Sau một năm vắng bóng, năm nay môn lịch sử tiếp tục được Bộ Giáo dục - Đào tạo chọn 1 trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010. Với học sinh (HS) nói chung, đây là môn học đáng ngại vì có nhiều sự kiện và các mốc lịch sử. Dịp này, thầy Lê Thiết Nghĩa, giáo viên (GV) dạy sử trường THPT Trịnh Hoài Đức (Thuận An) chia sẻ với thí sinh kinh nghiệm học và làm bài thi môn lịch sử.
Thầy Nghĩa đang hướng dẫn học sinh ôn tập môn lịch sửNhằm giúp HS có đủ kiến thức thi tốt nghiệp, hiện nay các giáo viên đều có đề cương ôn tập, HS cứ bám chắc vào đây mà học. Đề cương bảo đảm theo chuẩn kiến thức kỹ năng theo yêu cầu của bộ. Khi học các em nhớ nắm chắc ý, các mốc thời gian chính. Ở mỗi bài phải nắm chủ đề chính, thời gian chính và bài đó có bao nhiêu ý. Ví dụ bài có chủ đề quân sự - chiến tranh, HS phải nắm các chủ trương của ta. Cụ thể như tháng 6-1950 diễn ra chiến dịch biên giới, Pháp tấn công ta và ta phản công lại như thế nào. Hay như chiến dịch mùa xuân năm 1975, HS phải nắm mốc chính về thứ tự thời gian, đầu tiên là chiến dịch Tây nguyên, kế đến Huế - Đà Nẵng, sau đó đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tóm lại, GV có nhấn mạnh những phần trọng tâm theo chuẩn kiến thức và chủ đề, HS không được bỏ sót. Phần lớn kiến thức tập trung ở sử Việt Nam. Phần chung 7 điểm có thể có 1 câu hỏi về sử thế giới, phần riêng 3 điểm có thể là câu hỏi sử Việt Nam hoặc thế giới. Và như thế HS không nên học tủ hoặc học theo kiểu đoán đề sẽ rất tai hại.
Từ nay đến 20-5, GV thường xuyên truy bài HS trên lớp. Còn với các em, trong quá trình học, tốt nhất là các em vừa đọc vừa viết ra, sau đó đối chiếu với tư liệu xem còn sai sót chỗ nào. Với cách học này sẽ giúp HS nhớ bài lâu hơn. Các em cũng có thể tổ chức học nhóm, học tổ để cùng khảo bài nhau.
Đó là cách học, còn khi làm bài, thí sinh phải đọc kỹ, xem yêu cầu đề thi là gì. Khi làm bài, những câu hỏi thuộc lòng nên giải quyết trước, sau đó làm câu phân tích suy luận. Nếu như ý dài không nhớ hết thì cũng phải nêu được những ý chính.
H.THÁI (ghi)