Từng bước liên kết ngành và chuỗi giá trị công nghiệp

Cập nhật: 15-07-2022 | 08:19:53

Trong điều kiện khó khăn về cước phí, vận tải thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) đang rất nỗ lực trong việc liên kết ngành và phát triển chuỗi giá trị công nghiệp trong nước để giữ vững sản xuất, cạnh tranh hàng hóa với khu vực.

 Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt là không quá khó nếu mạnh dạn đầu tư, tiếp thị. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại một công ty chuyên sản xuất phụ kiện cho đối tác FDI trên địa bàn TP.Thuận An

 Nhân tố phát triển bền vững

Trong khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, các DN không ngừng nỗ lực tìm kiếm đối tác, kết nối xây dựng chuỗi cung ứng và xem đây là cơ hội để tái cấu trúc sản xuất trong thời điểm hiện nay. Theo ông Nguyễn Đình Thái, Giám đốc lao động Công ty Esprinta Việt Nam (Khu công nghiệp Sóng Thần II, TP.Dĩ An), công ty đã tìm kiếm đối tác từ trước dịch bệnh Covid-19 và trên thực tế các nhà cung ứng cũng rất nỗ lực để có thể đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt mà thị trường quốc tế đưa ra. “Trong tình hình hiện nay, đây là giải pháp tối ưu để phát triển. Việc xem xét các tiêu chí của nhà cung ứng được công ty thực hiện rất minh bạch. Đến lúc này chúng tôi đã có khoảng 80% nhà cung ứng từ đối tác tại Việt Nam. Đây được xem là giải pháp phát triển trong điều kiện hiện nay và đáp ứng mục tiêu bền vững trong tương lai”, ông Thái cho biết.

Việc phát triển chuỗi cung ứng trong nước là hết sức cần thiết, nhằm tối ưu hóa sản xuất và chi phí, phát huy vai trò dẫn dắt của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đại diện Công ty Panasonic cho biết từ cuối năm 2019, Panasonic khánh thành nhà máy mới sản xuất thiết bị chất lượng không khí trong nhà (IAQ) tại Bình Dương, có diện tích mặt bằng 49.995m2 và tổng diện tích sàn là 24.066m2. Sản phẩm của nhà máy không chỉ được kinh doanh ở thị trường Việt Nam mà còn được xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi và nhà máy sẽ trở thành cơ sở chủ lực về các thiết bị thông gió trong nhà. Phía Panasonic cũng sẽ tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại địa phương, thiết lập chuỗi cung ứng, đồng thời thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển về các giải pháp chất lượng không khí, hướng tới mục tiêu trở thành nhà máy vận hành hợp nhất các quy trình phát triển, sản xuất, bán hàng.

Tuy các DN FDI lớn thường có sẵn hệ sinh thái riêng, có chuỗi cung ứng sẵn sàng hoặc tự phát triển chuỗi khép kín nhưng việc các DN nhỏ và vừa Việt Nam tham gia được vào chuỗi giá trị do các DN này dẫn dắt là không quá khó nếu mạnh dạn đầu tư, tiếp thị. Hiện nay, rất nhiều DN công nghiệp hỗ trợ đã vào được chuỗi cung ứng của các DN lớn và khẳng định rằng nhà máy không cần quá lớn song yêu cầu về tính chính xác và bảo đảm chất lượng là rất khắt khe. Ông Đỗ Xuân Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Trung Dũng (TP.Thuận An), cho biết sự tinh xảo, chính xác, uy tín là điều mà các DN FDI rất quan tâm. Khi đã thiết lập được chuỗi cung ứng với các đối tác FDI thì tính bền vững rất lớn. Điều này đòi hỏi các DN phải quyết tâm làm và làm thật tốt khi tham gia chuỗi. Để lại niềm tin tuyệt đối cho khách hàng là điều nên chú trọng trong bước đi đầu tiên.

Mở rộng liên kết vùng

Theo đánh giá của các DN ngành gỗ, đã đến lúc các DN bước ra khỏi việc liên kết với cộng đồng trong tỉnh mà tính toán đến bước liên kết với vùng Đông Nam bộ để phát triển. “Do các đơn hàng lớn đã dịch chuyển nhiều về khu vực lân cận nên sự cạnh tranh về giá trong bối cảnh hiện nay là vô cùng lớn. Điều đó đòi hỏi các DN phải liên kết mạnh mẽ trong khu vực Đông Nam bộ để tìm ra giải pháp tối ưu nhất về nguyên vật liệu, vận tải, công nghiệp phụ trợ… Hiện nay, đây là lối đi duy nhất để DN ngành gỗ mạnh mẽ vượt qua khó khăn”, ông Điền Quang Hiệp, cố vấn Hiệp hội Gỗ Bình Dương, nhận định.

Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Nhung, Phó Tổng giám đốc kinh doanh Tổng Công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (THACO Intrustries), cho biết khu vực Đông Nam bộ đang có lợi thế thuận lợi để đẩy mạnh liên kết phát triển. Sau đại dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh vào công nghiệp, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển các mô hình sản phẩm đa dạng. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc được đầu tư xây dựng trên các trục giao thông xương sống của khu vực, kết nối các trung tâm công nghiệp đến những điểm trung chuyển của miền Đông Nam bộ đang tạo ra cơ hội thuận lợi để các DN đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng trong tình hình hiện nay. Phía THACO cũng tăng cường đẩy mạnh nghiên cứu vào thị trường Đông Nam bộ, mở rộng sản xuất, đón đầu xu thế phát triển của chuỗi cung ứng.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết ngành công thương nỗ lực tạo điều kiện để các đối tác gặp gỡ phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay, việc đẩy mạnh liên kết, phát triển chuỗi cung ứng trong nước là giải pháp tối ưu để giảm thiểu chi phí, giữ ổn định sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các DN hãy tận dụng cơ hội để phát triển sản xuất. Các DN trong nước, các hiệp hội ngành hàng cần nâng tầm sản phẩm, thay đổi cách quản trị để vào được chuỗi cung ứng với các đối tác FDI.

 Tuy các DN FDI lớn thường có sẵn hệ sinh thái riêng, có chuỗi cung ứng sẵn sàng hoặc tự phát triển chuỗi khép kín nhưng việc các DN nhỏ và vừa Việt Nam tham gia được vào chuỗi giá trị do các DN này dẫn dắt là không quá khó nếu mạnh dạn đầu tư, tiếp thị.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên