Tuấn “muối tiêu” đã làm nên thương hiệu!

Cập nhật: 25-02-2011 | 00:00:00

Đến với nghề làm muối tiêu (MT) một cách khá bất ngờ, trải qua nhiều thăng trầm, anh Nguyễn Thanh Tuấn - ngụ tại khu phố 3, phường Phú Lợi (TX.TDM) đã xây dựng cho mình một cơ sở sản xuất khá ổn định. Nghề làm MT đã tạo cho gia đình anh một cuộc sống khá sung túc và hơn thế nữa nó còn cho anh có cơ hội giúp đỡ nhiều người khó khăn khác.

“Mặn” với nghề

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất MT của anh Tuấn nằm khuất trong một ngõ hẹp của khu phố 3 vào một buổi chiều tháng giêng đầy oi nồng. Không cần nhìn địa chỉ chúng tôi cũng đã biết chắc đây là cơ sở sản xuất muối của anh vì mùi MT bốc lên thoang thoảng trong cái không khí oi nồng ấy.

 

Tuấn “muối tiêu” tại cơ sở sản xuất của gia đình

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nhưng khá đầy đủ tiện nghi, anh Tuấn rất vui vẻ khi chúng tôi nhắc đến cái biệt danh Tuấn “muối tiêu” của anh. Ly trà đá thơm mát trong buổi chiều nắng nóng đã làm cho cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và anh thêm nhẹ nhàng, gần gũi. Tuấn “muối tiêu” quê gốc Bình Dương nhưng tuổi trẻ của anh quá khó khăn để có thể tìm một công việc ổn định ngay trên mảnh đất quê mình để lo cho cuộc sống gia đình vì anh chỉ mới học hết lớp 8. Làm công nhân sơn mài được 4 năm anh đành phải nghỉ  vì lúc này nghề sơn mài đang trong giai đoạn xuống dốc. Vợ chồng anh chuyển qua làm công nhân đóng gói thuốc lá cũng không “ăn” vì nghề khó khăn và vất vả.

Không đầu hàng trước khó khăn, anh rủ vợ cùng về đi buôn gà để trang trải cuộc sống. Cái khó dường như nó cứ “quấn quýt” lấy anh, do thiếu kinh nghiệm anh không bán được giá và gà hao ký quá nhanh. Nhờ người bạn thân giúp đỡ anh tham gia làm và bỏ mối cà phê. Tưởng như suốt đời chỉ có thể đi làm thuê, làm mướn cho người khác thì trong một lần đem bỏ mối cà phê tại Tân Uyên anh vô tình gặp một người đàn ông bán MT cho các cửa hàng mà mình bỏ cà phê. Anh nhớ lại: “Cà phê mình năn nỉ người ta mới mua cho một vài gói còn MT thì người ta đòi tăng số lượng hàng thêm lên trong khi đó người đàn ông bán MT không đủ khả năng cung cấp”. Trên con đường trở về nhà anh cứ trăn trở mãi và ấp ủ trong lòng ước mơ làm một cái nghề mà trong đó mình có thể làm chủ. Trở về nhà anh bắt tay vào ngay công việc kiến thiết cơ sở sản xuất MT của riêng mình, đó là vào cuối năm 1997. Khi mới bắt đầu, nhiều người trong gia đình không ủng hộ anh vì cho rằng nghề sản xuất MT không thể đem lại thu nhập cao. Anh tự mày mò tìm hiểu công thức chế biến MT, tìm mua chai đựng muối... Lúc đầu anh chỉ làm với số lượng nhỏ đem cho những người hàng xóm ăn thử để họ góp ý. Thấy mọi người nói là ăn thấy được anh mới bắt đầu tổ chức sản xuất nhiều hơn. Cái khó bắt đầu xuất hiện lúc này là làm sao để có tiền mua được máy xay tiêu bằng môtơ để thay thế cái máy xay bằng tay đã mòn hết sau 4 - 5 ngày sử dụng, anh đành bấm bụng đi vay để thỏa mãn ước mơ của mình.

Hiện nay sản phẩm MT của anh đã có mặt tại một số tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, TP.HCM... Từ quy mô chỉ sản xuất vài chục đến vài trăm lọ đến nay cơ sở của anh một ngày có thể sản xuất ra 4.000 lọ. Hiện nay cơ sở của anh giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên trong khu phố với thu nhập từ 2 - 6 triệu đồng/tháng.

Ý chí vươn lên

Trong câu chuyện với anh chúng tôi thấy toát ra trong con người anh một ý chí vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống và lao động. Anh cho biết đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện đến gần 30 thương hiệu MT nên sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn nhiều. Càng khó khăn hơn nữa khi cơ sở của anh luôn bán với giá cao hơn so với các sản phẩm MT khác vì anh rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Cũng có lúc anh nghĩ cái nghề mình theo sẽ “tiêu” khi mà giá tiêu lên cao ngất ngưởng và các nguồn nguyên liệu đầu vào khác cũng tăng cao. Nhưng với ý chí vươn lên làm giàu anh đã vượt qua các khó khăn và đứng vững cho đến hôm nay. Anh cho biết để cơ sở của anh hoạt động được cho đến ngày hôm nay chính là cần phải tự làm mới mình, phải luôn phát triển. Trong suốt một thời gian dài anh phải luôn thay đổi về mẫu chai từ chai thủy tinh sang lọ nhựa, thay đổi về mẫu mã cho càng ngày càng bắt mắt. Đến năm 2003 anh đã đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm MT của mình cái tên Phong Phú với các sản phẩm MT đóng bao và đóng chai. Ngoài ra anh còn tự tay cải tiến các máy móc sản xuất trong cơ sở. Những sản phẩm do anh “kỹ sư lớp 8” thiết kế đã hoạt động tốt và đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất.

Hiện nay mỗi tháng sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí cơ sở của anh cũng cho thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng. Nghề làm MT hiện nay đã tạo cho gia đình anh một cuộc sống khá sung túc. Nhiều người nghe tiếng đến tìm hiểu nghề anh cũng tận tình chỉ bảo với mong muốn ai cũng vượt qua khó khăn. Anh và những người bạn cùng chơi trong nhóm của anh đã tự lập ra “Hội chia sẻ tình thương” để giúp cho những người khó khăn. Với phương châm góp gió thành bão, đến nay “Hội chia sẻ tình thương” đã giúp đỡ cho 20 trường hợp, tuy là số tiền đóng góp không nhiều nhưng cũng đã phần nào giảm bớt khó khăn cho những người được giúp đỡ.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=983
Quay lên trên