Từng bước khôi phục kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”

Cập nhật: 22-09-2021 | 07:36:17

 Là một trong những “điểm nóng” dịch bệnh, nhưng với việc quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đến nay TP.Thuận An đã công bố nhiều “vùng xanh”. Song song với việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh, thành phố đang từng bước khôi phục kinh tế - xã hội, đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

 TP.Thuận An đang từng bước khôi phục kinh tế - xã hội, đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”. Trong ảnh: Siêu thị Lotte Mart Bình Dương thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế trong hoạt động kinh doanh

 Ngành nghề thiết yếu trở lại

Cùng với những nỗ lực không ngừng, thành phố đã dần kiểm soát được dịch bệnh, thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”. Nhằm từng bước khôi phục kinh tế - xã hội, đối với các địa phương “vùng xanh”, vừa qua TP.Thuận An đã cho phép các hoạt động kinh doanh, ngành nghề thiết yếu được mở cửa trở lại, như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi (chỉ bán hàng mang về), doanh nghiệp bán hàng lưu động, các chợ truyền thống. Hiện nay toàn bộ 5 phường, xã của thành phố là “vùng xanh”, gồm Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, Vĩnh Phú, An Sơn; cùng một số “điểm xanh” của các phường An Thạnh, An Phú, Bình Chuẩn, Thuận Giao, Bình Hòa sẽ thực hiện nới lỏng giãn cách. Đối với khu vực “vùng đỏ, điểm đỏ”, việc bảo đảm hàng hóa thiết yếu tiếp tục thông qua hình thức bán hàng trực tuyến.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu, cho biết là phường “vùng xanh”, đồng thời là phường trung tâm của thành phố. Thực hiện kế hoạch từng bước khôi phục kinh tế, song song công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong những tháng cuối năm, phường Lái Thiêu sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương, tập trung phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái “bình thường mới”. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trở lại hoạt động sản xuất theo phương châm “an toàn để sản xuất”, “sản xuất phải an toàn”.

Ông Phạm Phú Hiển, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart Bình Dương, cho biết: “Được sự cho phép của UBND thành phố về thực hiện hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”, hiện nay Siêu thị Lotte Mart Bình Dương đã triển khai kéo dài thời gian phục vụ từ 5 giờ sáng đến 20 giờ tối. Mặc dù siêu thị hiện đang thiếu nguồn nhân lực, do một số nhân viên ở TP.Hồ Chí Minh chưa lên Bình Dương làm lại được, tuy nhiên siêu thị đã lên kế hoạch tăng ca, sắp xếp kíp làm việc để bảo đảm hoạt động. Siêu thị cũng đang rà soát lại tất cả các nhà cung cấp, đặt hàng bổ sung bảo đảm đầy đủ. So với trước dịch bệnh, hiện lượng hàng trong kho của siêu thị đã tăng gấp 3 lần để phục vụ khách hàng”. Ông Hiển cho biết thêm, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được siêu thị thực hiện nghiêm theo quy định của Bộ Y tế. Hiện cứ 3 ngày siêu thị tổ chức test Covid-19/lần cho toàn bộ nhân viên. Đến nay tất cả các nhân viên siêu thị đều đã được tiêm 1 mũi vắc xin.

Phát triển nông nghiệp xanh

Song song với việc cho phép các hoạt động kinh doanh, ngành nghề thiết yếu được mở cửa trở lại, để khôi phục kinh tế thành công, TP.Thuận An xây dựng kế hoạch tiếp tục phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn. Ông Trương Công Thạch, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP.Thuận An, cho biết: “Mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị sẽ theo hướng ứng dụng kỹ thuật cao, tăng giátrịvàlợi nhuận trên một đơn vịdiện tích đất nông nghiệp, gắn sản xuất với thịtrường tiêu thụ; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển đô thị, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phòng chống có hiệu quả các loại dịch bệnh cây trồng, vật nuôi”.

Ông Trương Công Thạch, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP.Thuận An: “Thành phố sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn chuyển giao kỹ thuật làm dịch vụ cho nông hộ, nhất là trong lĩnh vực giống cây trồng vật nuôi, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, công nghệ sau thu hoạch và tiêu thụ nông sản. Tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả các dự án đầu tư đã được chấp thuận; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án phù hợp quy hoạch, mục tiêu, hiệu quả về kinh tế, môi trường”.

Theo đó, thành phố thực hiện nâng cao chất lượng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục chuyển đồi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, bảo đảm thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển xanh và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cũng như đáp ứng nhu cầu trong thời điểm dịch bệnh. Cụ thể, đối với ngành trồng trọt, thành phố phát huy các lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương và trên cơ sở nhu cầu thị trường để tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, hoa, cây cảnh, rau an toàn, rau thủy canh, cây kiểng, cây nội thất, ngoại thất, cá kiểng. Lựa chọn vật nuôi phù hợp với mô hình đô thị, không ô nhiễm môi trường, nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác khuyến nông, dịch vụ tư vấn kỹ thuật cho nông dân, nhất là đưa các giống mới có năng suất cao, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm; giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, lao động bán thời gian; đáp ứng nhu cầu thực phẩm, tạo mảng xanh đô thị, cảnh quan môi trường sinh thái cho cư dân đô thị.

Đối với ngành chăn nuôi - thủy sản, phát triển nuôi cá kiểng, thủy sản ở các phường ven sông Sài Gòn. Thường xuyên cập nhật thông tin vềgiống, kỹthuật, thịtrường… cung cấp đầy đủkịp thời cho người nuôi thủy sản. Không phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, tiến dần tới việc chấm dứt chăn nuôi trong khu dân cư đô thị. Khuyến khích lựa chọn vật nuôi phù hợp trong môi trường đô thị. Ngoài ra, thành phố đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, khuyến nông; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông nghiệp. Tăng cường nguồn lực gắn với điều chỉnh cơ cấu đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh thu hút nguồn lực kinh tế tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, đi đôi với tăng cường quản lý các dự án nông nghiệp.

 PHƯƠNG LÊ - T.AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên