Từ Nam quốc sơn hà đến Tuyên ngôn độc lập

Cập nhật: 29-08-2018 | 09:05:29

Bài 2: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn...”

 bài cáo của Nguyễn Trãi viết vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt. Nếu như dưới thời nhà Lý, trong Nam quốc sơn hà, Lý Thường Kiệt nêu ra định nghĩa về độc lập và khẳng định chủ quyền thì sang triều đại nhà Lê, Bình Ngô đại cáo của đại thi hào Nguyễn Trãi đã thể hiện một bước phát triển mới về ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và khát vọng hòa bình.

 

Đền thờ đại thi hào Nguyễn Trãi tại tỉnh Hải Dương. Ảnh: T.L

Khẳng định chủ quyền

Trước hết, về mặt văn chương, tác phẩm Bình Ngô đại cáo được người đương thời, ngay cả hậu thế, đều rất thán phục và coi là áng thiên cổ hùng văn. Không những thế, đây được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của Việt Nam (sau bài “thơ thần” của Lý Thường Kiệt và trước bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, công cuộc kháng Minh thắng lợi vẻ vang, đất nước ta được hoàn toàn độc lập, Bình Ngô đại cáo mang âm hưởng hùng tráng và cảm hứng dân tộc đậm đà, hào sảng. Trong bản tuyên ngôn này, Nguyễn Trãi đã hùng hồn khẳng định: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời gây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương.

Khu vực ải Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Ảnh: T.L

Ở đây phải nhấn mạnh rằng, không phải ngẫu nhiên ngay từ những dòng đầu tiên của bài cáo, Nguyễn Trãi viết: “Như ngã Đại Việt chi quốc/ Thực vi văn hiến chi bang” (Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu). Bởi, về quốc hiệu Đại Việt, đây là một sự khẳng định dứt khoát sự bình đẳng của dân tộc ta đối với triều đại phong kiến phương Bắc. Trên thực tế, các triều đại phong kiến phương Bắc trong mấy ngàn năm tồn tại, luôn tự cho là trung tâm của thiên hạ và chỉ họ mới được mang quốc hiệu gắn với chữ Đại, nghĩa là to, lớn, như Đại Hán, Đại Đường, Đại Minh; còn các nước nhỏ xung quanh chỉ là “man, di, nhung, địch”... Việc lấy quốc hiệu Đại Việt cũng có giá trị thiêng liêng như việc các vị vua của nước ta xưng đế vậy. Về hai chữ Ngã và Thực. Ngã nghĩa là ta, Thực nghĩa là thật, là sự thật hiển nhiên. Từ đó khẳng định, Đại Việt sự thật hiển nhiên là một nước có nền văn hiến lâu đời, đồng thời không chỉ là lời tuyên bố dõng dạc, hùng hồn về sự bình đẳng dân tộc mà còn là lời phản bác nghiêm khắc đối với tư tưởng phản động xem các nước nhỏ xung quanh là “mọi rợ, mông muội”của các triều đại phong kiến phương Bắc. Và trên hết, đó là ý thức đề cao, niềm tự hào dân tộc sâu sắc và lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam.

Không chỉ khẳng định chủ quyền, sự bình đẳng dân tộc, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi còn khẳng định sự độc lập về nền văn hiến lâu đời của dân tộc Việt Nam. Văn hiến của nước Việt Nam là do nhân dân Việt Nam xây dựng, trải qua biết bao thăng trầm, sự tàn khốc và mất mát của chiến tranh mới có được. Vì là nước văn hiến lâu đời nên người tài giỏi của Đại Việt thời nào cũng có, giặc đến thời nào cũng nhất định sẽ chuốc lấy thất bại: “Lưu Cung tham công nên thất bại; Triệu Tiết chí lớn phải vong thân; cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô; sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã...”; và trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược: “Đánh một trận, sạch không kình ngạc/Đánh hai trận tan tác chim muông”.

Tư tưởng nhân nghĩa và khát vọng hòa bình

Nhân nghĩa là tư tưởng phổ quát của dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển xuyên suốt chiều dài lịch sử. Mục đích của nhân nghĩa đã được Nguyễn Trãi khẳng định là “cốt để yên dân”, là bảo vệ hạnh phúc của nhân dân. Hạnh phúc lớn nhất của dân là được sống trong môi trường hòa bình, yên ổn làm ăn, không lâm vào cảnh chết chóc, đau thương. Đặc biệt, trong chống giặc ngoại xâm, dân tộc ta đã luôn ứng xử hòa hiếu, khoan dung với các thế lực xâm lược. Việt Nam tuy đánh thắng nhưng bao giờ cũng xử sự rất văn minh, khoan hòa, hiếu sinh, chứ không gây thù oán, vẫn giữ quan hệ bang giao tốt. Điều này cũng đã được kết tinh trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy trí nhân để thay cường bạo” hay “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Chính vì thế nên: Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng/ Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh/ Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc/ Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài ngàn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run/ Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng/ Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.

Tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo thể hiện tinh thần nhân bản và giá trị nhân văn sâu sắc, là kim chỉ nam cho đường lối chính trị và quân sự của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Tư tưởng đó đã giúp cho Lê Lợi giương cao ngọn cờ chính nghĩa, hiệu triệu quần chúng tham gia đánh đuổi giặc Minh. Nó biến thành sức mạnh to lớn đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng và Bác Hồ đã xây dựng nên những quan niệm mới về ý thức độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như khẳng định khát vọng tự do, hòa bình của dân tộc Việt Nam với Bản Tuyên ngôn độc lập công bố với toàn thế giới vào ngày 2-9-1945. Thế hệ sau đã kế thừa và tiếp tục phát triển những điều mà cha ông hàng ngàn năm trước đã tạo dựng nên, Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân, yêu thương nhân dân, đoàn kết nhân dân, cùng nhau siết chặt vòng tay thân ái. Đây chính là sức mạnh vô song, vũ khí lợi hại, giúp nhân dân Việt Nam vùng lên giành lại chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám và sau đó tiếp tục làm nên những chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân 1975… cũng như những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay (còn tiếp) \

Nguyễn Trãi là một vị anh hùng của dân tộc, một nhà văn hóa kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến. Nguyễn Trãi tên hiệu Ức Trai, sinh năm 1380, quê gốc ở xã Chi Ngại (Hải Dương) sau dời đến làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi là một bài ca về lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi là một tài năng lỗi lạc, ông đã để lại cho đời sau một di sản to lớn về quân sự, văn hóa, lịch sử, địa lý, ngoại giao… đặc biệt là sự nghiệp văn học; trong đó tiêu biểu là tác phẩm Bình Ngô đại cáo, một áng thiên cổ hùng văn. (Còn tiếp)

P.V  (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=943
Quay lên trên