Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học
Trong xu thế toàn cầu và hội nhập quốc tế, giáo dục song ngữ đang trở thành xu hướng phát triển của nền giáo dục hiện đại. Thời gian qua, ngành giáo dục Bình Dương luôn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục, nỗ lực đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.
Thí điểm dạy song ngữ
Năm học 2024-2025 là năm thứ hai ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Giáo tổ chức dạy thí điểm song ngữ môn toán ở bậc tiểu học trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Phú Giáo, năm học 2023-2024 huyện triển khai dạy thí điểm 3 lớp, với 70 học sinh (HS) ở các Trường Tiểu học Phước Sang, Tiểu học Phước Hòa A và Tiểu học Vĩnh Hòa A. Đến năm học 2024-2025, huyện đã tăng lên 4 lớp với 102 HS.
Là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chương trình thí điểm dạy song ngữ môn toán của huyện, cô Hoàng Mai Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hòa A, cho biết do mới thực hiện dạy song ngữ môn toán nên trường chỉ mới áp dụng thực hiện ở khối lớp 2 và lớp 3. Trong tất cả HS khối lớp 2 và lớp 3 nhà trường sẽ chọn ra những HS có trình độ ngoại ngữ tốt nhất, sau đó lập thành một lớp để tiến hành dạy thí điểm song ngữ. Hiện tại, trường đang tiến hành dạy 1 tiết/tháng và hoàn toàn miễn phí cho HS.
Là một trong những giáo viên (GV) trực tiếp dạy, cô Nguyễn Thị Hồng Nga, GV Trường Tiểu học Vĩnh Hòa A, cho biết mục tiêu ban đầu là để HS làm quen với việc học các môn học bằng tiếng Anh nên ngôn ngữ trong giảng dạy phải được sử dụng đơn giản và dễ hiểu, giúp HS dễ dàng tiếp thu kiến thức. Qua quá trình thực hiện, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu cho thấy HS hào hứng trong tiết học. Tiết học sinh động, tạo được sự tập trung chú ý hơn trong quá trình học tập. Đặc biệt, các em có kỹ năng phát triển năng lực giao tiếp cả hai ngôn ngữ, giúp HS nhớ từ vựng nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình dạy song ngữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: Đội ngũ GV, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của HS còn có sự chênh lệch khá lớn cũng là thách thức không nhỏ cho ngành giáo dục.
Theo Sở GD&ĐT, hiện tại toàn tỉnh có 28 trường tiểu học thực hiện thí điểm dạy song ngữ môn toán và khoa học trên tinh thần xã hội hóa, có sự thỏa thuận giữa phụ huynh, HS và nhà trường. Còn đối với bậc phổ thông, ngành giáo dục cũng đã xây dựng Đề án tổ chức dạy song ngữ (Việt - Anh) tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương giai đoạn 2023- 2030 trình lên UBND tỉnh.
Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh
Nhằm tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của HS, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, tại Bình Dương, thời gian qua các trường học trên địa bàn tỉnh đã tập trung đổi mới trong cách dạy và học môn tiếng Anh.
Cụ thể, đội ngũ GV đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học. Việc ứng dụng các phần mềm nói riêng và công nghệ thông tin nói chung vào dạy tiếng Anh không chỉ giúp HS có hứng thú trong học tập mà còn giúp các em tiếp xúc chuẩn với tiếng Anh ngay từ ban đầu. Hiện nay, hầu hết các trường trong toàn tỉnh đã được đầu tư trang bị cơ sở vật chất phục vụ học ngoại ngữ. Nhiều trường đã bố trí phòng học tiếng Anh riêng với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục Bình Dương còn đẩy mạnh các hoạt động tập thể, trải nghiệm, giao lưu, kết nối thông qua các buổi tập huấn. Sở GD&ĐT đã thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh dành cho GV dạy tiếng Anh các cấp và sinh hoạt thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho GV tiếp cận và làm quen với phương pháp giảng dạy hiện đại, hiệu quả, tích hợp nội dung môn toán và khoa học vào các tiết học tiếng Anh.
Trong khi đó ở bậc mầm non, hầu hết các trường đều cho trẻ làm quen với tiếng Anh, đơn thuần có thể giúp trẻ bước đầu làm quen với tiếng Anh và tiến xa hơn có thể giúp trẻ nghe nói tiếng Anh từ sớm. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều trường mầm non đã thực hiện liên kết với các trung tâm, đơn vị tổ chức dạy tiếng Anh trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và HS.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết ngành GD&ĐT đã xác định việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là yếu tố quan trọng, là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công nhiệm vụ GD&ĐT thế hệ trẻ có đủ tri thức, bản lĩnh và năng lực hội nhập với quốc tế. “Vì thế, toàn ngành đã sớm triển khai Đề án dạy - học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh; không ngừng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh từ cấp học mầm non đến THPT và khuyến khích công tác xã hội hóa, hợp tác về giảng dạy ngoại ngữ cho học sinh”, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3585/KH-UBND thực hiện chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022- 2030” trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đã đặt ra mục tiêu cụ thể: Đoàn cấp tỉnh phối hợp với Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên Tiền phong, các trường đại học, cao đẳng, THPT xây dựng và tổ chức ít nhất 1 sân chơi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, các hoạt động trang bị kỹ năng hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi tại địa phương, đơn vị. Đến năm 2025, ít nhất 100.000 lượt thanh thiếu nhi, đến năm 2030 ít nhất 200.000 lượt thanh thiếu nhi được tham gia, thụ hưởng các hoạt động của chương trình.... |
HỒNG PHƯƠNG