng du ngoạn về vùng đất này tiết lộ rằng, lên Cao Bằng vào mỗi mùa đều có thể cảm nhận được những vẻ đẹp riêng; song, khoảng thời gian đẹp nhất để đến Cao Bằng là vào tháng 8, 9, khi thác Bản Giốc đầy nước trong xanh và vào tháng 11, 12 khi hoa tam giác mạch và hoa dã quỳ nở khắp núi rừng…
Cột mốc 108, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên về nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước
Thế nhưng, chuyến đi lần này của chúng tôi lại không phải để thưởng lãm những cảnh quan kỳ thú ấy mà là một chuyến về nguồn, tìm đến những nơi in dấu chân Bác trong suốt khoảng thời gian hoạt động cách mạng tại đây. Sau khi đến huyện Nguyên Bình, thăm khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân theo chỉ thị của Bác; chúng tôi trải qua hành trình gần 100km, ngược lên huyện Hà Quảng, tìm về Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Theo như diễn giải của người dân bản địa, Pác Bó có nghĩa là đầu nguồn nước. Nơi đây có dòng suối lớn, nước trong vắt, thoát ra từ hang núi đá lớn, Bác đặt tên là suối Lênin. Hang đá Cốc Bó, nơi Bác ở và làm việc nằm sâu dưới một ngọn núi đá cao, Bác gọi là núi Các Mác. Câu chuyện ngày đầu tiên Bác về nước vẫn còn được lưu truyền rất phổ biến ở nơi đây. Số là, sau cái đêm đầu tiên nghỉ lại tại nhà một đồng bào Nùng có cảm tình với cách mạng; hôm sau Máy Lỳ (người chủ nhà) dẫn Bác và mấy đồng chí vừa về nước, theo một con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo qua rừng, lên một ngọn núi đá.
Từ bờ suối trèo lên phải qua một đoạn dốc khá dài, cây cối rậm rạp thì mới lên tới cửa hang. Hang không rộng lắm, có hai ba ngách nhỏ. Trong một ngách có tảng đá khá to, bằng phẳng, sau này mọi người gác cây rồi rải lá lên làm giường nằm. Gần đấy, một con suối nhỏ chảy quanh các tảng đá, rồi đổ xuống phía dưới, tung những bọt nước trắng xóa. Máy Lỳ bảo: “Ở đây mọi người gọi hang này là Cốc Bó, có nghĩa là đầu nguồn!”. Hôm nay, tại khu di tích này, hang Cốc Bó vẫn còn đây. Núi Các Mác vẫn sừng sững uy nghi như một biểu tượng thành đồng của cách mạng. Suối Lênin trong vắt, uốn lượn bao quanh chân núi tạo nên phong cảnh non nước hữu tình. Và đây, cột mốc 108, nơi chứng kiến những giây phút thiêng liêng đầu tiên khi Người trở về sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước…
Tại Pác Bó, Bác tự sắp xếp nơi nằm nghỉ, chỗ nấu cơm, nơi câu cá lúc nhàn rỗi, chỗ đun nước uống mà chè là lá cây ổi, kê bàn đá mộc mạc tự nhiên để dịch lịch sử cách mạng Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng: “Sáng ra bờ suối tối vào hang / Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng / Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng / Cuộc đời cách mạng thật là sang”…
Nhớ mãi “ông Ké, già Thu”
Dọc đường đi đến với những nơi in dấu chân Người ở Cao Bằng, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện từ đồng bào các dân tộc kể về Bác bằng một tình cảm rất đặc biệt, thiêng liêng. Với đồng bào nơi đây, Bác Hồ thật gần gũi và dường như hình ảnh của Người vẫn đang ở Cao Bằng mới chỉ ngày hôm qua.
Hang Cốc Bó tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, nơi Bác Hồ ở và làm việc những ngày đầu khi về nước
Khi về Pác Bó, lúc thì người dân gọi Bác là già Thu, khi lại gọi Người là ông Ké. Ông Ké theo tiếng địa phương, chỉ người già, là cái tên mà bà con nơi đây gọi Bác với sự tôn kính nhưng lại hàm chứa sự gần gũi, mộc mạc, giản dị của Người. Ngày ấy, ông Ké, già Thu trong bộ quần áo nâu của người dân tộc Nùng hòa mình vào với cuộc sống của đồng bào các dân tộc và cảnh vật nơi đây một cách tự nhiên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết: “Từ trang phục đến lời nói, việc làm. Lúc thổi cơm, ngồi câu cá, khi tắm suối, ngủ rừng... Bác hòa hợp với tất cả mọi người. Không thấy một nét gì khác lạ, cách biệt, ở một người vốn là đại diện của quốc tế cộng sản, đã từng dự Đại hội Tua, từng tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới...”.
Trong những ngày đầu hoạt động cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, Người cùng ăn, cùng ở với đồng bào các dân tộc ở Pác Bó. Vì thế, tình cảm của Bác đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng hết sức chân thành, không chỉ là tình cảm của vị lãnh tụ đối với đồng bào cả nước mà còn là sự tri ân đối với đồng bào đã đùm bọc, chở che Người trong những tháng ngày gian lao, vất vả. Sau này, trong một bức thư gửi đồng bào Cao Bằng, Bác viết: “Tôi luôn nhớ đến những ngày tôi công tác ở tỉnh ta. Cùng mấy đồng chí trong tỉnh, trèo đèo lội suối, ở núi nằm hang… Anh em no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau, đồng lòng một chí.
Do đó mà đào tạo nên những cán bộ quân sự và chính trị. Tôi không bao giờ quên được trong những ngày gian nan cực khổ đó, đồng bào trong tỉnh ta, các cụ già, các chị em phụ nữ, anh em nông dân, các em thanh niên, các cháu nhi đồng, ai cũng hăng hái giúp đỡ. Mặc dầu Tây và Nhật thẳng tay khủng bố, nó đốt làng, nó phá nhà, nó bắt người, nhưng đồng bào vẫn kiên quyết giúp đỡ cách mệnh. Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo cho đến anh em Hoa kiều người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo, có những đồng bào nhịn ăn, nhịn mặc, bán trâu, bán ruộng để giúp chúng tôi làm cách mệnh. Thật là quý hóa vô cùng…”…
Trên chuyến xe trở về thành phố Cao Bằng, ngồi cạnh chúng tôi là Huệ, một cô giáo người dân tộc Tày. Nhà ở thành phố nhưng Huệ lại đi dạy học tận trong bản sâu, ở lại Hà Quảng, nửa tháng mới về một lần. Hỏi chuyện về Bác Hồ, mắt cô giáo trẻ này bỗng ánh lên rồi say sưa kể cho chúng tôi những câu chuyện giống như huyền thoại mà cô từng được nghe nhiều lần từ những người già kể lại. Cô bảo: “Ông Ké, già Thu vẫn sống mãi trong lòng đồng bào các dân tộc nơi đây…”.
THÀNH SƠN - KIẾN GIANG